Selex Motors: Công nghệ là cốt lõi để doanh nghiệp Việt vươn tầm khu vực
23/04/2025 lúc 17:06 (GMT)

Selex Motors: Công nghệ là cốt lõi để doanh nghiệp Việt vươn tầm khu vực

Selex Motors
Selex Motors
Selex Motors

Trong bối cảnh giao thông đô thị đối mặt với thách thức về ô nhiễm, chi phí vận hành và nhu cầu chuyển đổi sang các mô hình phát triển xanh, Công ty Cổ phần Phương tiện điện Thông minh Selex (Selex Motors) - một startup công nghệ thuần Việt - đã lựa chọn một hướng đi đầy tham vọng: Phát triển một hệ sinh thái xe điện thông minh “made in Vietnam”.

Ngay từ những ngày đầu, Selex Motors không chỉ đơn thuần xem việc chuyển đổi động cơ xăng sang điện là mục tiêu. Selex Motors đặt sứ mệnh tạo ra thế hệ phương tiện giao thông “thông minh - bền vững - tích hợp số hoá toàn diện”, hướng đến một tương lai không chỉ xanh mà còn hiệu quả và được vận hành bằng dữ liệu.

Với triết lý đó, công ty đã không đi theo lối mòn “chỉ sản xuất xe”, mà tập trung phát triển đồng bộ ba trụ cột chính: xe điện (Selex Camel), hạ tầng năng lượng (trạm đổi pin Selex BATTERY STATION), và nền tảng công nghệ (Selex Platform) kết nối tất cả qua Internet vạn vật (IoT).

Selex Motors phát triển công nghệ với hệ sinh thái kết nối hàng nghìn điểm đổi pin, nền tảng quản lý vận hành thông minh, và đặc biệt là mô hình sản xuất thông minh dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Kết hợp ba trụ cột này không chỉ giúp Selex Motors có được sản phẩm tối ưu, mà còn tạo ra một hệ sinh thái vận hành thông minh, nâng cao trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa chi phí.

Selex Motors

Đằng sau câu chuyện xuất khẩu xe điện Selex Camel sang Philippines – đánh dấu bước tiến đầu tiên ra thị trường quốc tế của xe điện Việt – là cả một hành trình chuyển đổi số nội tại bền bỉ và thực tế.

“Chuyển đổi số là hai phần: phần ‘chuyển đổi’ là tư duy, còn phần ‘số’ chỉ là công cụ”, TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên – Tổng Giám đốc Selex Motors chia sẻ. Với cách nhìn này, Selex Motors tiếp cận chuyển đổi số không bằng việc chạy theo những hệ thống đắt tiền, mà khởi đầu từ việc thu thập dữ liệu ở những khâu nhỏ nhất trong sản xuất, phân tích, và cải tiến liên tục.

Ví dụ, quy trình bảo trì và hậu mãi - vốn thường bị xem nhẹ ở nhiều doanh nghiệp - tại Selex Motors lại được số hóa toàn bộ. Từ ứng dụng di động Selex, người dùng có thể theo dõi lịch sử vận hành, đổi pin, trạng thái bảo hành hay lịch sử sửa chữa. Những dữ liệu này không chỉ nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn giúp đội ngũ kỹ thuật dự báo và cải tiến sản phẩm chính xác hơn. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí bảo trì, mà còn nâng cao sự hài lòng và trung thành của khách hàng.

Toàn bộ nhà máy sản xuất của Selex hiện được kết nối IoT, từng khâu được giám sát theo thời gian thực. Đây là kết quả của một quá trình từng bước lựa chọn “điểm đột phá” để số hóa, chứ không làm ồ ạt hay theo phong trào. TS. Nguyên nhấn mạnh: “Với các doanh nghiệp khởi nghiệp như chúng tôi, không thể số hóa toàn bộ ngay lập tức. Phải chọn khâu nào quan trọng, mang lại hiệu quả rõ rệt nhất để làm trước”.

Selex Motors

Selex Motors tiếp cận bài toán chuyển đổi số bằng chiến lược “tính hiệu quả tới từng đồng”. Với mỗi hệ thống số hoá được triển khai, công ty đều cân nhắc lợi ích mang lại so với chi phí bỏ ra, thậm chí tự phát triển nhiều công nghệ “may đo” thay vì mua sẵn giải pháp quốc tế.

Chẳng hạn, thay vì triển khai một hệ thống ERP toàn diện và đắt đỏ, Selex phát triển những module nhỏ, phù hợp với chu trình sản xuất đặc thù của xe điện và pin đổi. Những mô-đun này vừa linh hoạt, vừa dễ nâng cấp và đào tạo nội bộ.

Theo TS. Nguyên, “doanh nghiệp chỉ thực sự chuyển đổi số khi thấy được lợi ích rõ ràng. Từ một khâu số hóa thành công, sẽ tạo động lực văn hóa và tài chính để tiếp tục nhân rộng”.

Selex Motors

Một trong những rào cản lớn nhất với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là thiếu các giải pháp số phù hợp - vừa túi tiền, dễ triển khai và đủ linh hoạt. TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên  nhận định: “Nhiều giải pháp quốc tế rất tốt nhưng lại đắt đỏ, phức tạp và khó phù hợp với thực tế doanh nghiệp Việt”.

Cho rằng việc áp dụng máy móc công nghệ ngoại sẽ dẫn đến lãng phí nếu không tính đến đặc thù ngành nghề, quy mô và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong nước,  TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên nhấn mạnh cần khuyến khích phát triển các giải pháp số “may đo” – được thiết kế riêng theo nhu cầu thực tế từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực. Sử dụng công nghệ nội địa không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp quốc tế, từ đó tạo ra động lực để phát triển ngành công nghiệp công nghệ trong nước.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, đây còn là cơ hội để các công ty công nghệ Việt bứt phá, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và từng bước làm chủ hệ sinh thái chuyển đổi số. Trường hợp của Selex Motors – với nền tảng phần mềm IoT tự phát triển – là minh chứng cho thấy khi công nghệ phù hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể số hóa thành công.

Selex Motors

Nhân lực là yếu tố cốt lõi trong chuyển đổi số, đặc biệt với startup công nghệ như Selex Motors. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên, việc cạnh tranh nhân tài với các tập đoàn công nghệ lớn là thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động khan hiếm kỹ sư chất lượng cao.

Thay vì chạy đua “săn đầu người”, Selex lựa chọn chiến lược đào tạo nội sinh – một hướng đi dài hạn nhưng bền vững. Công ty xây dựng chương trình phát triển nhân sự kéo dài đến 18 tháng dành cho sinh viên năm cuối ngành công nghệ, kết hợp giữa thực tập, huấn luyện chuyên sâu và lộ trình làm việc rõ ràng sau khi tốt nghiệp. Mô hình “vừa học vừa làm” giúp Selex chủ động tạo ra đội ngũ kỹ sư trẻ, được trang bị năng lực thực tiễn ngay từ đầu, đồng thời có sự gắn bó cao với công ty.

Song song với đó, Selex cũng chú trọng xây dựng đội ngũ nòng cốt gồm các chuyên gia và kỹ sư giàu kinh nghiệm để “kèm cặp” lớp trẻ, tạo nên một hệ sinh thái nhân lực có tính kế thừa, giúp duy trì năng lực đổi mới và phát triển công nghệ một cách liên tục.

Công nghệ
Selex Motors

 

Bước vào giai đoạn 2024 - 2025, Selex Motors đã đẩy mạnh chiến lược hợp tác để mở rộng hệ sinh thái và thị trường của mình, thông qua các liên minh chiến lược quan trọng. Cụ thể, công ty đã ký kết hợp tác với Samsung SDI để trở thành đối tác cung cấp tế bào pin chất lượng cao, nâng cấp công nghệ pin của Selex về độ an toàn và tuổi thọ. Đồng thời, từ tháng 4/2025, DK Bike sẽ tích hợp pin Selex và áp dụng hệ thống đổi pin của Selex trên toàn quốc. Điều này giúp người dùng DK Bike có thể đổi pin trong vòng 1-2 phút, di chuyển lên đến 100 km mỗi lần đổi pin kép, trong khi chi phí vận hành giảm 20–40% so với sử dụng xăng, và giá xe giảm 10–40% nhờ mô hình thuê bao pin.

Ngoài ra, Selex Motors còn hợp tác với Sơn Hà (EVGo) triển khai xe điện chia sẻ, nhằm tăng cường khả năng tương thích công nghệ giữa các hãng. Đặc biệt, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Schneider Electric là các nhà đầu tư chiến lược, đồng hành cùng Selex trong việc phát triển công nghệ pin bền vững và mở rộng thị trường tại khu vực Đông Nam Á.

Một trong những dấu ấn quan trọng trong chiến lược mở rộng này là sự ra mắt mẫu xe Selex Camel 2 tích hợp thùng lạnh vào cuối năm 2024. Sản phẩm này mở ra thị trường ngách tiềm năng trong việc giao hàng thực phẩm tươi sống và dược phẩm – những ngành yêu cầu kiểm soát nhiệt độ và thời gian vận chuyển nghiêm ngặt.

Không chỉ dừng lại ở việc phục vụ người tiêu dùng cá nhân, Selex Motors còn mở rộng tầm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, thương mại điện tử và giao hàng nhanh. Với hệ sinh thái mở và nền tảng phần mềm tự phát triển, Selex cung cấp các giải pháp quản trị đội xe, tối ưu hóa hành trình, giám sát năng lượng và chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, Selex không chỉ đơn thuần là nhà sản xuất xe điện, mà còn trở thành nhà cung cấp nền tảng công nghệ vận hành thông minh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giao thông đô thị – một lĩnh vực đầy tiềm năng và thách thức tại Việt Nam.

Selex Motors

 

Việc Selex Motors xuất khẩu mẫu xe điện Selex Camel sang Philippines không chỉ là một thành công thương mại, mà còn là minh chứng cho năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.  Từ kinh nghiệm triển khai thực tế, ông Nguyên đề xuất cơ quan nhà nước và hiệp hội ngành nghề nên thiết kế các chương trình hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp. Đồng thời, cũng cần có chính sách khuyến khích các công ty công nghệ phát triển sản phẩm số trong nước. “Chỉ khi có sản phẩm phù hợp, giá thành hợp lý thì doanh nghiệp mới sẵn sàng và chủ động chuyển đổi” – ông Nguyên nhấn mạnh.

Selex Motors
 
          

Bài: Hồ Nga
Thiết kế: Đậu Đậu

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí