
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm. Đồng thời, theo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới.
Hơn nữa, Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao. Với vị trí chiến lược, hội tụ tốt nhất điều kiện về nguồn nhân lực, trình độ phát triển, sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền thành phố, đội ngũ doanh nghiệp FDI, Hà Nội được nhận định là một trong những tỉnh, thành phố phát triển ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn của cả nước.
Theo GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, ông Mại cho rằng Hà Nội cần nâng cao hơn nữa việc sự phối hợp giữa chính quyền Thủ đô với các bộ, ngành trung ương, các viện khoa học, trường đại học trong thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn để góp phần tăng vốn FDI cho Thủ đô.
GS. TSKH. Nguyễn Mại nhận định, Hà Nội cần khắc phục các điểm nghẽn trong thu hút FDI ngành công nghiệp bán dẫn
Hiện vành đai công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu hình thành trong vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang…). Do đó, Hà Nội cần phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong tổng thể phát triển của cả vùng Thủ đô cũng như của cả nước. Hỗ trợ, dẫn dắt các địa phương (đào tạo nguồn nhân lực, hậu cần…) và thu hút đầu tư vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị (thiết kế, R&D…).
Infineon Technologies AG - nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất nước Đức đã thông báo thành lập trung tâm phát triển chip bán dẫn ở Hà Nội. Đại diện Công ty Infineon Technologies AG nhìn nhận, trung tâm phát triển mới tại Hà Nội sẽ đóng vai trò quan trọng trong các kế hoạch tăng trưởng năng lực tham vọng của DES. Về lâu dài, mục tiêu của Infineon là đưa trung tâm tại Hà Nội trở thành một trung tâm R&D tiêu chuẩn quốc tế, tương tự các trung tâm R&D quốc tế của Infineon hiện đặt tại Munich (Đức), Villach (Áo), Bangalore (Ấn Độ) và Singapore.
Các chuyên gia đánh giá rất cao về lợi thế của Hà Nội trong việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn. Không chỉ có Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip), Thành phố hiện còn có 11 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 2.930ha. Hiện, 14 dự án khu, cụm công nghiệp khác đang trong quá trình triển khai cũng như đưa vào quy hoạch phát triển vào giai đoạn tới.
Đặc biệt, khu Công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều lợi thế để "đón sóng" đầu tư ngành bán dẫn khi đang quy tụ những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam như: Viettel, FPT, Mobifone, Vinaphone, CMC, những cơ sở nghiên cứu và ươm tạo quy mô lớn như: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có 108 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là trên 5 tỷ USD. Số cán bộ, chuyên gia, người lao động, học tập tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc khoảng 25.000 người.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực được Chính phủ rất quan tâm; chủ trương thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp này.
Thành phố yêu cầu các đơn vị phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động… để sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn.