Những ấn phẩm chỉ dẫn thị trường hữu ích trên Cổng FTAP
10/12/2023 lúc 11:05 (GMT)

Những ấn phẩm chỉ dẫn thị trường hữu ích trên Cổng FTAP

 

Thông tin về thị trường nước ngoài, nhất là liên quan tới hoạt động xuất, nhập khẩu luôn là thông tin được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm. Thời gian qua, mặc dù các Bộ ngành, tổ chức, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động phổ biến, giới thiệu về nhóm nội dung này, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, mức độ cung cấp những thông tin thị trường nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Tại các hội thảo, tọa đàm hay các cuộc khảo sát, một bộ phận lớn doanh nghiệp tiếp tục bày tỏ mong muốn được hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường nhiều hơn, cập nhật hơn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh mới hiện nay, các thị trường nước ngoài thường xuyên có sự thay đổi về chính sách, quy định và xuất hiện những xu hướng kinh doanh, tiêu dùng mới. Thực tế này gia tăng thêm thách thức đối với công tác thông tin thị trường. Với việc tận dụng ưu thế dung lượng lưu trữ lớn, khả năng truy cập nhanh chóng của không gian mạng internet, Cổng thông tin điện tử về các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) đã tạo lập kênh cung cấp thông tin thị trường nước ngoài hiệu quả thông qua những cuốn sách, tài liệu hay tại mục “Ấn phẩm - Tài liệu” (đường link: https://fta.gov.vn/index.php?r=site/content-type&id=1).

Giao diện mục "Ấn phẩm - Tài liệu" trên Cổng thông tin điện tử FTAP

tài liệu thị trường

 

Tập trung vào những thị trường FTA của Việt Nam, đặc biệt là những thị trường FTA thế hệ mới với nhiều cam kết sâu rộng, cơ hội khai thác lớn, những ấn phẩm, tài liệu được Cổng FTAP cập nhật mang tới nhiều thông tin hữu ích, thiết thực cho doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh.

thị trường

Tại đường link: https://fta.gov.vn/index.php?r=site%2Fdetail&id=861, Cổng FTAP giới thiệu cuốn sách “Phát triển thị trường UK đối với ngành thủy sản” do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương biên soạn.

thủy sản UK

Theo Cổng FTAP, do trong thời gian đầu thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) nên nhiều doanh nghiệp có thể còn chưa nắm bắt hết các quy định, chưa có đầy đủ thông tin một cách có hệ thống về các cơ hội thị trường được mở ra nhờ UKVFTA. Ấn phẩm này được biên soạn nhằm hướng đến những thông tin về cam kết theo ngành hàng, đánh giá cụ thể cơ hội, tình hình thị trường, khả năng xúc tiến xuất khẩu, phát triển nguồn hàng phù hợp với nhu cầu, định hướng của thị trường, trước mắt trong giai đoạn đến năm 2025.

Với dung lượng 57 trang được Cổng FTAP tích hợp bài viết giới thiệu tổng quát và dẫn đường link truy cập nhanh toàn văn, ấn phẩm “Phát triển thị trường UK đối với ngành thủy sản” bố cục nội dung theo 03 phần:

(i) Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường UK;

(ii) Kịch bản khai thác thị trường giai đoạn 2022 - 2025 đối với các sản phẩm thủy sản;

(iii) Khuyến nghị với doanh nghiệp

Trong đó, tại phần I “Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường UK”, trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu các nguồn thông tin tin cậy của quốc tế, của Anh và Việt Nam, cuốn sách cung cấp một cách hệ thống về: Tổng nhu cầu nhập khẩu; cơ cấu thị trường nhập khẩu thuỷ sản của UK; xu hướng tiêu dùng thuỷ sản tại UK; khả năng cạnh tranh và triển vọng xuất khẩu hàng thuỷ sản Việt Nam sang UK.

Cùng với thông tin, sách cập nhật các bảng số liệu, hình ảnh từ các nguồn thống kê uy tín như: Tổng cục Hải quan Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); Trung tâm thương mại quốc tế (ITC); UK Fisheries Statistics; Cơ quan Seafish, UK… giúp các doanh nghiệp nắm được bức tranh chung về nhu cầu nhập khẩu, cơ cấu nguồn cung cấp; xu hướng tiêu dùng thủy sản tại UK; khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam tại UK và triển vọng xuất khẩu hàng thuỷ sản Việt Nam sang UK.

Dự báo triển vọng xuất khẩu hàng thuỷ sản Việt Nam sang UK trong ấn phẩm “Phát triển thị trường UK đối với ngành thủy sản”

thủy sản UK 2

Tại phần II “Kịch bản khai thác thị trường giai đoạn 2022 - 2025 đối với các sản phẩm thủy sản”, cuốn sách dành dung lượng lớn để phân tích, dự ước kịch bản phát triển thị trường UK của các sản phẩm thủy sản chủ lực Việt Nam sang thị trường này bao gồm: Kịch bản khai thác thị trường với mặt hàng tôm; kịch bản khai thác thị trường mặt hàng cá ngừ; kịch bản khai thác thị trường với mặt hàng cá tra; kịch bản khai thác thị trường đối với mặt hàng nhuyễn thể; kịch bản khai thác thị trường với nhóm hàng thủy sản khác.

Mỗi kịch bản đều nêu rõ: Nhu cầu nhập khẩu của UK đối với sản phẩm; các nguồn cung ứng chính (trong đó so sánh cụ thể vị trí nguồn cung từ Việt Nam so với các nguồn cung khác); thị hiếu, xu hướng tiêu thụ của thị trường UK đối với sản phẩm; các cam kết, quy định của Vương quốc Anh và tình hình tận dụng ưu đãi thuế quan của mặt hàng; đặc biệt là kịch bản khai thác thị trường giai đoạn 2022-2025 đối với mặt hàng đó.

chính sách

Tại đường link: https://fta.gov.vn/index.php?r=site%2Fdetail&id=456, Cổng FTAP giới thiệu cuốn sách “Cẩm nang về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP” do Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương biên soạn.

sách CPTPP

Theo Cổng FTAP, cùng với việc kí kết các FTA, rủi ro doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường FTA ngày càng cao. Trong bối cảnh đó, việc phổ biến, hướng dẫn để doanh nghiệp xuất khẩu có sự chuẩn bị ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là rất cần thiết.

Với dung lượng 107 trang được Cổng FTAP tích hợp bài viết giới thiệu tổng quát và dẫn đường link truy cập nhanh toàn văn, ấn phẩm “Cẩm nang về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP” bố cục nội dung theo 04 phần:

(i) Tổng quan về phòng vệ thương mại;

(ii) Hiệp định CPTPP và nội dung phòng vệ thương mại;

(iii) Thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các thành viên CPTPP;

(iv) Hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước CPTPP ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.

Nhằm giúp doanh nghiệp nắm vững kiến thức về các biện pháp phòng vệ thương mại, ấn phẩm cung cấp các nội dung cơ bản, trọng yếu về phòng vệ thương mại; từ khái niệm phòng vệ thương mại; khuôn khổ pháp lý quốc tế và của Việt Nam về phòng vệ thương mại đến cách phân biệt sự khác nhau về bản chất, điều kiện áp dụng, biện pháp áp dụng, mức độ áp dụng, thời gian áp dụng, phạm vi áp dụng giữa các biện pháp phòng vệ thương mại chính bao gồm: Tự vệ; chống bán phá giá; chống trợ cấp và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Tại Chương II, ấn phẩm dành dung lượng lớn để giới thiệu về quy định phòng vệ thương mại trong Hiệp định CPTPP và chính sách, quy định về phòng vệ thương mại của tất cả các nước thành viên CPTPP.

Đáng chú ý, cùng với thông tin chủ yếu được trình bày súc tích, dễ hiểu, ấn phẩm còn thể hiện các bảng số liệu, sơ đồ mô tả chi tiết về: Danh mục văn bản pháp luật liên quan tới phòng vệ thương mại; quy trình điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại; cơ quan thẩm quyền điều tra phòng vệ thương mại… của từng nước thành viên CPTPP.

Điều này giúp doanh nghiệp thuận tiện nghiên cứu, nắm bắt và chuẩn bị ứng phó với quy định cụ thể về phòng vệ thương mại tại từng thị trường CPTPP mà doanh nghiệp có hoạt động giao thương.

Danh mục văn bản pháp luật; quy trình tiến hành các vụ việc phòng vệ thương mại/ tự vệ của Malaysia được giới thiệu trong ấn phẩm 

malay 1
malay 2
malay 3
khuyến nghị

Không chỉ cung cấp thông tin về đặc điểm tiêu dùng hay quy định thị trường, các ấn phẩm được giới thiệu tại mục “Ấn phẩm – Tài liệu” trên Cổng FTAP còn đưa ra những khuyến nghị giải pháp, chỉ dẫn khai thác hiệu quả các thị trường FTA.

Đơn cử, với ấn phẩm “Phát triển thị trường UK đối với ngành thủy sản” nêu trên, từ việc phân tích đặc điểm xu hướng tiêu dùng thị trường và dự báo kịch bản khai thác thị trường UK của các sản phẩm thủy sản Việt Nam, cuốn sách đưa ra khuyến nghị với doanh nghiệp (phần III của ấn phẩm).

Trong đó, khuyến nghị doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các thông tin hữu ích như: Các thông báo về quy định SPS tại Việt Nam; lưu ý về các biện pháp TBT, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chứng nhận xuất xứ C/O, lưu ý trong giao dịch mua bán hàng hóa tránh vướng vào và bị thiệt hại bởi tình trạng mạo danh các công ty nhập khẩu uy tín để lừa đảo các doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt, ấn phẩm “Phát triển thị trường UK đối với ngành thủy sản” khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang UK.

          

Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, các quy định chính sách của UK, cùng các cam kết liên quan trong Hiệp định UKVFTA để có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường UK.

Ngoài việc tuân thủ các quy định và quy chuẩn bắt buộc của UK, doanh nghiệp cần phải đáp ứng các yêu cầu riêng của các nhà nhập khẩu, cùng những tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế cần thiết.

Ấn phẩm “Phát triển thị trường UK đối với ngành thủy sản”

          

 

Tương tự, ở ấn phẩm “Cẩm nang về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP”, từ thực tiễn điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các đối tác thành viên CPTPP đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam nói riêng, ấn phẩm đưa ra những khuyến nghị cụ thể, thiết thực với các doanh nghiệp giao thương với thị trường các nước này.

Theo đó, không chỉ lưu ý doanh nghiệp cần quan tâm tới những thông tin cảnh báo, ấn phẩm khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược ứng phó và hợp tác với các bên có cùng lợi ích trong các vụ việc bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại các nước CPTPP. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp về quy trình ứng phó cụ thể đối với các vụ việc này.

Cùng với việc tham khảo các cảnh báo của Cục Phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cũng có thể chủ động theo dõi một số khía cạnh để tự đưa ra cảnh báo:

Nghiên cứu về thị trường xuất khẩu cũng như theo dõi về lượng nhập khẩu hàng hóa xuất khẩu đề tự có những phân tích cảnh báo cho mình. Theo kinh nghiệm thực tiễn, việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu đột biến cũng là một tiêu chí đánh giá về khả năng nước xuất khẩu xem xét điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Do vậy, việc theo dõi tình hình nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu trọng điểm sẽ là một căn cứ cảnh báo sớm quan trọng cơ bản của doanh nghiệp.

Theo dõi xu hướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước xuất khẩu. Với những thị trường thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như Australia hay Canada, doanh nghiệp cần có những phương án chuẩn bị ngay từ giai đoạn tiếp cận thị trường để đảm bảo những thành quả sau khi tiếp cận thành công.

Theo dõi các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới áp dụng với hàng hóa mà mình xuất khẩu. Việc một số thị trường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với một loại hàng hóa cụ thể có thể dẫn đến việc các thành viên khác cũng sẽ xem xét điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đó.

Ấn phẩm “Cẩm nang về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP”

Bên cạnh những ấn phẩm nêu trên, mục “Ấn phẩm – Tài liệu” trên Cổng FTAP còn đăng tải, giới thiệu nhiều ấn phẩm, tài liệu điện tử khác như: “Báo cáo xuất khẩu ngành hàng dệt may vào thị trường EU”; sách "Thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP - chặng đường 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực"; ấn phẩm "Phát triển thị trường UK đối với ngành thủy sản"; “Cẩm nang về các biện pháp phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu và Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len”….

Đây là nguồn thông tin thiết thực, hữu ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp với các thị trường FTA.

ftap
          

Bài: Hoàng Phương
Ảnh bìa và  Thiết kế: Maika

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí