
Lưới điện trung thế hiện đại ngày nay không còn là hình ảnh của những dây trần đơn lẻ giăng ngang cột điện mà đã được thay thế bằng hệ thống dây dẫn bọc cách điện nhằm giảm nguy cơ phóng điện, nâng cao độ an toàn trong vận hành. Tuy nhiên, chính sự thay đổi này lại đặt ra thách thức không nhỏ trong việc thực hiện biện pháp kỹ thuật lắp bộ tiếp địa di động phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện trung thế. Trước yêu cầu cấp thiết từ thực tế, Điện lực Trị An (Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai) đã nghiên cứu, chế tạo thành công sáng kiến “Cải tiến bộ tiếp địa di động để phù hợp với đường dây trung thế bọc cách điện”, giúp khắc phục hiệu quả các bất cập của thiết bị truyền thống.
Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ dây dẫn trung thế được bọc cách điện trên địa bàn Điện lực Trị An tăng mạnh, từ khoảng 10% lên đến 80% (tính đến năm 2021). Theo quy định hiện hành, toàn bộ các điểm hở trên dây bọc đều phải được che kín để đảm bảo an toàn vận hành. Chính vì vậy các thao tác thực hiện biện pháp kỹ thuật lắp bộ tiếp địa di động là một bước không thể thiếu để đảm bảo an toàn khi làm việc trên lưới điện gặp nhiều khó khăn.
Các bộ tiếp địa trung thế đang sử dụng hiện nay chủ yếu là loại đầu kẹp mỏ vịt, được thiết kế để lắp vào dây dẫn trần có tiết diện từ 35mm² đến 240mm². Với thiết kế cồng kềnh, phần ngàm lớn, dài, loại mỏ vịt rất khó đưa vào các kẹp quai có hộp che cách điện vốn là điểm tiếp địa duy nhất còn khả dụng trên lưới bọc. Thậm chí trong nhiều trường hợp, thao tác gắn kẹp có thể làm bung chốt cài hộp che, gây mất an toàn và hư hỏng thiết bị.
Không những vậy, trên thiết bị đóng cắt như FCO (cầu chì tự rơi) hay LTD (dao cách ly căng trên đường dây) có chế tạo sắn các móc kim loại chuyên dùng để thao tác thiết bị cắt có tải bằng sào thì kẹp mỏ vịt không thể lắp vừa, hoặc có lắp thì tiếp xúc không chắc chắn. Do đó, không thể tận dụng các điểm hở cách điện này để lắp bộ tiếp địa di động.
Từ những bất cập nói trên, nhóm tác giả gồm các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật Điện lực Trị An đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo đầu kẹp tiếp địa cải tiến KTA-01. Đây là loại đầu kẹp nhỏ gọn, hình trụ, có thể dễ dàng thao tác trong các không gian chật hẹp như bên trong hộp che kẹp quai, hoặc gắn chắc chắn vào các móc thao tác của FCO và LTD.
Cấu tạo đầu kẹp KTA-01 bao gồm: Thân kẹp hình trụ đường kính 22mm, làm bằng hợp kim dẫn điện tốt; Ngàm kẹp nhỏ gọn, bề rộng 12mm, vừa đủ để gắn vào các thanh tròn đường kính đến 11mm; Đầu tiếp xúc di động bằng hợp kim, giúp đảm bảo tiếp xúc chắc chắn; Ty điều khiển bằng đồng, dễ thao tác bằng sào; Gờ chống gãy ngàm và bulông đấu dây tiếp địa, đảm bảo kết nối bền bỉ, an toàn.
Toàn bộ thiết kế giúp cho KTA-01 có thể: Lắp vào kẹp quai có chụp cách điện mà không làm bung hộp che; Gắn vào các móc thao tác trên FCO, LTD một cách chắc chắn và an toàn.
Sau thời gian thử nghiệm từ tháng 2/2022, bộ tiếp địa KTA-01 được đánh giá là có hiệu quả rõ rệt về kỹ thuật và an toàn lao động. So với bộ mỏ vịt cũ, thiết kế KTA-01 mang lại nhiều lợi ích như: Giúp giảm thời gian thao tác giảm nhẹ sức lao động, giảm nguy cơ mất an toàn, không làm bung chốt cài chụp kẹp quai; giúp có thêm vị trí để làm tiếp địa (điểm hở đường dây đều đã được bọc kín, chỉ có ngàm FCO, LTD còn hở). Tránh nguy cơ mất an toàn do không làm đủ tiếp địa hoặc tiếp địa không đảm bảo.
Bên cạnh đó, bộ tiếp địa cải tiến KTA-01 gồm 3 đầu kẹp mới dùng cho 3 pha và 1 đầu kẹp mỏ vịt dùng cho trung hòa, vẫn giữ nguyên dây dẫn tiêu chuẩn nên dễ dàng thay thế, đồng bộ với hệ thống hiện có.
Hiện nay, tình trạng bọc hóa dây dẫn trung thế đang phổ biến trên toàn hệ thống lưới điện miền Nam và toàn quốc. Hầu hết các đơn vị quản lý vận hành đều gặp phải tình trạng tương tự như Điện lực Trị An. Với hiệu quả rõ ràng, sáng kiến KTA-01 hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi tại các công ty điện lực khác thuộc EVNSPC, và cả trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Việc trang bị bộ tiếp địa KTA-01 không chỉ là nâng cấp công cụ lao động mà còn là giải pháp an toàn mang tính chiến lược, góp phần giảm thời gian thao tác trên lưới; Hạn chế rủi ro tai nạn do tiếp địa không đúng kỹ thuật; Tăng cường sự chủ động, linh hoạt trong xử lý sự cố và bảo trì.
Ông Đỗ Hữu Hoàng – Phó giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đánh giá: Sáng kiến “Cải tiến bộ tiếp địa di động để phù hợp với đường dây trung thế bọc cách điện là một minh chứng rõ nét cho tinh thần sáng tạo từ thực tiễn công tác”. Không sử dụng các thiết bị đắt đỏ hay ngoại nhập, nhóm công nhân và kỹ sư Điện lực Trị An đã tận dụng kinh nghiệm, hiểu biết chuyên môn để chế tạo một thiết bị phù hợp, hiệu quả, an toàn và có tính ứng dụng cao.
Đây cũng là hình mẫu cho các sáng kiến kỹ thuật ngành điện, nơi những giải pháp dù nhỏ nhưng lại tạo ra ảnh hưởng lớn đến hiệu suất và an toàn lao động. Trong thời kỳ ngành điện lực đang đẩy mạnh chuyển đổi số và hiện đại hóa lưới điện, những cải tiến kỹ thuật mang tính thực tiễn như KTA-01 là lời khẳng định: "Người thợ điện không chỉ giỏi thao tác, mà còn biết cải tiến để phục vụ tốt hơn cho cộng đồng". Chính vì vậy, cuối năm 2024, Công ty Điện lực Đồng Nai đã đặt hàng sản xuất đưa vào sử dụng trong toàn đơn vị.