Trong thời kỳ khôi phục kinh tế ở miền Bắc mới được giải phóng, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã đích thân lựa chọn xây dựng 13 nhà máy sản xuất công nghiệp đầu tiên để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, trong đó có Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Năm 1958, Nhà máy được khởi công xây dựng. Ba năm sau, ngày 24/2/1961, Nhà máy chính thức đi vào hoạt động, trở thành cơ sở đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà cả Đông Dương sản xuất bóng đèn và phích nước. Năm 1964, Nhà máy vinh dự được Bác Hồ về thăm và dặn dò. Và 60 năm qua, lời dặn dò của Bác đã trở thành động lực, là kim chỉ nam để hàng nghìn người lao động Rạng Đông phấn đấu mỗi ngày, nỗ lực hơn mỗi ngày để hiện thực hóa tâm nguyện của Bác, để Việt Nam có thể tự tin “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Trong suốt 60 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã trải qua đủ mọi cung bậc lịch sử của một doanh nghiệp. Từ đối diện với khó khăn của thời kỳ bao cấp đứng bên bờ vực phá sản, phải tự tinh giản biên chế, nhường nhau từng suất việc làm để tồn tại, đến những bỡ ngỡ của cơ chế thị trường. Rồi cổ phần hóa và cao hơn bây giờ là chuyển đổi số. Trước mỗi lần “thay máu”, khát vọng về một Rạng Đông mới càng thêm mạnh mẽ, quyết liệt, để rồi ngần ấy con người lại đồng lòng nhất trí, đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực, chinh phục những đỉnh cao mới, vượt qua những giới hạn để lập nên những kỳ tích mới.
Qua 60 năm, Rạng Đông đã thực hiện chuyển đổi thành công 4 tầng công nghệ trong chiếu sáng từ đèn dây tóc sang đèn phóng điện, sang chiếu sáng rắn (LED) và mở đầu tầng công nghệ thứ tư Smart Lighting từ năm 2016. Đặc biệt, mỗi khi sản phẩm tầng công nghệ cũ đang phát triển mạnh mẽ, lãnh đạo Công ty đã chuẩn bị cho tầng công nghệ tiếp theo. Vì vậy, mỗi lần chuyển tầng công nghệ không xảy ra hiện tượng “sao đổi ngôi” mà càng khẳng định vị thế dẫn đầu của Rạng Đông trong chiếu sáng.
Bên cạnh đó, Công ty kiên trì áp dụng các mô hình quản trị hiện đại, các tiêu chuẩn quản lý quốc tế tiên tiến ISO, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng. Các thành tựu đó, đặc biệt từ 2015 đã chuẩn bị những tiền đề rất cơ bản để từ năm 2020 Rạng Đông bước vào chuyển đổi số thành công.
Nhận thức rõ vai trò Khoa học - Công nghệ trong phát triển, năm 2011, Công ty thành lập Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển chiếu sáng (LRDC), mỗi năm giành 20% lợi nhuận sau thuế để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Tổ chuyên gia Tư vấn Quản trị Chiến lược nay là Tổ chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số. Từ khi bước vào chuyển đổi số, thành lập thêm Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ số (DRDC) và Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Mô hình kinh doanh số (DBMRDC). Các Trung tâm nghiên cứu thu hút hàng chục Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ làm việc trực tiếp tại các trung tâm hoặc hợp tác bán thời gian, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển Rạng Đông.
Nhờ sự hoạt động hiệu quả của các Trung tâm, từ năm 2020, Đại hội đồng cổ đông thường niên Rạng Đông đã quyết định hàng năm giành 15% lợi nhuận sau thuế cho Nghiên cứu Phát triển và 7% lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm (tăng 2% so với trước đây), kết hợp với phong trào “Thi đua Lao động Sáng tạo - Làm thỏa lòng Bác mong” với 8 lần Techday, đã đem đến những kết quả vượt trội. Năm 2019 xảy ra đám cháy lớn, nhưng doanh thu đạt 4.256 tỷ, gấp 40 lần năm 1998 và vượt mục tiêu Đảng bộ Công ty đề ra năm 2000 đạt 4.000 tỷ đồng. Nộp Ngân sách đạt 330 tỷ tăng 36 lần, lợi nhuận thực hiện đạt 359 tỷ tăng 36 lần so 1998 (20 năm trước).
Thời kỳ này, Rạng Đông được tặng danh hiệu: Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới và được cộng đồng đánh giá là “Hiện tượng Rạng Đông”.
Năm 2019, Rạng Đông bắt đầu gia nhập vào công cuộc chuyển đổi số. Mặc dù chuyển đổi số đang là xu hướng của cả xã hội, nhưng là người thực sự bắt tay vào việc, từ đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ chuyên gia tư vấn cho đến CBCNV, người lao động của Rạng Đông đều không tránh khỏi hoang mang khi không có mô hình thực tế nào để học hỏi. Trong khi, theo số liệu thống kê, có tới 70% tỷ lệ thất bại của các doanh nghiệp trên thế giới (theo Tony Saldanha) và 90% doanh nghiệp Việt Nam chưa thành công (theo khảo sát của VCCI). Rạng Đông, muốn chuyển đổi số, không còn con đường nào khác ngoài vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, học hỏi trên những điều chưa thành công của chính mình.
Chia sẻ trong một diễn đàn về Chuyển đổi số do VCCI tổ chức năm 2021, ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, vì không có mô hình nào để tham khảo, nên Rạng Đông lựa chọn quá trình chuyển đổi số rất quyết tâm nhưng đầy thận trọng. Từ nhiều năm qua, Công ty đã đóng vai trò như một vườn ươm công nghệ nơi các kết quả nghiên cứu khoa học từ các trường đại học, các viện nghiên cứu tìm được môi trường thực tiễn để thử nghiệm và biến thành sản phẩm thương mại hóa được, phục vụ cho nhu cầu của xã hội, cộng đồng.
Vì vậy, khi tiến hành chuyển đổi số, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp – Trường Đại học Ngoại thương, Công ty chọn chuyển đổi tổng thể, toàn diện, đồng bộ có trọng tâm trên cả 03 phương diện: Công nghệ, quá trình và tổ chức - con người. Đồng thời, lựa chọn cách tiếp cận tập trung vào khách hàng, lấy việc phụng sự khách hàng làm khâu dẫn, từ đó kéo theo khâu sản xuất, khâu hỗ trợ kinh doanh, thúc đẩy phát triển hệ thống và năng lực của nhân viên. Khâu sản xuất thông minh và tái cấu trúc chiến lược sản phẩm trong nhiều năm (từ 2016 - 2021) đã được tập trung thực hiện. Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0 đã hình thành, với các gói giải pháp may đo cho từng yêu cầu của người sử dụng, đang được thị trường đón nhận tích cực.
Qua quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Ban Chuyển đổi số Rạng Đông đã xây dựng được lý luận về Chuyển đổi số phù hợp với ngữ cảnh, năng lực và hoàn cảnh thực tế của mình, xây dựng được lý luận về tháp phát triển Hệ sinh thái Sản phẩm/Dịch vụ - 4.0, tiến hành từng bước với lộ trình 3 vòng lặp Chuyển đổi số: Vòng 1 (2020-2021): Khởi động và số hóa; Vòng 2 (2022-2023): Đồng bộ hóa từng phần; Vòng lặp 3 (2024-2025): Đồng bộ hóa từng phần mở rộng và đồng bộ hóa toàn phần.
Nhờ kiên trì con đường phát triển bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế, nhờ điều hành hiệu quả mô hình một trục (nhân tố con người) hai cánh (khoa học kỹ thuật và khoa học quản trị), nhờ phát huy hiệu quả mô hình sáng tạo mở, kết hợp đúng đắn sáng tạo tinh hoa với sáng tạo đại chúng và đặc biệt truyền được cảm hứng, niềm tin và đồng lòng hưởng ứng của toàn thể CBCNV, chiến lược chuyển đổi số Rạng Đông giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 đã đạt kết quả tốt đẹp bước đầu.
Trong 4 năm 2020-2023, từ đại dịch Covid-19 đến nay, kinh tế thế giới và Việt Nam suy giảm, song nhờ chuyển đổi số thành công, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Rạng Đông vẫn giữ ở mức cao: Năm 2020 tăng 15,6%; 2021 tăng 15,9%; 2022 tăng 21%; 2023 tăng 20,4% so với năm trước. Đặc biệt quý I/2024, doanh thu đạt 2.831,3 tỷ, đạt mức tăng trưởng 32,6% so quý I/2023. Kết quả này nối dài truyền thống 35 năm liền (từ 1990 đến nay) các chỉ số doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận thực hiện, thu nhập CBCNV và cổ tức tăng liên tục, đều đặn, ổn định, bền vững năm sau cao hơn năm trước, hiếm có Công ty nào giữ được.
Để chuẩn bị thực hiện xưởng sản xuất thông minh giai đoạn sau và chủ trương Make in Vietnam, Rạng Đông đầu tư nâng cao năng lực tự động hóa, tự chế tạo các dây chuyền lắp ráp sản phẩm theo thiết kế của Việt Nam, sản xuất trên các dây chuyền do Việt Nam chế tạo. Tiến hành kết nối các công đoạn sản xuất thành dây chuyền liên hoàn, vật tư đưa vào đầu dây chuyền – thành phẩm hàng hóa hoàn chỉnh ra ngay ở cuối dây chuyền. Cung cấp vật tư đến đầu dây chuyền và chuyển thành phẩm cuối dây chuyền đi bằng các AGV và Fork Lift sử dụng AI. Tiến hành tinh gọn, chuẩn hóa các dây chuyền, bước đầu thực hiện số hóa, kết nối và ứng dụng các phần mềm quản lý sản xuất.
Trong sản xuất, chương trình xây dựng Xưởng sản xuất thông minh đã thực hiện số hóa trên các dây chuyền hoạt động, thực hiện xây dựng hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu SCADA và thực hiện hệ điều hành sản xuất MES. Khối sản xuất phích nước, lò nấu thủy tinh chuyển sang nấu bằng điện và tự động hóa hoàn toàn khâu phối liệu hình thành lò thủy tinh không ống khói, không thải bụi và có điều kiện tự động hóa cao. Khâu lắp ráp ruột và phích hoàn chỉnh, trình độ tự động hóa không cao nhưng đã có nhiều bước tiến trong số hóa là nét đặc thù khi chuyển đổi số ở khâu sản xuất thủ công.
Mang theo sứ mệnh là doanh nghiệp tiên phong cung cấp hệ thống giải pháp đồng bộ dựa trên công nghệ lõi là chiếu sáng và IoT, góp phần kiến tạo ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp chính xác, thúc đẩy cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên - thông minh - hạnh phúc - thân thiện môi trường; gia tăng giá trị cho cổ đông, nhân viên và khách hàng; đồng hành cùng dân tộc xây dựng Việt Nam Phồn vinh - Thịnh vượng.
Vì vậy, Rạng Đông đặt mục tiêu, đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp số, tiên phong trong các xu hướng chuyển đổi kép của thời đại, phát triển nhanh và bền vững với tốc độ tăng trưởng từ 20-25%/năm. Và đến năm 2030, đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực, doanh thu vượt ngưỡng tỷ đô la. Thu nhập bình quân đạt 2.000 USD/người/tháng.
Với những nỗ lực đó, Rạng Đông đã gặt hái rất nhiều giải thưởng. Gần đây nhất là Giải thưởng Sao Khuê 2024. Đặc biệt ngày 13/4/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia đã trực tiếp kiểm tra, khen thưởng thành tích xuất sắc Chuyển đổi số Rạng Đông 2020-2023 và chỉ đạo các Vụ - Cục thuộc Bộ giúp Rạng Đông giải quyết các vấn đề khó khăn trong Chuyển đổi số.
60 năm trên hành trình theo chân Bác, làm theo lời Bác, người Rạng Đông tự hào vì hơn 2.000 con người, trong mọi hoàn cảnh đã luôn đoàn kết, vượt mọi khó khăn để vươn lên mạnh mẽ, hiện thực hóa khát vọng về một doanh nghiệp Make in Vietnam sẽ “sánh vai với các cường quốc năm châu” trong một tương lai không xa.