Mặc dù tác động chưa lớn như với xuất khẩu hàng hóa, nhưng xét trong tổng thể kết quả thu hút FDI của Việt Nam, thực thi EVFTA đã tác động tích cực tới dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam. Bên cạnh đó EVFTA cũng giúp các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất.
Với nhiều ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực, EVFTA đã mở rộng cửa cho các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, nhưng đầu tư từ EU vào Việt Nam ít nhiều đã tăng sau đại dịch. Hà Lan, Pháp, Luxembourg, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là 6 nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam.
Theo thống kê, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt xấp xỉ 452,7 tỷ USD vốn đăng ký lũy kế đến 20/7/2023, với tổng số hơn 37,8 nghìn dự án còn hiệu lực đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thu hút đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam đạt xấp xỉ 29,0 tỷ USD vốn đăng ký với 2.515 dự án còn hiệu lực, xếp thứ 6 về vốn đăng ký trong nhóm các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.
Tỷ trọng vốn đăng ký từ các nhà đầu tư EU tăng từ khoảng 5% tổng vốn đăng ký bình quân giai đoạn 2016-2020 lên mức 8,9% năm 2022 và 9,2% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Chuyển biến tích cực của dòng vốn đầu tư từ EU có sự đóng góp rất lớn của Đan Mạch, với sự hiện diện của dự án FDI xanh quy mô lớn như dự án nhà máy LEGO đầu tư tại tỉnh Bình Dương. Hà Lan, Pháp, Luxembough, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là sáu nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam.
Xét theo ngành, lĩnh vực, FDI của EU vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào 3 nhóm ngành bao gồm: công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản.
Tình hình đầu tư của một số nhà đầu tư lớn của EU vào Việt Nam
Đức là thị trường lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ bảy của Việt Nam trên toàn cầu. Tổng đầu tư lũy kế của các nhà đầu tư Đức vào Việt Nam đạt 2,55 tỷ USD với 459 dự án còn hiệu lực. Bosch là nhà đầu tư lớn nhất của Đức vào Việt Nam.
Hà Lan: Đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 tại Châu Âu. Tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 14,11 tỷ USD với 430 dự án còn hiệu lực tính đến cuối tháng 7/2023.
Pháp: Nhà đầu tư lớn thứ hai của EU tại Việt Nam với vốn đăng ký lũy kế đạt 3,8 tỷ USD và 674 dự án còn hiệu lực tính đến cuối tháng 7/2023.
Luxembourg: Nhà đầu tư lớn thứ ba của EU tại Việt Nam, với vốn đăng ký lũy kế đạt 2,6 tỷ USD tính đến cuối tháng 7/2023.
Xem thêm các bài viết về tình hình thực hiện Hiệp định EVFTA trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Dù vậy, nếu so sánh vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm cuối tháng 7/2023 với vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm 7/2020 thì có thể thấy tác động của EVFTA đối với thu hút vốn FDI từ EU còn tương đối khiêm tốn. Báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) quý 3/2023 của EuroCham cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực và khó khăn đan xen. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU được hưởng lợi rõ rệt từ Hiệp định EVFTA và ghi nhận xuất siêu liên tục thì ở chiều ngược lại, EVFTA chưa làm thay đổi đáng kể tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, EVFTA cũng giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất của nhiều lĩnh vực, ngành hàng trong nước. Qua đó góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ EU về Việt Nam gồm máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất và các sản phẩm liên quan,…
Theo tính toán từ số liệu thống kê hải quan của Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 5,75 tỷ USD hàng hóa các loại từ thị trường EU, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động sản xuất và tiêu dùng sụt giảm trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới là lý do chính khiến nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU vào Việt Nam giảm trong 5 tháng đầu năm nay.
Trong số các mặt hàng nhập khẩu từ thị trường này, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng dẫn đầu với 1,2 tỷ USD, chiếm tới 21,2% (gần 1/4) tổng trị giá nhập khẩu từ EU vào Việt Nam. Nhóm hàng này vẫn tăng trưởng 12,41% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2022. Tiếp theo là nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 1,14 tỷ USD, giảm 2,32% so với cùng kỳ và chiếm 19,96%. Nhập khẩu dược phẩm giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh đã lắng xuống trên toàn cầu, đạt 971 triệu USD, giảm 49,8% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn chiếm tới 12,11%.
Cũng nằm trong nhóm 10 mặt hàng dẫn đầu về trị giá nhập khẩu từ EU trong 5 tháng đầu năm 2023 còn có sản phẩm hóa chất, hóa chất, thức ăn gia sức và nguyên liệu, sữa và sản phẩm từ sữa, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, chất dẻo nguyên liệu, phương tiện vận tải phụ tùng. Trong đó chất dẻo nguyên liệu và hóa chất là hai nhóm hàng sụt giảm mạnh nhất.
Từ góc độ nhà đầu tư EU, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại một số khó khăn, thách thức để tăng cường thu hút đầu tư từ EU.
Về pháp lý và quy định, hệ thống pháp lý và quy định ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn và thiếu rõ ràng đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Thị trường lao động dồi dào nhưng chất lượng và trình độ chuyên môn của lao động vẫn còn hạn chế. Hạn chế về quyền sở hữu trí tuệ; cạnh tranh từ các nhà sản xuất địa phương. Hạ tầng giao thông, điện và nước vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt tại khu vực nông thôn...
Theo khảo sát quý III/2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), 59% số người tham gia khảo sát cho rằng những khó khăn về hành chính là thách thức chính khi hoạt động tại Việt Nam. Những trở ngại khác như sự không chắc chắn trong các quy tắc và quy định, khó khăn trong việc xin giấy phép, các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực và giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài cũng là những điểm được nhắc đến.
Cũng theo các doanh nghiệp châu Âu, sau 3 năm triển khai, Hiệp định EVFTA đang tiếp tục có tác động tích cực mạnh mẽ đến bối cảnh kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, sự khác biệt trong định giá hải quan đối với hàng nhập khẩu, thủ tục thông quan kéo dài, những trở ngại kỹ thuật đối với thương mại… là những tồn tại hạn chế hiệu quả đầy đủ của Hiệp định EVFTA.
Khảo sát cộng đồng doanh nghiệp EU tại Việt Nam, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn khá mạnh mẽ. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý hơn, 31% xếp Việt Nam vào top 3, trong đó con số ấn tượng là 16% khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu. Đáng chú ý, hơn một nửa số người được khảo sát dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khi năm 2023 gần kết thúc. Dự đoán tích cực này nhấn mạnh một triển vọng đầy hứa hẹn cho dòng vốn FDI và nêu bật sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một địa điểm đầu tư.
Các doanh nghiệp Đức bày tỏ sự lạc quan vào khả năng phát triển kinh doanh của mình tại Việt Nam và kỳ vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế hơn so với kỳ khảo sát trước đó. 91% các nhà đầu tư Đức có mong muốn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và khoảng 40% trong số họ có kế hoạch bổ sung lực lượng lao động trong 12 tháng tới.
Khảo sát Mùa xuân 2023, AHK Việt Nam, 7/2023
Để cải thiện thu hút FDI vào Việt Nam, 58% số doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát của EuroCham cho rằng việc tinh giản bộ máy cồng kềnh là yếu tố quan trọng nhất, 48% ủng hộ việc tăng cường môi trường pháp lý, 1/3 kêu gọi nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và 22% nhấn mạnh việc nới lỏng các yêu cầu về thị thực và giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài.
Bên cạnh đó, phát triển bền vững đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chủ động chuẩn bị cho các quy định xanh sắp ra mắt của EU, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon… Qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là tại thị trường quan trọng như thị trường EU.
Trong khi đó, đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) cho rằng, để tăng cường hơn nữa sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tiềm năng tại Việt Nam cần chú trọng những lĩnh vực trọng tâm.
Theo đó, Việt Nam có thể cùng hợp tác và nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề bằng cách trang bị cho người lao động các kỹ năng theo tiêu chuẩn của Đức, tận dụng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số. Ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp địa phương để duy trì vai trò của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu và của Đức, đồng thời tuân thủ các quy định về phát triển bền vững như ESG (Môi trường, xã hội và Quản trị doanh nghiệp) và Đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức. Cụ thể hóa và khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện VIII để khuyến khích sản xuất điện tái tạo. Đơn giản hóa, số hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính để tận dụng Hiệp định EVFTA và cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam…
Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và Thiết kế: Duy Kiên - Hoàng Phương