Những tác động tích cực từ việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã được minh chứng rõ nét trong thời gian qua.
Doanh nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan để tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời thông qua dòng vốn đầu tư và nhập khẩu theo các FTA để tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, nắm bắt các cơ hội hợp tác mới.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các chính sách tài khóa và triển khai nhiều ưu đãi, giúp đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các ngân hàng cũng như từ các tổ chức tín dụng khác, dẫn đến chưa phát huy được hết năng lực để tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại.
Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính gửi đến Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2022 cho thấy, khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn. Báo cáo nhận định, việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn nhất, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Đối với một số thị trường khó tính, do những cải tiến về quy mô, cam kết về bảo vệ môi trường và chất lượng sản phẩm, khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới. Tuy nhiên do thiếu vốn, doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng yêu cầu này, dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình thực thi Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA cũng chỉ ra, một trong những hạn chế khi triển khai các FTA là nhiều doanh nghiệp Việt Nam có chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng tạo ra các sản phẩm tốt, chất lượng, có mong muốn xây dựng thương hiệu Việt nhưng thiếu nguồn vốn thực hiện. Các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh việc tận dụng lợi thế từ các FTA, tìm kiếm thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, thì các biện pháp và giải pháp tài trợ, cấp vốn cho xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu là một trợ lực, yếu tố quan trọng hàng đầu. Điều này sẽ góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu và khả năng tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ tại Tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/11/2023, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: Không phủ nhận các FTA tạo ra một sân chơi giúp tăng thêm sức mạnh, lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên để thúc đẩy được nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vào sân chơi đấy nhiều hơn thì chúng ta phải có sức khỏe nhiều hơn.
“Có sức khỏe nhiều hơn, một trong những yếu tố quan trọng chính là nguồn vốn tín dụng sẽ gia tăng thêm đầu tư, năng lực cho doanh nghiệp”, ông Nam khẳng định và cho biết gói tín dụng 15.000 tỷ đồng dành hỗ trợ cho ngành hàng thủy sản và lâm sản được triển khai mới đây là trợ lực quan trọng, kịp thời giúp tình hình ngành thủy sản khởi sắc hơn từ tháng 8/2023 đến nay.
Kể cả trong điều kiện kinh doanh tốt hay khi có những bất ổn của thị trường thì câu chuyện tín dụng vẫn luôn là vị trí quan trọng nhất, bởi vì nó là “dòng máu” bơm vào để duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP)
Từ góc độ các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khẳng định xuất, nhập khẩu là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên ngành ngân hàng dành nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ và với nguồn vốn dồi dào, đối tượng ưu tiên và lãi suất thấp nên cơ hội tiếp cận của các doanh nghiệp với các ngân hàng rất lớn.
Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh: Mặc dù rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhưng hoạt động cho vay của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phải tuân thủ theo các quy định, điều kiện để đảm bảo an toàn hệ thống. Do vậy, dù là một trong những đối tượng ưu tiên nhưng việc tiếp cận đối với những doanh nghiệp không có khả năng tài chính, khả năng quản trị dòng tiền, quản trị sản xuất kinh doanh không đáp ứng đủ điều kiện thì ngân hàng cũng không thể cho vay.
Để tháo gỡ “nút thắt” hiện nay về việc dòng vốn tín dụng có thanh khoản dồi dào nhưng không tiếp cận và cho vay được tới các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, các chuyên gia cho rằng: Bước sang giai đoạn mới, để bắt kịp xu hướng chuyển dịch sang sản xuất, tiêu dùng xanh trên toàn thế giới và gia tăng khả năng tiếp nhận những đơn hàng mới, các doanh nghiệp cần chủ động định vị lại chiến lược kinh doanh, xác định sản phẩm thế mạnh của mình khai thác các thị trường đã có FTA, trong đó cần tập trung phát triển những sản phẩm xanh, sạch, bền vững.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần xác định lại nguồn lực của mình và phân loại nhu cầu vốn cho các mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp, từ đó tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng phù hợp từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước cũng như quốc tế.
Doanh nghiệp cần rà soát xem phải điều chỉnh những điểm gì trong quản trị tài chính, quản trị dòng tiền, quản trị về vấn đề sản xuất, về lao động, về con người…, đáp ứng những điều kiện để được các ngân hàng, tổ chức tín dụng và tổ chức quốc tế cho vay.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương
Về phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng, cần xem xét dành nguồn vốn riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác hiệu quả FTA, đồng thời xây dựng nguồn tín dụng phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm kịp thời đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, qua đó tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA.
Muốn đầu tư vào lĩnh vực xuất nhập khẩu tận dụng những hiệp định thương mại đã có hiệu lực và thị trường rất lớn, doanh nghiệp phải định vị và xác định được nguồn lực của mình. Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư trang thiết bị công nghệ đảm bảo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Rất nhiều tổ chức quốc tế sẵn sàng xem xét đầu tư đối với những lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan với các ngân hàng thương mại cần hiệu quả hơn nữa nhằm tạo nguồn tài chính phù hợp cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA trong khi vẫn đảm bảo các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Trên cơ sở kết quả thực thi các FTA thế hệ mới thời gian qua, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng những biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận những nguồn vốn tín dụng để tận dụng các FTA tốt hơn, trong đó sẽ đặc biệt lưu ý hơn đến với những doanh nghiệp mà họ muốn nâng cao năng lực để phát triển bền vững, trong đó có chuyển đổi xanh và phát triển những sản phẩm có trách nhiệm hơn với xã hội. Kiến nghị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và mới đây Bộ Công Thương đã làm việc ở cấp kỹ thuật với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.
“Chúng tôi rất mong muốn trong việc xây dựng biện pháp tiếp cận tín dụng tốt hơn, ngoài việc xác định thay đổi những cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, chúng ta có thể tìm kiếm những giải pháp phù hợp với cam kết quốc tế để có thể đồng hành mạnh mẽ hơn cùng các doanh nghiệp xuất khẩu trong chiến lược tận dụng FTA”, bà Nguyễn Thị Lan Phương nhấn mạnh.
Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và Thiết kế: Maika