Theo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp quốc gia năm 2020, tỉnh Thanh Hóa có sản phẩm "Mắm tôm Lê Gia" của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Công ty Lê Gia) xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.
Nhìn lại hành trình của Lê Gia những năm gần đây với 2 sản phẩm gồm: nước mắm và mắm tép đạt hạng 4 sao của Chương trình OCOP, tiếp theo ngay sau đó là sản phẩm mắm tôm đạt hạng 5 sao - cấp quốc gia cho thấy, theo các năm, sản phẩm của Lê Gia đã thăng hạng dần dần trên “đấu trường OCOP” quả là đúng với mục tiêu chất lượng mà Lê Gia theo đuổi kể từ khi ra đời cho đến nay.
Bây giờ Lê Gia đã trở thành một doanh nghiệp tư nhân có thương hiệu, uy tín nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng biết đến, thậm chí, tên tuổi của Lê Gia đã đi ra ngoài khuôn khổ dải đất hình chữ S. Nhưng trước đó, những năm đầu khởi nghiệp của cha đẻ Lê Gia – chàng trai Lê Anh với việc bỏ lại mọi thứ để về quê làm mắm ít nhiều đã khiến mọi người tưởng anh... không bình thường. Ngay cả anh cũng không ngờ có lúc mình trở thành tấm gương cho rất nhiều người trẻ học tập!
Quê của Lê Anh là Thanh Hóa, nghề truyền thống của gia đình anh là nước mắm. Và anh quyết định: Phải làm nước mắm truyền thống!
Lê Anh cũng giống nhiều người khởi sự doanh nghiệp khác, đó là khi đã có một thời gian bôn ba học hỏi kinh nghiệm thì mới thấy rõ rằng “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, bởi vì ngay tại quê hương mình cũng có rất nhiều thứ đang trông đợi mình. Đúng rồi- phải làm cái gì đó cho chính mình, ngay trên quê hương của mình!Vạn sự khởi đầu nan. Nhưng trong con người chàng trai xứ Thanh đó có chất gàn, chất bướng đến mức kỳ lạ. Khó khăn chỉ khiến anh thêm quyết tâm!
Bởi quan trọng là anh đã xác định mục tiêu của mình: Sản xuất nước mắm và các sản phẩm từ nước mắm theo phương pháp truyền thống, nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên.
Mục tiêu đã có, Lê Anh miệt mài nghiên cứu, tìm tòi những “bí quyết” riêng, tạo ra sản phẩm đặc trưng, mang lại những giá trị 100% tự nhiên - truyền thống - vị thanh - mùi dịu, không can thiệp, không hóa chất, nguyên bản như nước mắm truyền thống vốn có từ xa xưa của cha ông.
Cùng các sản phẩm mắm quê hương, Lê Anh đã nếm trải đủ cung bậc vui - buồn, thành - bại. Tâm sức của anh đã được đền bù khi mà sau ngần ấy năm, Lê Anh đã có một cơ ngơi bề thế với hệ thống nhà xưởng sản xuất, nhà kho khép kín, có năng lực sản xuất và phân phối năm 2019 đạt 500.000 lít nước mắm và 20.000 tấn mắm tôm, mắm tép/năm.
Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã có hệ thống phân phối tại 30 tỉnh, thành trong cả nước như hệ thống Siêu thị Vinmart; Big C, Mega Market, Aeon, các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trong đó, sản phẩm nước mắm cho bé được đánh giá là sản phẩm bán tốt nhất tại các hệ thống dành riêng cho mẹ và bé uy tín như: Concung, Bibomart, Kidplaza, Shop tretho… Ngoài ra, sản phẩm còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Nam Phi. Nước mắm Lê Gia còn là một trong số ít các sản phẩm nước mắm truyền thống được chọn bầy bán trên kệ của hệ thống Vinmart+ toàn miền Bắc với hàng nghìn điểm bán trong cả nước.
Lê Anh cho rằng, OCOP là chứng nhận không chỉ nêu lên chất lượng sản phẩm mà quan trọng hơn còn ở việc đề cao, thể hiện tiêu chí cộng đồng - địa phương - tác động xã hội mang tính nhân văn trong quá trình phát triển. Thêm nữa, giá trị cốt lõi của sản phẩm OCOP nằm ở chất lượng đích thực chứ không phải danh hiệu sản phẩm được vinh danh.
Thật vậy, với Lê Gia, điều quyết định của một mẻ mắm tôm chất lượng chính là ở khâu chọn nguyên liệu. Để làm ra mắm tôm, có 2 nguyên liệu đặc biệt không cho phép hạ thấp tiêu chuẩn.
Đầu tiên là moi. Moi phải là moi chính vụ, được đánh bắt vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, là những mẻ moi tươi nhất, dày thịt, vỏ mỏng, sau khi được ngư dân vớt lên từ biển sẽ được nhặt sạch tạp chất, để ráo nước rồi tiến hành ủ muối ngay khi lên bờ.
Tiếp theo là muối. Muối mà Lê Gia dùng ủ mắm lấy từ vùng muối Bà Rịa và Ninh Thuận, nơi làm ra những hạt muối trắng tinh, có độ mặn thuần khiết và lưu kho trong 2 năm cho chảy hết thành phần gây ra mùi vị bất lợi (đắng, chát...). Moi sẽ được trộn với muối theo tỉ lệ vàng 4/1, đem xay nhuyễn và phơi nắng cho bốc hết hơi nước trong 5-7 ngày.
Nữa là thùng ủ. Lê Gia sẽ ủ hỗn hợp này trong thùng gỗ bời lời. Ủ mắm tôm trong thùng gỗ bời lời cũng là điểm độc đáo của mắm Lê Gia bởi gỗ bời lời có đặc tính chịu mặn rất cao, là môi trường tuyệt vời cho enzyme phát triển tự nhiên.
Và cuối cùng, tất cả những thứ này được đặt trong nhà tôn kín, không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn giúp cho quá trình lên men sản phẩm được diễn ra tự nhiên và ổn định dưới nhiệt độ không chênh lệch giữa ngày và đêm. Toàn bộ quy trình được kiểm soát theo hệ thống khép kín, đạt chuẩn HACCP (TCVN 5603:2008) và kiểm định lô sản phẩm định kỳ trước khi tiến hành đóng chai. Sản phẩm mắm tôm Lê Gia được đóng trong hũ thủy tinh, chai nhựa PET, hũ thủy tinh, can 5kg, 23kg phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng.
Điều quý nhất mà Công ty Lê Gia làm được cho cộng đồng, cũng chính là ý nghĩa lớn nhất mà chương trình OCOP hướng tới, đó là tạo một “hệ sinh thái Lê Gia”: Tạo công ăn việc làm chính thức cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 8-15 triệu đồng/tháng, cùng hơn 10 lao động thời vụ với thu nhập thấp hơn nhưng công việc đều đặn. Chưa hết, mỗi năm xưởng sản xuất của Công ty tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa còn tiêu thụ cho bà con ngư dân khoảng 200 tấn cá biển, moi biển và hơn 100 tấn muối… Nếu Lê Gia phát triển hơn nữa, sẽ có biết bao nhiêu con người có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, biết bao nhiêu gia đình thoát được cảnh nghèo khó, bấp bênh?
Nên người Hoằng Hóa tự hào về Lê Anh, về Công ty Lê Gia vô cùng!
Còn doanh nhân Lê Anh thì lại trân trọng OCOP. Chỉ có những người đã thực sự trải qua gian truân vất vả mới có được cảm giác này: “Nhờ tham gia chương trình OCOP, các hoạt động xúc tiến, thương giao của chúng tôi được thuận lợi hơn. Các đối tác, nhất là các siêu thị, cũng đã tạo điều kiện hơn trong việc tiếp nhận và xem xét mở mã hàng, vốn là điều tương đối khó với những doanh nghiệp SME, truyền thống. Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các ban ngành, con đường xúc tiến, phát triển sản phẩm OCOP được thuận lợi hơn trông thấy”.
Với nhận thức rất có tầm về OCOP, Lê Anh đã đưa các sản phẩm của Lê Gia đi xa hơn nữa trên bản đồ thương hiệu bằng cách: tổ chức kết hợp dẫn khách du lịch từ khu du lịch biển Hải Tiến đến tham quan và trải nghiệm tại nhà thùng mắm Lê Gia.
Khách đến tham quan nhà thùng sẽ được trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu quy trình làm ra những “giọt mật” của biển - nước mắm màu hổ phách, sóng sánh, đậm đà “nhỉ” ra từ thùng gỗ khổng lồ. Được thưởng thức những đặc sản cùng những sản phẩm mắm truyền thống trứ danh: Mắm tép, mắm tôm, mắm nêm, mắm kho quẹt, mắm ruốc…
Tất cả những trải nghiệm thực tế đó khiến cho khách tham quan khắp năm châu bốn biển không thể nào quên được vị mặn mòi của mắm Lê Gia - thứ gia vị đã đi vượt khỏi quê hương mà đi tới mọi nơi trên thế giới. Bởi nó luôn ở đây, rất gần, trong chính mỗi con người yêu ẩm thực Việt Nam.
Bài: Thủy
Ảnh: Su Ta
Thiết kế: Hồ Yến