[E-magazine] Giải pháp hạn chế bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh tại thị trường Hoa Kỳ
26/12/2022 lúc 09:00 (GMT)

[E-magazine] Giải pháp hạn chế bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh tại thị trường Hoa Kỳ

 

Chống lẩn tránh - biện pháp phòng vệ thương mại tinh vi và quyết liệt hơn của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia trên thế giới sử dụng một cách rất chủ động cũng như tích cực các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, với số lượng các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hàng đầu trên thế giới.

Đây cũng là một trong những quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến tháng 11/2022, Hoa Kỳ đã tiến hành 51 vụ việc, chiếm khoảng 1/4 số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, như: Gỗ, cá tra, cá basa, tôm, mật ong, thép, máy cắt cỏ....

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong năm 2022 biện pháp phòng vệ thương mại được Hoa Kỳ áp dụng với các quốc gia, trong đó có Việt Nam có sự gia tăng, đặc biệt là sau hai quý đầu năm khi Hoa Kỳ khôi phục lại các biện pháp bình thường hóa mở cửa thị trường các hoạt động kinh tế và quan hệ thương mại với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ không chỉ áp dụng với các mặt hàng từ Việt Nam mà còn với những quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan..., trong đó số lượng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp tăng cao, một trong những lý do là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có cường độ cũng như tỷ trọng, giá trị tuyệt đối gia tăng rất nhanh.

thép xuất Hoa Kỳ
mật ong xk
gỗ dán
pin nang luong
cá tra

Đáng chú ý, nếu như trước đây, các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào hoạt động điều tra chống bán phá giá thì trong giai đoạn gần đây, Hoa Kỳ sử dụng thêm công cụ điều tra mới là chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đến thời điểm hiện tại, có đến 22/51 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, chiếm gần 50% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ tiến hành đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cho thấy xu hướng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại tinh vi và quyết liệt hơn so với trước. 

          

ông Trung PVTM

Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thực tế là một hoạt động điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiến hành bằng các thủ tục điều tra theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, cho phép mở rộng biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đã áp dụng với một nước thứ ba sang áp dụng với Việt Nam nếu như đáp ứng những điều kiện cần thiết.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

          

 

Mở rộng phạm vi sản phẩm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh

Các quy định mới của Hoa Kỳ từ cuối năm 2021, đặc biệt là những quy định về các bước điều tra cũng như phạm vi nội hàm liên quan đã được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan của Hoa Kỳ trong quá trình khởi xướng điều tra cũng như xác định các mức độ của các mặt hàng gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, trong đó có mặt hàng từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, phạm vi những sản phẩm có nguy cơ bị áp mức thuế hoặc điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại mở rộng hơn trước đây rất nhiều.

Nghiên cứu cho thấy, quy định mới của Hoa Kỳ mở rộng và định hình 4 đặc điểm nhận dạng cho một sản phẩm lẩn tránh thuế chống bán phá giá:

1. Đối với những sản phẩm được sản xuất và được lắp ráp tại thị trường Hoa Kỳ: Những sản phẩm được bán ra có cùng phân loại và cùng chủng loại với các hàng hóa bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá và chống trợ cấp cũng nằm trong đối tượng này; Những sản phẩm được sản xuất nhưng sử dụng nguyên phụ liệu có xuất xứ từ những nước bị áp thuế chống bán phá giá; Quá trình sản xuất gia công không đáng kể, chưa đáng kể; Tỷ trọng nguyên phụ liệu được sử dụng trong quá trình gia công đó chiếm đáng kể so với trị giá của sản phẩm.

2. Đối với sản phẩm được sản xuất và lắp ráp tại một quốc gia khác: Sản phẩm được nhập khẩu từ những quốc gia có áp dụng biện pháp về thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp; sản phẩm được sản xuất gia công từ những nguyên liệu nhập khẩu từ những quốc gia bị áp dụng các biện pháp tương tự; căn cứ vào quy trình sản xuất gia công không đáng kể; tỷ trọng của những nguyên phụ liệu chính được sử dụng chiếm tỷ trọng lớn trên tổng trị giá của sản phẩm.

3. Nhóm sản phẩm thay đổi không đáng kể. Thay đổi không đáng kể là những sản phẩm có cùng hình dạng và kích thước, chỉ có thay đổi nhỏ so với những sản phẩm đã bị áp dụng điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá.

4. Sản phẩm có sự thay đổi về phiên bản diễn ra sau khi có cuộc điều tra về áp thuế chống bán phá giá, chống lẩn tránh bắt đầu bị khởi kiện thì những sản phẩm đấy cũng đưa vào phạm vi những sản phẩm sẽ bị điều tra về lẩn tránh.

Đây thường là những sản phẩm có cùng phiên bản, có hình dáng bên ngoài và những đặc tính của sản phẩm giống sản phẩm bị áp thuế điều tra; mục đích sử dụng, tính năng sử dụng và thậm chí quy trình về phân phối sản phẩm, quy trình về quảng cáo sản phẩm cũng gần giống như những sản phẩm đã bị áp thuế phòng vệ trước đó.

thép cán nguội
đá nhân tạo
tủ gỗ
thép ống

Chủ động nguyên liệu - giải pháp quan trọng hạn chế bị kiện chống lẩn tránh

Nói đến giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ, trước hết là sự chủ động, tích cực tìm hiểu, chuẩn bị ứng phó và tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong quá trình tiến hành điều tra, xử lý vụ việc; sự cảnh báo, hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước về phòng vệ thương mại, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại, cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, các tổ chức liên quan như: luật sư, nhà nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ...

Tuy nhiên, với các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ với những thay đổi mới trong quy định về quy trình, phạm vi tiến hành các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nói chung, điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại nói riêng thì việc doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu hợp pháp và chứng minh được xuất xứ hàng hóa đáp ứng quy định của Hoa Kỳ là một giải pháp quan trọng, mang tính căn cơ và lâu dài.

          

 

bà Hương VCCI

Khi một quốc gia nào đấy áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc là chống lẩn tránh thì công việc đầu tiên họ sẽ kiểm tra xem hàng hóa đó có xuất xứ từ đâu và có xuất xứ từ những thị trường dã bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hay không.

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại - VCCI

          

 

Thực tế cho thấy, khi Hoa Kỳ tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của một nước thứ ba sẽ mở ra rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng cơ hội để tăng thêm hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Song song với cơ hội đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ Hoa Kỳ cũng sẽ có sự theo dõi, rà soát xem hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tạo ra những giá trị gia trị gia tăng đáng kể ở Việt Nam hay phần lớn sử dụng các nguyên liệu, các bộ phận cấu kiện từ nước thứ ba đang bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Khi đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ trở thành đối tượng tiếp theo bị điều tra áp dụng lẩn tránh phòng vệ thương mại và thậm chí có thể bị điều tra trực tiếp phòng vệ thương mại.

Một trong những điều kiện của điều tra chống lẩn tránh đó là Cơ quan điều tra của Hoa Kỳ cho rằng hàng hóa đó không có giá trị gia tăng đáng kể tại nước xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu như hàng hóa đó tạo ra được một hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể ở nước xuất khẩu thì sẽ không bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.

Đơn cử trong vụ việc điều tra, áp dụng chống lẩn tránh với sản phẩm thép chống ăn mòn hoặc thép cán nguội từ Việt Nam, Hoa Kỳ không chấp nhận sản phẩm sử dụng nguyên liệu thép cán nóng từ những nước đã bị điều tra tại nước ngoài nói chung, từ những nước Hoa Kỳ đã điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói riêng.

Tuy nhiên, nếu sản phẩm thép cán nguội hoặc thép chống ăn mòn tạo ra tại Việt Nam có hàm lượng nguyên liệu và giá trị gia tăng trong nước lớn sẽ không bị áp dụng biện pháp và doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu sản phẩm đó vào Hoa Kỳ. 

Tương tự, trong các vụ việc khác về chống lẩn tránh, Hoa Kỳ cho phép có một cơ chế nếu như doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ các nước khác không bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc từ nguyên liệu trong nước đảm bảo mức độ nào đó sẽ được chấp nhận về xuất xứ và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ.

          

Hưng - Thương vụ Hoa Kỳ

Trong quá trình sản xuất và xuất khẩu, doanh nghiệp cần chú trọng tạo được các giá trị gia tăng giá trị thặng dư trên sản phẩm xuất khẩu, qua đó góp phần tăng giá trị xuất khẩu tuyệt đối cũng như mang lại các lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước; đồng thời cũng hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại mà các cơ quan liên quan của các nước, trong đó có Hoa Kỳ hiện nay đang áp dụng hay đang tiến hành điều tra.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại,

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ

          

 

Do đó, có thể nói giải pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro từ gốc, từ xa các vụ việc bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ chính là việc gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm tạo ra tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu.

Mặc dù vậy, với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nguyên liệu hợp pháp đáp ứng quy định của các thị trường nhập khẩu nói chung, thị trường Hoa Kỳ nói riêng vẫn là một thách thức. Như đối với ngành thép, tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc cân đối thượng nguồn và hạ nguồn sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng đến nay vẫn đang bị mất cân đối nguồn thép thô, phôi thép, nhất là thép cuộn cán nóng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thép ống, thép mạ để xuất khẩu. Đây cũng chính là hai mặt hàng đang bị Hoa Kỳ điều tra, áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

          

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa: Duy Kiên

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí