[eMagazine] Thích ứng với hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu nâng cấp của EU
20/10/2024 lúc 09:55 (GMT)

[eMagazine] Thích ứng với hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu nâng cấp của EU

 

Hàng năm, hàng nghìn tỷ Euro hàng hóa được nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch xuất nhập khẩu của khối EU-27 hiện chiếm khoảng 15% thương mại hàng hóa thế giới.

EU coi việc đảm bảo an ninh an toàn chung cho công dân và thị trường EU là ưu tiên hàng đầu. Do đó, song song với việc tạo nhiều ưu đãi cho hàng hóa của các đối tác thông qua các hiệp định Thương mại tự do như EVFTA với Việt Nam, EU liên tục sửa đổi, nâng cấp các quy định đối với hàng hóa nhập khẩu, tiêu thụ tại khu vực này.

Đặc biệt, nhằm tăng cường quản lý rủi ro, nguy cơ tổn thất tính mạng con người, thiệt hại kinh tế và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, EU đã và đang nỗ lực triển khai chương trình an ninh và an toàn của Hải quan áp dụng trước khi hàng đến, được củng cố bởi hệ thống thu thập thông tin hàng hóa với quy mô lớn - Hệ thống kiểm soát nhập khẩu (ICS2).

nhập khẩu

 

Tiếp theo quá trình hoạt động của giai đoạn 1 và 2 trước đó, giai đoạn 3 của Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2) bắt đầu từ ngày 3/6/2024 áp dụng cho tất cả các đối tượng còn lại bao gồm 5 đối tượng từ giai đoạn 1 và 2, bổ sung thêm các doanh nghiệp vận chuyển đường biển, đường sắt và đường bộ cùng với các nhà nhập khẩu tại EU.

Hệ thống nâng cấp này được tạo ra để thu thập dữ liệu về tất cả hàng hóa vào EU. Theo EU, ICS2 nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn thị trường chung châu Âu và công dân của mình bằng các biện pháp an toàn và an ninh hải quan mới, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại tự do thông qua các quy trình an ninh hải quan dựa trên dữ liệu được cải thiện phù hợp với các mô hình kinh doanh toàn cầu.

Đáng chú ý, tuân thủ hệ thống ICS2 là bắt buộc đối với tất cả các lô hàng quá cảnh qua bất kỳ quốc gia EU nào ngay cả khi điểm đến cuối cùng không phải là một phần của EU, ví dụ với các lô hàng từ châu Á đến Vương quốc Anh quá cảnh qua một quốc gia thành viên EU.

Các giai đoạn và phạm vi áp dụng Hệ thống kiểm soát nhập khẩu (ICS2)

hệ thống ICS2
hệ thống ICS2 b
(Nguồn: europa.eu/Tổng cục Hải quan Việt Nam)

Với bản phát hành ICS2 thứ ba này, các hãng vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt cũng cần cung cấp dữ liệu về hàng hóa được gửi đến hoặc qua EU trước khi hàng đến, bao gồm mã Hệ thống Hài hòa (HS) gồm 06 chữ số cho từng dòng hàng hóa được liệt kê trong hóa đơn thương mại và/hoặc mô tả hàng hóa chi tiết cho các lô hàng trước khi đến, thông qua Tờ khai nhập khẩu tóm tắt (ENS).

Nghĩa vụ này cũng liên quan đến các hãng vận chuyển bưu chính và chuyển phát nhanh sử dụng các phương thức vận tải này này để vận chuyển hàng hóa cũng như các bên liên quan khác, chẳng hạn như nhà cung cấp dịch vụ hậu cần.

Trong một số trường hợp nhất định, bên nhận hàng cuối cùng được thành lập tại EU cũng phải gửi dữ liệu ENS tới ICS2.

nhập khẩu EU

 

Dựa theo yêu cầu, các quốc gia thành viên EU sẽ cấp quyền cho các bên giao dịch chịu ảnh hưởng để kết nối dần với ICS2 trong khoảng thời gian triển khai có hạn.

Các quốc gia thành viên có thể cấp thời hạn triển khai tại bất kỳ thời điểm nào trong những khung thời gian sau: Từ ngày 03/6/2024 đến ngày 04/12/2024 (các hãng vận tải đường biển và đường thủy nội địa); từ ngày 04/12/2024 đến ngày 01/4/2025 (đơn vị nộp đơn thứ cấp vận tải đường biển và đường thủy nội địa); và từ ngày 01/4/2025 đến ngày 01/9/2025 (các hãng vận tải đường bộ và đường sắt).

Nếu các bên giao dịch chưa chuẩn bị sẵn sàng và không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của ICS2, hàng hóa của họ sẽ bị dừng ở biên giới EU và không được cơ quan hải quan thông quan. Thông tin trước về hàng hóa và phân tích rủi ro sẽ cho phép xác định sớm các mối đe dọa về an ninh và giúp cơ quan hải quan can thiệp vào thời điểm thích hợp nhất trong chuỗi cung ứng.

Để đáp ứng các nghĩa vụ về nộp dữ liệu Tờ lược khai nhập khẩu, Tổng cục Hải quan Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin, quy trình nghiệp vụ và đào tạo nhân sự. Ngoài ra, các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện tự kiểm thử tính phù hợp trước khi bắt đầu các nghiệp vụ khai báo vào hệ thống.

Từ thời điểm 3/6/2024, tất cả các doanh nghiệp logistics, chuyển phát nhanh, giao nhận và các doanh nghiệp vận tải đường biển, đường hàng không, đường sắt và đường bộ có liên quan tới hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào hệ thống ICS2 của Liên minh Hải quan EU.

          

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không nắm được các quy định này có khả năng phải chịu hậu quả nghiêm trọng như: Các containers và lô hàng sẽ bị dừng tại biên giới với EU; Hàng hoá sẽ không được thông quan bởi Hải quan EU; hoặc các tờ khai không đầy đủ hoặc bị từ chối hoặc sẽ bị cấm vận vì không tuân thủ quy định của EU.

Tổng cục Hải quan

          

 

nhập khẩu EU 3

 

Theo Tổng cục Hải quan, là người khai báo, doanh nghiệp chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác, hoàn chỉnh và kịp thời của các thông tin các thông tin đã khai báo trên Tờ lược khai nhập khẩu.

Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý tới các yêu cầu thông tin nhất định trên tờ khai, cụ thể:

Thứ nhất, khai báo mã HS (6 chữ số) của hàng hóa có tính chất thương mại (giao dịch giữa Doanh nghiệp - Doanh nghiệp và Doanh nghiệp - Khách hàng).

Thứ hai, khai báo số đăng ký và định danh EORI (tương tự như mã số doanh nghiệp) của người nhận hàng tại EU. Các bên cần cung cấp Số đăng ký và định danh cho người khai báo Tờ lược khai nhập khẩu. Số đăng ký và định danh có thể được xác thực tại website của Ủy ban EU (europa.eu) để chắc chắn thông tin là chính xác.

Thứ ba, khai báo thông tin về Bên bán và Bên mua (hoặc chủ hàng hóa trong trường hợp lô hàng không liên quan tới giao dịch thương mại) của hàng hóa cùng điểm đến cuối cùng ở Liên minh châu Âu.

Thứ tư, bắt buộc phải có Bản mô tả đầy đủ hàng hóa bằng ngôn ngữ dễ hiểu và đủ chính xác để cơ quan Hải quan có thể xác định được hàng hóa. (Doanh nghiệp xem “hướng dẫn các bản mô tả hàng hóa không được chấp nhận” trên Hệ thống ICS 2 - Phiên bản 1 tại website: europa.eu).

Việc nộp dữ liệu có thể dưới hình thức một tờ khai hoàn chỉnh nếu bên nộp dữ liệu có sẵn mọi dữ liệu cần thiết, hoặc có thể nộp dữ liệu ENS nhiều lần trong trường hợp có nhiều hơn một phần dữ liệu ENS được nộp bởi các bên khác nhau trong chuỗi cung ứng.

Các cơ quan Hải quan EU có thể từ chối khai báo ENS trong trường hợp thiếu thông tin hoặc có các biện pháp can thiệp giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn trước khi xếp hàng lên tàu hoặc trước khi hàng đến, yêu cầu người khai phải cung cấp các dữ liệu cần thiết, chẳng hạn trong trường hợp dữ liệu không chính xác.

Thời hạn nộp tờ khai ENS

Đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển:

a) Chậm nhất hai tiếng đồng hồ trước khi tàu đến cảng nhập đầu tiên vào Liên minh EU trong trường hợp hàng đến Greenland, Quần đảo Faeroe, Iceland, các cảng trên Biển Baltic, Biển Đen, Địa Trung Hải hoặc Ma-rốc;

b) Tương tự, chậm nhất hai tiếng đối với các trường hợp hàng hóa được vận chuyển từ lãnh thổ của các nước thứ ba, thời gian hành trình của tàu là dưới 24 tiếng và hàng hóa đi vào lãnh thổ hải quan của Liên minh EU, các tỉnh hải ngoại của Pháp, Vùng Tự trị Acore của Bồ Đào Nha, Madeira hoặc quần đảo Canary;

c) Chậm nhất 04 tiếng trước khi tàu chở container hàng rời tới trong các trường hợp ngoài a) hoặc b);

d) Đối với hàng hóa đóng container trong các trường hợp ngoài a) và b), thời hạn là 24 tiếng trước khi hàng hóa được xếp lên tàu chở vào lãnh thổ hải quan của EU.

Đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không:

e) Tờ lược khai nhập khẩu ENS hoặc nếu không thể nộp ENS thì phải gửi bộ dữ liệu tối thiểu trước khi xếp hàng lên máy bay sớm nhất có thể nhưng chậm nhất là trước khi hàng hóa được xếp lên máy bay vận chuyển vào lãnh thổ của Liên minh EU;

f) Khi bộ dữ liệu tối thiểu đã được gửi đi theo mục e), thì tờ khai ENS hoàn chỉnh phải được gửi vào thời điểm máy bay khởi hành, thời gian của chuyến bay kéo dài trên 4 tiếng;

g) Đối với các chuyến bay khác ngoài các chuyến bay nói trên tại mục f), tờ khai hoàn chỉnh phải được gửi trước khi máy bay tới sân bay đầu tiên trong lãnh thổ EU 04 tiếng.

Đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt:

h) Khi hành trình của tàu từ ga tàu cuối cùng bên ngoài lãnh thổ EU tới điểm nhập cảnh đầu tiên trong lãnh thổ EU dưới 02 tiếng đồng hồ, doanh nghiệp phải gửi ENS chậm nhất một tiếng trước khi tàu tới điểm nhập cảnh của EU;

i) Trong trường hợp ngoài các trường hợp nêu tại mục h), doanh nghiệp phải gửi ENS chậm nhất 02 tiếng trước khi tàu tới điểm nhập cảnh của EU.

Vận chuyển bằng đường bộ: Doanh nghiệp phải gửi ENS chậm nhất một tiếng trước khi hàng tới điểm nhập cảnh của EU.

Vận chuyển bằng đường thủy nội địa: Doanh nghiệp phải gửi ENS chậm nhất 02 tiếng trước khi hàng tới điểm nhập cảnh của EU.

thép tấm
cà phê
det may
xuat khau
nhap khau

Những việc doanh nghiệp cần triển khai khi nộp báo cáo lên Hệ thống ICS2

Doanh nghiệp cần phải quyết định tự phát triển hệ thống CNTT nội bộ hay sử dụng dịch vụ của một Nhà cung cấp dịch vụ CNTT để gửi dữ liệu ENS lên hệ thống ICS2. Doanh nghiệp cần phải thỏa thuận sớm với các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng về cách thức nộp dữ liệu ENS.

Điều này phụ thuộc vào việc các bên trong chuỗi cung ứng có đồng ý cung cấp thông tin chứng từ thương mại cần thiết cho công ty vận chuyển hay không.

Nếu Có, công ty vận chuyển gửi toàn bộ thông tin được yêu cầu lên ICS2 dưới hình thức một Tờ lược khai nhập khẩu hoàn chỉnh.

Nếu Không, khách hàng của doanh nghiệp vận chuyển phải tự gửi một phần thông tin liên quan của Tờ lược khai nhập khẩu lên ICS2 hoặc bố trí một bên thứ ba trong chuỗi cung ứng gửi thông tin (ví dụ: một người nhận hàng ở EU trong trường hợp vận chuyển qua đường biển).

xuất khẩu EU
          

Bài: Phương Thúy
Ảnh: Media Team
Thiết kế: Maika 

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí