Nâng cao hiệu quả tiếp cận chính sách thực thi các FTA thông qua Cổng FTAP
10/12/2023 lúc 10:10 (GMT)

Nâng cao hiệu quả tiếp cận chính sách thực thi các FTA thông qua Cổng FTAP

 

Song song với quá trình đàm phán, kí kết các FTA, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng liên tục có sự rà soát, ban hành nhiều chính sách sửa đổi, điều chỉnh phù hợp với những cam kết trong các FTA, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng bị tác động thực thi, triển khai. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động truyền thông, cập nhật nhóm chính sách này còn hạn chế.

thực thi các FTA

 

Nhằm triển khai việc nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương (FTA Index), trong năm 2021 Bộ Công Thương đã tổ chức khảo sát thực tế đối với 1.650 doanh nghiệp từ 63 tỉnh, thành phố để có cơ sở dữ liệu nhằm đánh giá mức độ khả thi của việc xây dựng Bộ chỉ số.

Khảo sát cho thấy đánh giá việc thực hiện văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi các FTA, tỷ lệ doanh nghiệp gặp phải vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi các FTA cho doanh nghiệp là khá cao. Có đến 49% doanh nghiệp cho biết đã từng gặp phải vướng mắc. Không có sự khác biệt quá lớn về tỷ lệ doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi các FTA, dù là doanh nghiệp mới thành lập hay đã hoạt động lâu năm.

Về chất lượng giải đáp vướng mắc, theo kết quả từ dữ liệu khảo sát, 65% doanh nghiệp gặp vướng mắc đều nhận được giải đáp hiệu quả từ các cơ quan nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên vẫn có đến 35% doanh nghiệp cảm thấy các giải đáp chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp vừa và lớn đánh giá chất lượng giải đáp thắc mắc của cơ quan nhà nước địa phương là hiệu quả cao hơn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây là gợi ý hữu ích cho các cơ quan nhà nước có liên quan cân nhắc quan tâm hơn tới việc giải đáp cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời cần có cách tiếp cận, truyền tải các chủ trương, chính sách thực thi các FTA hiệu quả hơn.

Bên cạnh khảo sát của Bộ Công Thương, nghiên cứu của các cơ quan, tổ chức khác cũng cho thấy, không ít doanh nghiệp chưa cập nhập và kịp thời nắm bắt chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ, ngành về thực thi FTA, đặc biệt là những chính sách hướng dẫn thực hiện những nội dung, cam kết của các FTA liên quan sát sườn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với những thị trường này.

Đây cũng là một trong những lực cản được chính doanh nghiệp đánh giá khiến khó hiện thực hoá các cơ hội tiềm năng từ các FTA.

Theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022, bên cạnh lo ngại về các biến động và bất ổn thị trường (46,8% doanh nghiệp lựa chọn); hạn chế trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (46,4%) thì vấn đề thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng chiếm tỷ lệ khá cao (40,1%); trong khi lo ngại về bất cập trong tổ chức thực thi của FTA của các cơ quan Nhà nước chiếm 28,2%.

cổng ftap

Trên cơ sở định hướng chung như Điểm cung cấp và hướng dẫn thông tin đầy đủ nhất, toàn diện nhất về các FTA nhằm hỗ trợ hiệu quả việc thực thi các FTA của Việt Nam, Cổng thông tin về các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) đã xây dựng, vận hành mục “Cập nhật chính sách” tại địa chỉ truy cập: https://fta.gov.vn/index.php?r=site%2Fcontent-type&id=8.

Đúng với tinh thần tên gọi, mục “Cập nhật chính sách” thông tin, truyền tải một cách nhanh chóng, chính xác và đầy đủ tất cả những quy định, chính sách mới của Chính phủ, các Bộ, ngành Việt Nam và các nước liên quan tới việc thực thi các FTA mà Việt Nam tham gia.

chính sách 1
chinh sach 2
chinh sach 3
chinh sach 4

Về cơ quan ban hành, không chỉ những chính sách, quy định mới của Bộ Công Thương, tại mục “Cập nhật chính sách” doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm tới các FTA có thể tìm thấy, nghiên cứu chính sách mới của tất cả các Bộ, ngành của Việt Nam và các cơ quan nước ngoài liên quan tới việc thực thi FTAs.

Về phạm vi chính sách, các chính sách cập nhật trên mục này bao quát toàn bộ các FTA mà Việt Nam hiện đang tham gia thực thi, không chỉ là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) mà còn cập nhật chính sách thực thi các FTA đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia như: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (Việt Nam – EAEU FTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (gọi tắt là AJCEP); Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA)…

Về nội dung, Mục cập nhật đa dạng, phong phú chính sách thực thi các FTA liên quan tới nhiều lĩnh vực, vấn đề theo cam kết tại các FTA, đặc biệt là những nội dung, lĩnh vực được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như: Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu - nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA; Quyết định của Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) về phân bổ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu gạo Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Việt Nam - EAEU; hướng dẫn về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP; Thông tư của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện UKVFTA về phòng vệ thương mại; Thông tư của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa…

xuat khau 1
xuat khau 2

Đáng chú ý, không chỉ cập nhật những chính sách, quy định mới liên quan tới việc thực thi các FTA, Mục “Cập nhật chính sách” trên Cổng FTAP còn thông tin, phổ biến kịp thời những chính sách của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của doanh nghiệp như: quy định về thủ tục xuất nhập khẩu; Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa; quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư…

chinh sach

Nhằm phổ biến một cách đầy đủ và dễ hiểu, giúp doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm dễ dàng nắm bắt và vận dụng trong thực tế hoạt động, mỗi bài viết về chính sách thực thi FTAs trên mục “Cập nhật chính sách” được trình bày mạch lạc, cụ thể.

Những bài xem nhiều trên mục Cập nhật chính sách của Cổng FTAP

cap nhat chinh sach

Kết hợp ưu thế của nhiều hình thức truyền tải thông tin khác nhau, như tính chất hệ thống, liệt kê của loại hình thống kê thông tin; tính chất phản ánh điển hình của báo chí - truyền thông; tính chất phân tích, giải thích của loại hình nghiên cứu chuyên sâu;…, mỗi bài viết về chính sách mới liên quan đến thực thi các FTA đều tập trung làm nổi bật những nội dung, thông tin đáng chú ý của chính sách; những điểm tác động sát sườn tới hoạt động doanh nghiệp để từ đó doanh nghiệp có thể hiểu và vận dụng ngay vào thực tế tận dụng các FTA của mình.

Đơn cử, tại bài viết: “Chính thức ban hành Thông tư quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu theo Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA”, Cổng FTAP dành dung lượng lớn để nêu và giải thích rõ về những quy định chủ yếu của Thông tư số 15/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu theo Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Theo đó, Cổng FTAP nêu rõ nội dung nguyên tắc quan trọng để lập hồ sơ mời thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Bên mời thầu cần đưa ra các yêu cầu dựa trên nguyên tắc này và căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể. Hồ sơ mời thầu cần bao gồm đầy đủ các thông tin cần thiết để làm cơ sở cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Thông tư cũng quy định rõ về tính hợp lệ của hồ sơ mời thầu. Hồ sơ mời thầu sẽ không được coi là hợp lệ nếu bên mời thầu đăng tải hồ sơ mời thầu không đầy đủ thông tin hoặc thông tin không rõ ràng, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Để đảm bảo tính hợp lệ, bên mời thầu phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu cho phù hợp và đăng tải lại hồ sơ mời thầu.

Một nội dung đáng chú ý khác của Thông tư để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu là: Bên mời thầu không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng ký kết thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng với cơ quan mua sắm của một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể hoặc nhà thầu phải có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó như là tiêu chí để loại bỏ nhà thầu”.

Cổng FTAP cho biết, Thông tư 15/2022/TT-BKHĐT cũng quy định nguyên tắc quan trọng khác là không trái với quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, trường hợp các quy định nêu trong mẫu hồ sơ mời thầu cần phải chỉnh sửa thì phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong mẫu hồ sơ mời thầu và không trái với quy định của 3 Hiệp định nêu trên. Trong tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời thầu phải nêu rõ các nội dung chỉnh sửa so với quy định trong mẫu hồ sơ mời thầu và lý do chỉnh sửa để chủ đầu tư xem xét, quyết định.

Hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu phải lấy theo mẫu hợp đồng, các điều kiện hợp đồng quy định trong hồ sơ mời thầu và các hiệu chỉnh, bổ sung do nhà thầu đề xuất được chủ đầu tư chấp thuận trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng nhưng bảo đảm không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu, quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA và quy định khác của pháp luật có liên quan…”.

Một ví dụ khác là bài viết: “Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa”, Cổng FTAP đã lựa chọn những nội dung cốt lõi, có liên quan mật thiết tới hoạt động doanh nghiệp tại Thông tư 36/2023/TT-BTC ngày 6/6/2023 do Bộ Tài chính ban hành để đăng tải, phổ biến một cách ngắn gọn, dễ hiểu.

1. Mức thu phí: 30.000 - 60.000 đồng/bộ C/O. Cụ thể: Trường hợp cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 60.000 đồng/bộ C/O; trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 30.000 đồng/bộ C/O.

2. Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho tổ chức thu phí. Phí nộp theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

3. Tổ chức thu phí thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được trích để lại 83% số tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP và chi trả chi phí cho tổ chức được ủy quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thu phí theo quy định pháp luật; nộp 17% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Chậm nhất ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí nộp toàn bộ số phí thu được của tháng trước, tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản chuyên thu phí mở tại tổ chức tín dụng (nếu có) vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của Bộ Công Thương mở tại Kho bạc Nhà nước.

Thông tư 36/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/7/2023”…

Với cách thông tin như vậy, doanh nghiệp có thể ngay lập tức nắm bắt được cụ thể những quy định, yêu cầu mới mà mình phải thực hiện, đáp ứng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một điểm cộng của mục “Cập nhật chính sách” đó là dưới mỗi bài viết cập thông tin, phổ biến những chính sách mới thì Cổng FTAP đều gắn link dẫn tới văn bản gốc của chính sách đó để doanh nghiệp có thể truy cập, tìm hiểu văn bản gốc và tính tin cậy, mức độ xác thực của chính sách, quy định; thậm chí doanh nghiệp có thể tải văn bản gốc của chính sách đó để lưu trữ phục vụ công tác vận dụng, thực hiện của mình.

cổng FTA
          

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và  Thiết kế: Duy Kiên - Maika

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí