[Emagazine] Thương mại xanh - Yêu cầu cấp thiết và những giải pháp khuyến nghị
13/10/2024 lúc 22:46 (GMT)

[Emagazine] Thương mại xanh - Yêu cầu cấp thiết và những giải pháp khuyến nghị

 

Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 đã đề cập đến mục tiêu, định hướng, giải pháp liên quan tới phát triển thương mại xanh.

Theo đó, thúc đẩy phát triển thương mại trong nước đồng thời phải tăng cường quản lý nhà nước, bảo vệ hiệu quả thị trường trong nước, lao động lực cho các doanh nghiệp trong nước tham gia ổn định giá cả thị trường; xây dựng nền thương mại văn minh hiện đại gắn với bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cơ bản hình thành khung chính sách về hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối xanh bền vững, đảm bảo triển khai có hiệu quả các mô hình phân phối xanh bền vững. Hoàn thiện các quy định, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về hệ thống phân phối xanh, trước hết là hệ thống phân phối bán lẻ bao gồm chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và áp dụng trên phạm vi cả nước; xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh, bền vững, chính sách thúc đẩy sự tham gia của các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường trong các hệ thống phân phối…

thương mại xanh

 

Trao đổi tại Hội thảo "Thương hiệu - Nội lực “mềm” cho doanh nghiệp Việt” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP. HCM) tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn khẳng định: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu, trong đó có thương mại xanh, tiêu dùng xanh, thương hiệu xanh…

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, các nghiên cứu gần đây của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho thấy yêu cầu về thương mại xanh đang cấp thiết, rõ ràng; xu hướng tiêu dùng xanh rất quan trọng, các khách hàng ngày càng quan tâm về vấn đề này…

Khảo sát của McKinsey năm 2022 cho thấy, khoảng 63% người tiêu dùng cân nhắc yếu tố phát triển bền vững của các thương hiệu khi ra quyết định mua hàng. Bên cạnh đó, các công ty có sự đầu tư thực hiện chiến lược phát triển ESG (bao gồm 3 trụ cột: Môi trường - Xã hội - Quản trị) hướng tới phát triển bền vững và tác động tích cực của doanh nghiệp đến cộng đồng, xã hội sẽ có cơ hội phát triển cao hơn. Đơn cử, một số thương hiệu lớn đang có lợi thế thương hiệu xanh mang lại. Chẳng hạn như Toyota đã có những giải pháp cụ thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng (tôn trọng môi trường, ngăn ngừa hiện tượng nóng lên toàn cầu và không gây ô nhiễm không khí); hay như Vinamilk có chiến lược phát triển bền vững, duy trì phát triển thương hiệu xanh, với cách tiếp cận vừa phát triển, vừa bảo vệ môi trường…

          
Nguyễn Hồng Quân

Đối với nước ta, có các đề án, chương trình hành động quốc gia, tham gia các hiệp định thương mại tự do… vào nền kinh tế xanh toàn cầu; tuy vậy, chúng ta đang gặp nhiều thách thức, liên quan đến nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu, nguyên vật liệu, điện…

PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. HCM

hàng Việt xanh

 

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM dẫn số liệu của Bộ Công Thương cho biết ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay có quy mô thị trường bán 142 tỷ USD và dự báo có thể tăng 350 tỷ USD vào năm 2025.

Thương mại hiện đại và thương mại điện tử đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hàng Việt phát triển theo đúng xu thế trên thế giới. Những đầu tư về logistics, cơ sở hạ tầng giao thông cũng đóng góp quan trọng đối với năng lực cung ứng của hàng Việt, nâng cao khả năng cạnh tranh. Hàng Việt được đầu tư phát triển về chiều sâu, lan toả và có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đối với thị trường thế giới, hàng Việt cũng vượt khó và từng bước chinh phục thị trường thế giới bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh. Hàng Việt cũng đang phát triển dần theo hướng “xanh” rất mạnh mẽ, đồng thời tận dụng được những cơ hội mới, như ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do.

Nguyễn Anh Đức
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM. (Ảnh: SGGP)

Đồng quan điểm này, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketting Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), cho biết SCC rất quan tâm và tập trung chất lượng sản phẩm. Nếu không đủ chất lượng thì không thể tồn tại và phát triển lâu dài, vì mỗi thời kỳ, giai đoạn, hình thức phân phối, bán lẻ có nhiều hình thức khác nhau. Vài chục năm trước, các cửa hàng tạp hóa là kênh phân phối chính. Nhưng hiện nay có rất nhiều chuỗi kinh doanh, thương mại điện tử ngày càng có nhiều phương pháp tiếp cận chính xác hiệu quả hơn.

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, hướng đi của SCC là sâu sát cùng các đối tác nước ngoài ngay từ đầu, để sản phẩm khi xuất khẩu sẽ đáp ứng được ngay các tiêu chuẩn.

gian hàng xanh
hàng xanh
xanh hóa
xanh hóa 2

Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Secoin nhấn mạnh, cần hiểu rằng, thương mại bền vững xảy ra khi trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tạo ra lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của phát triển bền vững (như tạo ra giá trị kinh tế; giảm nghèo và bất bình đẳng; bảo tồn và tái sử dụng tài nguyên môi trường).

Khẳng định Secoin là một mắt xích trong chuỗi sản xuất xanh, bà Liên Hương cho rằng yêu cầu để sản phẩm đứng vững và phát triển trên quy mô toàn cầu cần phải an toàn, có khả năng tái tạo, được sản xuất có trách nhiệm (với bản thân, người lao động), sản phẩm sử dụng lâu bền (hạn chế sản phẩm dùng nhanh, xả thải ra môi trường, vòng đời sản phẩm ngắn)…

 
Võ Thị Liên Hương

Nếu như trước đây theo đuổi tính xanh là sự đánh đổi chi phí thì bây giờ xanh hóa nhằm bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Khi ta có sản phẩm xanh, ta dễ dàng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và đây cũng là tấm “hộ chiếu xanh” quyền lực toàn cầu cho doanh nghiệp

Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Secoin. (Ảnh: Secoin)

kinh doanh xanh

 

Nhấn mạnh việc phát triển thương mại xanh, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Thủ tướng đã có Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cụ thể hóa Chiến lược này, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu về phát triển thương mại xanh giai đoạn đến năm 2025 là thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm đạt mục tiêu giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất như: dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu, bia, nước giải khát, giấy....

Đồng thời, 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững và các mô hình kinh tế tuần hoàn; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn tiết kiệm năng lượng và các nhãn sinh thái khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Lê Việt Nga
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương trao đổi trực tuyến tại Hội thảo. (Ảnh: SGGP)

Dẫn chứng câu chuyện của ngành dệt may Bangladesh đã thành công trong xây dựng thương hiệu “dệt may xanh”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng với Việt Nam, đây là câu chuyện đáng suy nghĩ. Để quá trình xanh hóa diễn ra, quan trọng nhất là tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp. Khi đã nhận thức được tầm quan trọng của quá trình xanh hóa, cần khẳng định rằng, nếu không xanh hóa thì không có tương lai cho nên, phải chuyển đổi xanh, tạo nội lực mềm cho doanh nghiệp, đón đầu cho tương lai.

Có thể thấy quá trình xanh hóa đòi hỏi quyết tâm rất lớn, sự kiên trì của doanh nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp. “Chúng ta cần một rừng xanh - cả một cộng đồng Việt Nam đồng tâm hiệp lực chứ không phải chỉ một vài doanh nghiệp. Khi nói đến rừng cây xanh, không chỉ có vai trò chính của doanh nghiệp, mà còn có vai trò quản lý của Nhà nước vì để doanh nghiệp chuyển đổi xanh bắt buộc phải đầu tư”, ông Hòa nhận định. Bên cạnh đó là sự tham gia của các tổ chức tài chính, từ đó tạo nhiều kênh tài chính hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể huy động được nguồn lực cho chuyển đổi xanh

Để doanh nghiệp Việt ngày càng “xanh” hơn, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân cho rằng rất cần sự chung tay vào cuộc của các bộ ngành; cần sự tiếp tục xây dựng và cập nhật khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, cần phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn; cần mô hình thí điểm, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu ngành; lồng ghép các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành, địa phương. Thêm nữa, cần có đề án cụ thể, tuy nhiên áp dụng theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất…

thương mại xanh 2

Bài: Thanh Hà
Ảnh: Media Team
Thiết kế: Maika


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí