[E-magazine]  UKVFTA - Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh
18/12/2022 lúc 18:00 (GMT)

[E-magazine] UKVFTA - Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh

ukiNhiều lợi thế và cơ hội thị trường rộng mở

Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), với những điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo thương mại song phương Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ailen (sau đây gọi tắt là Vương quốc Anh hay UK) không bị gián đoạn trong bối cảnh Vương quốc Anh chính thức rời khỏi EU.

Hiệp định UKVFTA được xem là khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam - Vương quốc Anh không chỉ góp phần quan trọng đảm bảo thương mại song phương không bị gián đoạn sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, mà còn tạo khuôn khổ và động lực cho việc tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa hai nước.

ukvfta

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Đặc biệt, UKVFTA là một trong những FTA đầu tiên mà Vương quốc Anh kí với một đối tác ngay sau khi nền kinh tế này rời khỏi Liên minh Châu Âu. Điều này giúp Việt Nam và Vương quốc Anh duy trì liên tục những cơ chế thuận lợi về thương mại - đầu tư, đồng thời tạo cho Việt Nam lợi thế lớn so với các nền kinh tế khác chưa có FTA với Vương quốc Anh, trong đó có những “đối thủ” xuất khẩu hàng hóa cạnh tranh vào thị trường này đến từ khu vực ASEAN (trong ASEAN ngoại trừ Việt Nam và Singapore, các quốc gia khác chưa có FTA với Anh).

          

Hiệp định đã đưa ra rất nhiều biện pháp để có thể khuyến khích phát triển thương mại song phương. Đặc biệt, thuế nhập khẩu của Vương quốc Anh sẽ được xóa bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm, tạo ra thuận lợi rất to lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

          

Theo cam kết, Vương quốc Anh xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực tạm thời (từ 01/01/2021); 91,8% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào ngày 01 tháng 01 năm 2027; 98,3% số dòng thuế được xóa bỏ từ ngày 01 tháng 01 năm 2029; 1,7% số dòng thuế được tự do hóa một phần thông qua hạn ngạch thuế quan (lượng hạn ngạch phù hợp với các cam kết WTO của Việt Nam và các thuế trong hạn ngạch sẽ được xóa bỏ vào năm 2031) hoặc không được hưởng ưu đãi.

Bên cạnh thuế nhập khẩu, Vương quốc Anh còn dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan ưu đãi (TRQ) bổ sung đối với 14 mặt hàng với mức thuế nhập khẩu 0%, trong đó có mặt hàng gạo. Vương quốc Anh cũng bảo hộ 36 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại thị trường này, trong đó những sản phẩm nổi tiếng như cà phê Ban Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc...

Với các cam kết như vậy, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ… được gia tăng lợi thế, thâm nhập sâu hơn thị trường Anh, đặc biệt khi dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam bởi nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Vương quốc Anh.

“Cú hích” cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Vương quốc Anh

Một điểm đặc biệt của UKVFTA trong phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam là trước khi thực thi UKVFTA, Việt Nam đã thực hiện các FTA thế hệ mới khác như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), do vậy UKVFTA có một lợi thế mà không FTA nào có được, đó là các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp có thời gian để làm quen và chạy đà tốt với việc thực thi Hiệp định.

Minh chứng rõ ràng nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam và Vương quốc Anh chính là kết quả ấn tượng về kim ngạch thương mại song phương trong bối cảnh hậu dịch bệnh Covid-19 với nhiều xáo trộn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng toàn cầu.

ukvfta

Ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, Giám đốc Thương mại và Đầu tư Anh tại Việt Nam

 

Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đứng thứ 3 về xuất khẩu gỗ và đồ nội thất, top 5 về xuất khẩu thủy, hải sản, cũng như các mặt hàng xuất khẩu linh kiện điện tử, điện thoại di động và dệt may. Dư địa tăng trưởng thương mại giữa hai nước còn rất nhiều, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như nông sản, dệt may mà UKVFTA đã đóng góp đáng kể với các cam kết về thuế quan, hạn ngạch thuế quan cũng như việc dỡ bỏ các rào cản tiếp cận thị trường.

Ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM

Giám đốc Thương mại và Đầu tư Anh tại Việt Nam

Với động lực từ UKVFTA, chỉ sau 01 năm từ khi có hiệu lực tạm thời, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh có bước đột phá đạt 6,61 tỷ USD trong năm 2021, tăng trưởng trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Đây cũng là cột mốc mới trong thương mại song phương khi tăng hơn 4 lần so với trước khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (năm 2009, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Anh là 1,65 tỷ USD).

Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 5,7 tỷ USD trong năm 2021. Các nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng cao gồm rau, quả tăng 67%, cà phê tăng 17%, hạt tiêu tăng 49%, sản phẩm mây, tre, cói, thảm tăng 56%, sắt thép nguyên liệu tăng 1.269%, sản phẩm thép tăng 100%, đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng 19%...

Tiếp đà tăng trưởng, mặc dù tình hình chính trị và kinh tế Vương quốc Anh diễn biến phức tạp nhưng trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,91 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đóng góp nổi bật trong số đó là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu đạt 492,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tiếp đến là mặt hàng dệt may, trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 378,3 triệu USD, tăng 39%, chiếm tỷ trọng 12,9%. Giày dép các loại đạt 357,2 triệu USD, tăng 10,9%, chiếm tỷ trọng 12,2%. Các mặt hàng khác có tốc độ tăng trưởng khá gồm: cà phê tăng 138,8%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 31,5%; hạt tiêu tăng 26,7%; dây điện và dây cáp điện tăng 98,9%.

Vương quốc Anh hiện đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước mang tính gần như bổ sung cho nhau một cách tuyệt đối, hầu như không có sản phẩm cạnh tranh trực tiếp.

Diễn đàn cấp cao Việt Nam - Vương quốc Anh về Kinh tế và Thương mại diễn ra mới đây tại London nhận định, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Hiệp định UKVFTA đã bước sang năm thứ hai thực thi, thương mại 2 chiều Việt - Anh dự kiến sẽ nâng lên mức 10 tỷ USD trong vòng 1-2 năm tới. Hàng hóa Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để tăng cường khai thác, xuất khẩu sang thị trường Anh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Vương quốc Anh đang thúc đẩy quá trình tham gia các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác khác trên thế giới thì lợi thế do Hiệp định UKVFTA mang lại cho doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam không kéo dài mãi. Nếu không chủ động nắm bắt sẽ rất lãng phí các cơ hội, do vậy cần kết nối tất cả doanh nghiệp đồng hành, cùng phối hợp với cơ quan quản lý tận dụng Hiệp định UKVFTA cho tốt nhất, hiệu quả nhất.

 

"Xuất khẩu gỗ tận dụng tốt lợi thế của Hiệp định UKVFTA"

Chia sẻ của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về những cơ hội từ UKVFTA đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu.

UKVFTA Ngô Sỹ Hoài
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

PV: Trong rất nhiều nhóm hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh, gỗ và sản phẩm gỗ đã duy trì được mức tăng trưởng tốt mặc dù trong bối cảnh đại dịch có nhiều khó khăn. Để đạt được những kết quả ấn tượng, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã xác định cơ hội xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh như thế nào khi UKVFTA được ký kết và đi vào thực thi cũng như các doanh nghiệp đã có những hành động cụ thể như thế nào để đem lại những kết quả trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Ngô Sỹ Hoài: Trước đây khi chưa có sự kiện Brexit thì UK đã là một thị trường lớn khá quan trọng của sản phẩm Việt Nam, cụ thể sản phẩm gỗ chúng ta xuất khẩu sang thị trường UK thường chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang tất cả các nước thành viên của EU.

Với việc UK không còn là một thành viên của EU nữa, ban đầu cũng có băn khoăn, lo lắng nhưng nhờ có UKVFTA, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của chúng ta vào UK năm 2021 đã đạt trên 265 triệu USD và tăng hơn 18% so với năm trước đó.

Một điều rất quan trọng, sản phẩm gỗ mà chúng ta xuất khẩu sang UK có đến trên 92% là đồ mộc, đồ nội thất - nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn so với các sản phẩm gỗ được dùng làm vật liệu trung gian cho các công đoạn chế biến tiếp theo trong ngành công nghiệp gỗ và các doanh nghiệp của chúng ta đã tận dụng được cơ hội mà UKVFTA mang lại.

Ví dụ, theo thỏa thuận giữa hai quốc gia thì nhóm sản phẩm nội thất tinh chế khi xuất khẩu vào UK vẫn còn chịu mức thuế từ 1,2 - 2% và sẽ giảm dần trong những năm tới. Nhóm sản phẩm gỗ, sản phẩm vật liệu trung gian có mức thuế từ 2-10% và sẽ giảm trong những năm tới. Các doanh nghiệp của chúng ta đã tận dụng cơ hội đó và năm ngoái chúng ta đã tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu được hơn 18%.

Một điều cần nhấn mạnh, chúng ta khó cạnh tranh với các nước khác trên thị trường UK, nếu không có Hiệp định thương mại tự do UKVFTA, nếu không có xúc tác từ giảm thuế. Các quốc gia Châu Âu khác có lợi thế lớn hơn chúng ta khi xuất khẩu sản phẩm gỗ vào UK. Doanh nghiệp gỗ Trung Quốc cũng đến sớm hơn, mạnh hơn chúng ta nhiều trên thị trường này. Hiện tại, sản phẩm gỗ từ Trung Quốc xuất sang UK chiếm tới trên 40% tổng giá trị nhập khẩu (gần 5 tỷ USD) của UK, năm ngoái người Trung Quốc xuất vào UK 1,9 tỷ USD, còn các nước thành viên EU xuất  khẩu vào UK 1,4 tỷ USD sản phẩm gỗ. Chúng ta dù sao cũng đến sau hơn, chi phí logistics và vận tải biển cao hơn, hiểu biết của doanh nghiệp Việt về thị hiếu nội thất và văn hóa chi tiêu của người Anh cũng hạn chế nhiều hơn.

Tuy nhiên, nhờ có Hiệp định UKVFTA, các doanh nghiệp của chúng ta đã tận dụng được một phần cơ hội mà Hiệp định này mang lại và đã có bước tăng trưởng trong năm đầu tiên rất đáng khích lệ.

PV: Ông vừa chia sẻ một tin rất vui là xuất khẩu gỗ Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh đã tăng trưởng tới 18%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nói chung sang Vương quốc Anh trong năm 2021. Việt Nam cũng là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ ba cho Anh, sau Trung Quốc và EU. Tuy nhiên nhìn toàn diện thì tỷ trọng của đồ gỗ Việt Nam mới chỉ chiếm chưa được 10% tổng trị giá nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Anh và còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp ngành công nghiệp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam. 

Vậy ông có thể chia sẻ những chúng ta đang gặp phải những trở ngại gì trong việc khai thác thị trường Anh và việc tận dụng những cơ hội từ Hiệp định UKVFTA. Chúng ta cần những giải pháp như thế nào để giải quyết những trở ngại này, nhằm tận dụng tốt hơn nữa cơ hội từ Hiệp định này, thưa ông?

Ông Ngô Sỹ Hoài: Với hiệu ứng của một số hiệp định thương mại tự do mà chúng ta ký kết với các nước thì ngành công nghiệp gỗ của chúng ta đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn trên thế giới và đồng thời cũng phản chiếu rất rõ nét những hiệu ứng tích cực và những thách thức đặt ra để chúng ta có thể tận dụng được cơ hội do các FTA này mang lại.

Ngành công nghiệp gỗ, hay nói chính xác hơn là sản phẩm gỗ của chúng ta hiện nay mới chỉ chiếm 7,2% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của UK. Nếu so sánh với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam thì thị trường UK mới chỉ chiếm 2%.

Khi xuất khẩu sang UK chúng ta gặp phải một số khó khăn. Trước hết, UK là một thị trường bao gồm những khách hàng rất khó tính, chi tiêu rất cẩn thận, dè dặt không giống như một số các thị trường khác.

UK cũng là một quốc gia có ngành công nghiệp gỗ phát triển rất lâu đời, chính từ UK, công nghiệp gỗ mới dịch chuyển phát triển sang một số nước khác như Mỹ, Đức, Nhật Bản, sau đấy mới đến các “con rồng Châu Á” và đến Việt Nam. Do đó họ rất khó tính về mẫu mã, kiểu dáng và đặc biệt UK đặt ra một số yêu cầu rất nghiêm khắc về mặt môi trường. Bởi vì sản phẩm gỗ liên quan đến rừng - một bộ phận rất quan trọng của môi trường sống và UK kể cả khi còn là thành viên của EU cũng như hiện nay sau Brexit luôn giương cao ngọn cờ chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính...  Vì thế, các doanh nghiệp của chúng ta khi xuất khẩu vào UK phải đặc biệt chú ý đến tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ. Chúng ta phải minh bạch làm sao để gỗ chúng ta đưa vào chuỗi cung ứng cho sản phẩm xuất khẩu sang UK  được khai thác một cách hợp pháp.

Dĩ nhiên cũng có những vấn đề, ví dụ như chúng ta chưa tận dụng tốt những nền tảng kỹ thuật số để có thể tiếp thị để có thể đưa sản phẩm của chúng ta đến với khách hàng UK. Ngoài ra chúng ta là những người đến sau, sản xuất, gia công một số sản phẩm theo những mẫu mã mà các quốc gia khác, các nhà cung ứng khác đã mang đến UK rồi. Nếu chúng ta chủ động hơn, có năng lực thiết kế, năng lực xây dựng thương hiệu tốt hơn thì tôi tin giá trị mà chúng ta được hưởng trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường UK sẽ lớn hơn.

Nhìn chung vẫn có những vấn đề, những thách thức nhưng về cơ bản tôi vẫn nhìn nhận UK như là một trung tâm có hiệu ứng lan tỏa. Nếu chúng ta duy trì được tăng trưởng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu vào UK chúng ta nhất định sẽ tạo dựng được uy tín, sự quan tâm của các thị trường khác với tính dẫn dắt của thị trường UK. Nó khẳng định rằng chúng ta thực sự có ngành công nghiệp gỗ có khả năng cạnh tranh và sản phẩm gỗ của chúng ta thực sự đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng từ UK.


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí