Mặc dù nhiều doanh nghiệp và người dân đã biết đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) và ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên việc nắm bắt, hiểu biết đầy đủ, chính xác nội dung cam kết của các FTA để tận dụng còn nhiều vấn đề đặt ra.
Văn kiện đầy đủ của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) bao gồm 17 Chương, 02 Nghị định thư, 02 Biên bản ghi nhớ, và 04 Tuyên bố chung. Một bản dịch tiếng Việt của toàn văn Hiệp định này có dung lượng gần 1.900 trang (bao gồm các Phụ lục).
Các cam kết trong Hiệp định EVFTA được đánh giá rất phức tạp cả về nội dung lẫn cách thức trình bày, quy định nhiều vấn đề truyền thống như cắt giảm thuế quan, mở cửa lĩnh vực dịch vụ và đầu tư… và phi truyền thống như phát triển bền vững, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước…
Trên nền tảng cam kết của Hiệp định EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) bổ sung thêm một số điều chỉnh phù hợp với quan hệ thương mại giữa Việt Nam và UK. Toàn văn Hiệp định gồm 09 Điều khoản; 01 Phụ lục sửa đổi một số điều của Lời văn EVFTA; 01 Thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và UK; 01 Nghị định thư về quy tắc xuất xứ và các Bản chú giải. Nội dung UKVFTA phủ rộng các lĩnh vực: tiếp cận thị trường; quy tắc xuất xứ; dịch vụ và đầu tư; mua sắm Chính phủ; sở hữu trí tuệ…
Tương tự, toàn văn nội dung Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 30 Chương, 15 Phụ lục bao gồm dung lượng lớn về nhiều vấn đề, lĩnh vực cả truyền thống và phi truyền thống như: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công hay dịch vụ thị trường đầu tư…
Tính chung các FTA thế hệ mới nêu trên, đến nay Việt Nam đã ký kết và thực hiện 16 FTA song phương và đa phương. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đang đàm phán 03 FTA khác với các đối tác.
Vì vậy, việc tìm hiểu và tận dụng cam kết của các FTA là thách thức lớn với doanh nghiệp, người dân. Điều này đòi hỏi cần có hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp, dễ hiểu, để giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt và khai thác, tận dụng hiệu quả các FTA.
Từ thực tiễn doanh nghiệp tiếp cận và tận dụng các FTA, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi mong muốn những hỗ trợ hướng dẫn, phổ biến cho doanh nghiệp mang tính cụ thể, chiều sâu. Ví dụ những quy định tại những hiệp định FTA, nói thực câu chữ pháp lý phức tạp lắm và bản thân doanh nghiệp không hiểu hết được.
Chúng tôi kiến nghị cần diễn nôm nội dung các hiệp định, tức là chúng ta có thể tóm tắt lại. Ví dụ doanh nghiệp ngành điện tử lưu ý đến hạng mục gì rất cụ thể, rất chi tiết và có khi chỉ tóm tắt ngắn gọn để có thể doanh nghiệp nắm bắt được. Bởi vì doanh nghiệp đọc không hiểu cả một văn bản tổng thể đó trong khi phần liên quan đến doanh nghiệp, ngành hàng chỉ có một vài chương mục mà thôi…
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam
Cổng thông tin điện tử về hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (gọi tắt là Cổng FTAP, địa chỉ truy cập: https://fta.gov.vn/) là nỗ lực lớn của công tác thực thi các FTA và cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu, một cách thức mới nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến các FTA.
Với mục tiêu cung cấp thông tin toàn diện về các FTA mà Việt Nam tham gia nhằm hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp tận dụng cơ hội đầu tư, kinh doanh từ các FTA, Cổng FTAP bao gồm các nhóm nội dung chính như: Cập nhật chính sách thực hiện các FTA của Việt Nam và các đối tác FTA; cập nhật kế hoạch hành động, thực thi các FTA của Việt Nam; cung cấp thông tin về số liệu, đặc điểm thị trường có FTA với Việt Nam, các thủ tục cần thực hiện cho hoạt động xuất - nhập khẩu; các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, đào tạo trực tuyến hướng dẫn doanh nghiệp khai thác FTA…
Trong đó, mảng nội dung “đồ sộ” nhất, công phu nhất với dung lượng thông tin lớn nhất là mục: Hiệp định cung cấp toàn bộ thông tin liên quan tới 16 FTA đa phương và song phương đang có hiệu lực thực thi của Việt Nam, bao gồm:
(1) Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA);
(2) Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA);
(3) Hiệp đinh Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA);
(4) Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP);
(5) Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA);
(6) Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA);
(7) Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia và New Zealand (AANZFTA);
(8) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA);
(9) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA);
(10) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA);
(11) Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP);
(12) Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA);
(13) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA);
(14) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA);
(15) Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP);
(16) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA).
Thời gian qua Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã xây dựng nhiều cuốn cẩm nang, nôm hóa các cam kết của EVFTA, CPTPP…. Quan trọng nhất hiện nay chúng tôi cố gắng tạo ra Cổng thông tin FTA, một nơi cung cấp tất cả các thông tin có liên quan và đáp ứng mong muốn tìm hiểu của doanh nghiệp về các FTA.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương
Đúng với định hướng cung cấp thông tin toàn diện, đầy đủ, hệ thống, thông tin về các hiệp định FTA trên Cổng FTAP được kết cấu như một thư viện thu nhỏ về mỗi hiệp định. Ở mỗi thư viện đó có từng ngăn tài liệu theo từng chủ đề lĩnh vực, nội dung xoay quanh FTA đó. Cách kết cấu này giúp người truy cập Cổng FTAP có thể chủ động sắp xếp tìm hiểu, nghiên cứu từng lĩnh vực nội dung về mỗi hiệp định một cách toàn diện, thấu đáo.
Đơn cử, tại thư mục “Hiệp định EVFTA” bao gồm nhiều phần nội dung được chia nhỏ. Trong đó, phần thứ nhất là nội dung Hiệp định EVFTA được trình bày thành các mục nhỏ gồm:
(i) Văn kiện Hiệp định;
(ii) Cam kết chính;
(iii) Hội đồng và các ủy ban;
(iv) Kế hoạch thực hiện;
(v) Ấn phẩm;
(vi) Văn bản quy phạm pháp luật.
Phần thứ hai là nội dung thông tin liên quan đến hiệp định EVFTA gồm:
(i) Tin tức về EVFTA;
(ii) Sự kiện;
(ii) Ấn phẩm;
(iv) Cập nhật chính sách;
(v) Đào tạo trực tuyến;
(vi) Dữ liệu và thống kê;
(vii) Câu chuyện thực tế.
Về tổng quan, cách kết cấu chuyên mục và dung lượng nội dung truyền tải của mục “Hiệp định” trên Cổng FTAP đòi hỏi người dân, doanh nghiệp quan tâm cần có sự đầu tư để đọc chậm, nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện về các FTA mà Việt Nam đang thực thi.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của Cổng FTAP ở chỗ, trong tổng thể đồ sộ của mục “Hiệp định” thì mỗi mục nhỏ về từng nội dung, lĩnh vực liên quan đến một Hiệp định lại được thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu và có thể truy cập nhanh. Điều này giúp người dùng Cổng FTAP có thể ngay lập tức tìm thấy nội dung cụ thể mình muốn tìm hiểu mà có thể tạm thời để lại những nội dung khác tìm hiểu sau.
Đơn cử, tại thư mục “Hiệp định EVFTA” như đề cập ở trên, khi truy cập vào tiểu mục “Văn kiện Hiệp định”, chúng ta có thể thấy cách trình bày khoa học và dễ tiếp cận thành hai cột thông tin: Bên trái là Mục lục liệt kê tất cả nội dung của Văn kiện Hiệp định EVFTA bao gồm: Lời văn, các Phụ lục, Tuyên bố chung, các Nghị định thư, các Biên bản ghi nhớ. Mục lục này còn có tính năng truy cập nhanh, khi bấm chọn vào từng dòng mục lục thì trang sẽ hiển thị nội dung tóm tắt, cụ thể của mục đó ở bên phải màn hình.
Các tiểu mục khác của thư mục “Hiệp định EVFTA” như: “Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)”; “Các cam kết chính trong Hiệp định EVFTA”; “Các Ủy ban và Nhóm Công tác thuộc Hiệp định EVFTA”;… cũng được trình bày tương tự.
Bên cạnh phần thông tin diễn giải về các nội dung, cam kết… của Hiệp định EVFTA, Cổng FTAP còn cập nhật khá kịp thời các thông tin thiết thực, hữu ích liên quan sát sườn tới việc vận dụng các FTA trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, thông qua các tiểu mục như: “Câu chuyện thực tế” chia sẻ những kinh nghiệm hay của các doanh nghiệp đã tận dụng được Hiệp định EVFTA để thúc đẩy xuất nhập khẩu với thị trường EU; tiểu mục “Cập nhật chính sách” là nơi cập nhật, phổ biến về các văn bản, quy định mới liên quan tới thực thi Hiệp định EVFTA của Việt Nam và EU; tiểu mục “Đào tạo trực tuyến” - nơi cung cấp những kiến thức, hiểu biết và hướng dẫn doanh nghiệp khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA một cách trực quan, sinh động, dễ vận dụng thông qua các video clip, hình ảnh…
Tương tự với kết cấu thông tin về “Hiệp định EVFTA”, thông tin về các hiệp định FTA khác cũng được tổng hợp và phân tách thành từng thư mục sắp xếp theo chủ đề văn kiện hiệp định; các cam kết chính; kế hoạch thực hiện Hiệp định; dữ liệu và thống kê…
Có thể nói, với cách thiết kế vừa tổng thể, hệ thống, vừa cụ thể, trọng tâm, liên kết các nội dung cam kết của hiệp định và những thông tin cập nhật liên quan trong quá trình thực thi, mục “Hiệp định” trên Cổng thông tin điện tử về FTA (FTAP) là tài liệu hữu ích, cần thiết cho mỗi người dân, doanh nghiệp quan tâm đến việc nghiên cứu và tận dụng các FTA một cách hiệu quả.
Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và Thiết kế: Maika