Sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp (từ tháng 10/2023 - 12/2025) yêu cầu nhà nhập khẩu báo cáo mức độ phát thải của hàng hóa tuy nhiên chưa cần nộp khoản phí nào thì Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (gọi tắt là CBAM) sẽ được vận hành chính thức từ ngày 01/01/2026.
Theo đó EU sẽ chính thức đánh thuế carbon đối với các hàng hóa thuộc diện điều chỉnh xuất khẩu vào thị trường này dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ra hàng hóa đó. Trong thời gian đầu vận hành, Cơ chế CBAM áp dụng đối với 06 nhóm hàng hóa gồm sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và khí hydro.
Quy định mới của EU đang được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tìm hiểu để có giải pháp thích ứng phù hợp.
Thời gian qua, mặc dù thông tin về CBAM ngày càng phổ biến nhưng đang bị phân tán, chưa mang tính hệ thống và bài bản. Nhiều doanh nghiệp tuy có sự chủ động tìm hiểu, nghiên cứu nhưng hiểu sai, hiểu chưa đúng dẫn tới triển khai sự chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phù hợp với yêu cầu của CBAM.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Loan, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM chia sẻ: Ngoại trừ một số doanh nghiệp trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp có những nghiên cứu và sự chuẩn bị một cách nghiêm túc thì đại bộ phận các doanh nghiệp khác hiểu chưa đầy đủ, có thể chưa chính xác và từ đó những phản ứng, những chuẩn bị không có hiệu quả. Đơn cử, có những doanh nghiệp hiểu chưa đúng về phạm vi áp dụng của CBAM; có những doanh nghiệp thuộc những ngành không thuộc đối tượng điều chỉnh ban đầu của CBAM lại lo lắng thái quá...
Lý giải rõ hơn, bà Loan cho rằng, đối với những cơ chế mới như CBAM thì doanh nghiệp sẽ rất lúng túng để tìm hiểu các thông tin và chuẩn bị phản ứng của mình. Chẳng hạn, khi muốn tìm hiểu các tiêu chuẩn của EU, của CBAM để đáp ứng, nếu doanh nghiệp không có một cơ quan đầu mối hướng dẫn thì có thể doanh nghiệp mất rất nhiều công sức để chuẩn bị nhưng có thể lãng phí, không hiệu quả và không đáp ứng yêu cầu của CBAM. Hoặc có những doanh nghiệp vội vã mua tín chỉ carbon để chuẩn bị ứng phó với CBAM.
Trong khi đó, các yêu cầu, hướng dẫn của EU chưa rõ ràng và chưa có sự công nhận liên quan đến các cơ chế giá carbon hay bù trừ tín chỉ thì việc chuẩn bị của doanh nghiệp mang tính chất không có định hướng, không thông qua những kênh chính thống có thể sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực và thậm chí gây thiệt hại về mặt tài chính.
Do đó, việc có kênh thông tin chính thức có thể thúc đẩy những hướng dẫn một cách chính thống về các quy định cụ thể của CBAM giúp nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp.
Khi tôi làm việc với các đối tác nước ngoài để chia sẻ các kết quả nghiên cứu đánh giá tác động CBAM tại thời điểm năm 2023 thì có những đối tác của Chính phủ Anh cân nhắc thực hiện chính sách điều chỉnh carbon như thế nào, áp dụng giống CBAM của châu Âu hay áp dụng biện pháp khác thì họ cũng hỏi tôi về cơ quan đầu mối của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực này như thế nào.
Thời điểm đó Đoàn công tác Việt Nam không thể đưa ra một thông tin chính thức và như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình đàm phán cũng như thống nhất các nội dung thực hiện giữa Việt Nam và các nước đối tác nhập khẩu khi họ áp dụng các chính sách mới. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng Việt Nam có thể thích ứng với các cơ chế mới như CBAM.
Bà Nguyễn Hồng Loan
Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM
Trước sự cấp thiết và cần phải có những biện pháp đồng bộ thích ứng với cơ chế CBAM, mới đây, Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với Cơ chế CBAM, bao gồm việc xây dựng và triển khai Đề án ứng phó với Cơ chế СВАМ; Trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục chủ động, tích cực đối thoại với EU, Vương quốc Anh... làm rõ sự phù hợp của CBAM với các cam kết quốc tế; nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi áp dụng của CBAM…
Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Để ứng phó với Cơ chế CBAM thì Bộ Công Thương sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan đã đề xuất 4 nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp đầu tiên liên quan đến vấn đề thể chế, trong đó đầu tiên phải xác định được một cơ quan đầu mối chính thức. Thực chất thời gian vừa qua các bộ, ngành cũng đều vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp để chuẩn bị cho CBAM. Tuy nhiên quan trọng nhất phải có một đầu mối về CBAM để tổng hợp tất cả các nguồn lực, thông tin kết nối và trực tiếp đàm phán, trao đổi với nước ngoài để từ đó có những hướng dẫn cũng như hỗ trợ doanh nghiệp một cách cụ thể. Đến nay, điểm đầu tiên đã hoàn thành xong, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương làm đầu mối.
Sau đó, việc xây dựng một quy định liên quan đến giá carbon thực sự rất quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên chúng ta cần phải thận trọng. Tuy nhiên đây là yếu tố rất cần thiết, bởi vì ngoài chuyện tạo ra thị trường, quan trọng nhất trong thời gian tới khi EU có những hướng dẫn cụ thể hơn về việc chúng ta có được bù trừ hay không, tính toán những chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra để xử lý những vấn đề phát thải carbon tại Việt Nam thì việc tính toán để bù trừ tín chỉ carbon, tín chỉ CBAM rất quan trọng. Đấy là hai giải pháp chính trong vấn đề nhóm thể chế.
Nhóm giải pháp thứ hai mà Bộ Công Thương đề xuất là nhóm liên quan đến tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp. Thời gian qua nhiều tổ chức, nhiều cơ quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền rất tốt, giúp cho CBAM được biết nhiều hơn và doanh nghiệp cũng đã có những chuẩn bị, được cảnh báo nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ông Khanh, chúng ta phải có sự tuyên truyền đúng, tuyên truyền chính xác, bởi vì có nhiều nguồn thông tin chưa chuẩn xác, dẫn tới có những doanh nghiệp chưa thuộc diện điều chỉnh của CBAM như ngành gạo có sự lo lắng...
Bên cạnh đó, cần triển khai tập huấn hướng dẫn cho doanh nghiệp làm thế nào để tuân thủ các quy định về báo cáo, các hoạt động cần thiết chuẩn bị cho ứng phó với CBAM.
Nhóm giải pháp thứ ba là các giải pháp hỗ trợ. Trong đó, đầu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp làm thế nào để giảm thải carbon ít hơn. Những hỗ trợ sẽ được chi tiết hóa trong thời gian tới, bởi không chỉ liên quan đến Bộ Công Thương mà còn một số bộ, ngành khác. Một điểm nữa quan trọng là tài chính xanh. Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến ủng hộ tạo ra nguồn tài chính xanh để hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, làm sao cho xanh hơn, ít thải carbon hơn.
Bên cạnh chuyện ứng phó với CBAM thì phải hỗ trợ tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.
Nhóm giải pháp cuối cùng là bên cạnh việc trong nước có những sự chuẩn bị ứng phó chính thức thì chúng ta cũng đấu tranh, yêu cầu EU phải làm rõ sự tương thích của quy định CBAM với WTO, với Hiệp định EVFTA.
Hiện nay chúng tôi cũng đang có hướng đàm phán để yêu cầu. Thứ nhất, EU phải xác định cho chúng tôi biết được các cơ quan, các tổ chức tư vấn mà phía EU chấp nhận là tổ chức nào. Chúng tôi đang đề nghị EU phải liệt kê, xác định những tổ chức nào khi họ tư vấn thì EU có thể đồng ý những kết quả tư vấn đó.
Thứ hai đề nghị EU có hỗ trợ cho Việt Nam, chẳng hạn như thời gian chuyển đổi từ năm 2026 thì đối với doanh nghiệp Việt Nam có thể lùi lại. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch đàm phán với EU về việc đó.
Bên cạnh đó, ông Khanh cho biết phải chuẩn bị khả năng thời gian tới nếu Vương quốc Anh áp dụng cơ chế tương tự CBAM từ năm 2027, kể cả Hoa Kỳ, Úc, Canada... cũng đang xem xét những cơ chế tương tự.
Bộ Công Thương cũng tích cực, chủ động trao đổi với các đối tác, nêu vấn đề này ra không chỉ trong WTO mà còn trong các diễn đàn khác. Bởi vì thực tế CBAM không chỉ Việt Nam quan ngại mà nhiều thành viên WTO cũng quan ngại bao gồm các đối tác lớn của EU như Trung Quốc, Indonesia, Nam Phi, Ấn Độ, cho nên chúng ta tiếp tục đấu tranh trong các diễn đàn đa phương.
Như vậy bên cạnh nội bộ chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, nhưng phía bên ngoài chúng ta vẫn phải tiếp tục đấu tranh để có những cam kết, quy định linh hoạt tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng
Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)
Như vậy có thể thấy, việc có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm điều phối các biện pháp hiệu quả đối phó với CBAM, và xây dựng Đề án ứng phó với cơ chế CBAM được cho là kịp thời và kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và bền vững vào chuỗi cung ứng hàng hóa với EU.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, Thép là một trong 6 ngành hàng đầu tiên chịu điều chỉnh của Cơ chế CBAM. Do vậy, các doanh nghiệp ngành thép nói chung cũng như Hiệp hội Thép Việt Nam thời gian qua đã tiến hành tìm hiểu ở các nguồn thông tin khác nhau.
“Tuy nhiên chúng tôi rất tâm đắc với quyết định mới nhất gần đây của Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối chủ trì việc hướng dẫn cho các doanh nghiệp ngành thép nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung về các thông tin liên quan đến CBAM và hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó có hiệu quả với Cơ chế carbon biên giới của EU (CBAM)”, ông Thái cho biết và bày tỏ: Đây là điều rất cần thiết giúp cho doanh nghiệp sẽ tiếp cận được các thông tin chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh có các nguồn thông tin nhiều chiều hiện nay. Hy vọng Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thép Việt Nam hiểu rõ hơn những việc cần phải làm và ứng phó hiệu quả với cơ chế CBAM.