Việt Nam và New Zealand có nhiều tiềm năng để mở rộng quy mô thương mại song phương, trước mắt là mục tiêu thương mại hai chiều 2 tỷ USD vào năm 2024. Trong đó có vai trò thúc đẩy quan trọng của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai nước đều là thành viên.
Bà Trần Diệu Oanh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại New Zealand chia sẻ với Tạp chí Công Thương về tình hình trao đổi thương mại giữa hai nước trong thời gian qua, việc thực hiện Hiệp định CPTPP cũng như khuyến nghị một số giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt hơn thị trường này trong thời gian tới.
PV: Xin Bà cho biết tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với thị trường New Zealand hiện nay? Cơ hội phát triển thị trường này trong thời gian tới?
Bà Trần Diệu Oanh: Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - New Zealand trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 342,7 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 167,36 triệu USD, tăng 4,1% so với tháng 2/2023 và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu từ New Zealand đạt 175 triệu USD, tăng 11,2% so với tháng 2/2023 và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 13 (đứng thứ 5 trong ASEAN) của New Zealand.
New Zealand là đất nước với quy mô dân số thấp (5,2 triệu dân), chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp và có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với hàng hóa phục vụ tiêu dùng, xây dựng từ các đối tác chính như Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.
Trong 3 năm gần đây, kể từ đại dịch Covid-19, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, doanh nghiệp New Zealand đã chủ động thay đổi và tìm kiếm các đối tác tại các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam nhằm thay thế cho sự phụ thuộc nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Theo số liệu thống kế hàng năm, New Zealand nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là các loại hàng hóa như: Sản phẩm gỗ, điện tử, hàng may mặc, thủy sản, cà phê...
Tuy là thị trường nhỏ, vị trí địa lý xa so với Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt Nam khi đã tiếp cận được thị trường khó tính này sẽ là cơ hội cho sự phát triển và hợp tác lâu dài vì văn hóa kinh doanh của người New Zealand là trung thành và tin tưởng các đối tác. Bên cạnh đó, việc thâm nhập vào một thị trường có nhiều yêu cầu khắt khe và có tính chọn lọc cao như New Zealand sẽ là một trong những yếu tố quan trọng tăng vị thế và hình ảnh doanh nghiệp.
New Zealand có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với hàng hóa phục vụ tiêu dùng
PV:Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) từ New Zealand vào Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp?
Bà Trần Diệu Oanh: Tính đến hết quý I/2023, tình hình thu hút vốn FDI từ New Zealand đạt 209,8 triệu USD với 51 dự án tại 8 tỉnh, thành phố của Việt Nam (chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh với 31 dự án), tập trung vào một số ngành chính như khoa học công nghệ, công nghiệp chế biến, chế tạo, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông... Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo do New Zealand có nền khoa học công nghệ phát triển hiện đại. Việc thu hút đầu tư từ New Zealand cũng sẽ mang lại cơ hội rất tốt cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam với các thiết bị hiện đại.
PV: Việc thực hiện Hiệp định CPTPP tác động thế nào đến tình hình thu hút đầu tư, nguồn lực từ New Zealand vào Việt Nam cũng như trao đổi thương mại giữa hai nước?
Bà Trần Diệu Oanh: Cùng là thành viên của Hiệp định CPTPP, Việt Nam và New Zealand đều coi đây là cơ hội lớn để hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong hoạt động đầu tư và hợp tác thương mại giữa hai quốc gia. Việt Nam với lợi thế là thị trường dân số lớn 100 triệu dân, thuận lợi cho giao thương với các quốc gia trong khu vực, nguồn lao động dồi dào và chi phí thấp hơn mặt bằng chung của các quốc gia thành viên cũng được các doanh nghiệp của New Zealand hết sức quan tâm.
Nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ vào tháng 12/2022, Hội nghị xúc tiến về đầu tư, thương mại và giáo dục tại các thành phố Hamilton và Wellington đã thu hút rất đông các nhà chức trách và giới doanh nghiệp của New Zealand tham gia để nắm bắt, hiểu rõ thêm về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.
Mới đây, trong tháng 4/2023, Thương vụ Việt Nam tại New Zealand cũng đã tổ chức Hội thảo đầu tư và thương mại với Việt Nam tại thành phố Palmerston North với sự tham gia của Đại sứ Việt Nam tại New Zealand, Thị trưởng thành phố, giới nghị sĩ và gần 70 doanh nghiệp, tổ chức. Thông qua các hoạt động trên, hi vọng trong tương lai gần, các doanh nghiệp, nhà đầu tư của New Zealand sẽ chọn Việt Nam là điểm đến để hợp tác và phát triển.
PV: Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại New Zealand đã có những hoạt động gì hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể kết nối xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các đối tác New Zealand cũng như tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP?
Bà Trần Diệu Oanh: Hàng năm, Thương vụ tổ chức các sự kiện chuyên ngành nhằm giới thiệu về thị trường, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, quảng bá những thế mạnh, cơ hội xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư với Việt Nam tại các thành phố lớn của New Zealand. Bên cạnh đó, Thương vụ tham gia các sự kiện như triển lãm và hội chợ để giới thiệu sản phẩm của Việt Nam, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối trực tiếp tới khách hàng là các nhà bán buôn, bán lẻ, người tiêu dùng tại New Zealand.
Quan điểm của Thương vụ là lan tỏa hình ảnh một đất nước Việt Nam nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp New Zealand; coi trọng từ những cơ hội rất nhỏ để có thể đưa được sản phẩm Việt Nam sang thị trường New Zealand. Do đó, Thương vụ tranh thủ mọi cơ hội để tiếp xúc, quảng bá sản phẩm Việt và tiềm năng rộng lớn của Việt Nam với từng doanh nghiệp New Zealand. Chính các doanh nghiệp này sẽ là những mắt xích kết nối, tìm điểm đến cho sản phẩm nguồn gốc Việt Nam trên thị trường New Zealand.
Đối với những sản phẩm đã thâm nhập được vào thị trường New Zealand và có chỗ đứng tại thị trường, Thương vụ tiếp tục hỗ trợ, xử lý những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện xuất, nhập khẩu giữa doanh nghiệp hai nước; đảm bảo giữ được thị trường và giữ uy tín cho doanh nghiệp, sản phẩm Việt.
Thương vụ Việt Nam tại New Zealand tổ chức và tham gia nhiều chương trình, hoạt động nhằm quảng bá, xúc tiến kết nối giao thương hàng hóa Việt Nam với các đối tác tại thị trường này.
Hiệp định CPTPP mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu của hai nước về ưu đãi thuế quan, mở rộng thị trường với đối tác của các nước thành viên, kết nối hạ tầng thương mại, giảm thuế. Ngoài ra, Việt Nam và New Zealand cũng hợp tác tạo thuận lợi cho thông quan sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản qua chứng nhận điện tử và sẽ thúc đẩy thử nghiệm các hệ thống chứng nhận điện tử nhằm thực hiện thông quan biên giới không cần giấy tờ đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật.
PV: Bà có lưu ý, khuyến nghị gì với doanh nghiệp khi giao thương với đối tác thị trường này trong tình hình hiện nay để có thể tận dụng tốt hơn những lợi thế, ưu đãi do Hiệp định CPTPP mang lại?
Bà Trần Diệu Oanh: Với lợi thế cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do như Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hai bên có thể tận dụng các lợi thế của nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối các chuỗi cung ứng trong các hiệp định FTA như: hỗ trợ xây dựng năng lực trong sản xuất nông nghiệp, an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển giao công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản… để xuất khẩu sang các thị trường của các đối tác có ký kết FTA cũng như các thị trường khác.
Hiện nay, các doanh nghiệp New Zealand đang hướng tới Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung hàng hóa thay thế. Doanh nghiệp New Zealand đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thường sử dụng hình thức outsource (thuê ngoài) để sản xuất hàng hóa. New Zealand có dung lượng thị trường nhỏ nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Do vậy, nếu có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của New Zealand, doanh nghiệp Việt Nam sẽ xây dựng được uy tín và thương hiệu khi xuất khẩu sang các thị trường khác.
New Zealand hiện nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là các loại hàng hóa như: Sản phẩm gỗ, điện tử, hàng may mặc, thủy sản, trái cây...
Vị trí địa lý xa xôi, tách biệt với các nước khác (xung quanh là đại dương) khiến New Zealand dễ thực hiện các biện pháp bảo vệ nền nông nghiệp khỏi các nguy cơ dịch hại từ bên ngoài. Do vậy, New Zealand ban hành và áp dụng các quy định kiểm dịch động thực vật rất nghiêm ngặt để ngăn chặn và loại bỏ các rủi ro về an ninh sinh học, áp dụng đối với hàng loạt các sản phẩm và hàng hóa như thực vật và sản phẩm thực vật, động vật và sản phẩm động vật, các sản phẩm sinh học, thực phẩm...
Nhiều sản phẩm có rủi ro dịch hại như động vật, thực vật tươi sống không được phép nhập khẩu vào thị trường, hoặc chỉ được phép với các điều kiện kiểm dịch nghiêm ngặt, tùy theo hàng hóa và thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường này cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu để đảm bảo hàng hóa phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định của thị trường.
Do dân số nhỏ, vị trí địa lý xa xôi và yêu cầu cao về chất lượng, các đơn hàng từ New Zealand thường có số lượng nhỏ so với các nước khác. Hàng hóa cũng phải vận chuyển qua bên thứ ba, Australia thường được lựa chọn là đường vận chuyển quá cảnh cho các đơn hàng nhỏ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà.
Bài: Việt Hằng
Thiết kế: Thanh Hà