Những năm qua, Việt Nam tăng cường đàm phán, kí kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới với những cam kết cắt giảm thuế quan xuất nhập khẩu sâu rộng, những ưu đãi về tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư… Một trong những mục tiêu, mục đích quan trọng đó là mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư… cho cộng đồng doanh nghiệp.
Các FTA được kí kết và thực thi mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội từ một FTA, việc doanh nghiệp có hiểu biết về các cam kết FTA là rất quan trọng. Đối với một FTA lớn, phạm vi rộng và dự kiến sẽ có tác động sâu sắc tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là xuất nhập khẩu, nhận thức của doanh nghiệp về Hiệp định càng có ý nghĩa hơn.
Kết quả Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022 cho thấy EVFTA là FTA được doanh nghiệp biết tới nhiều nhất, cũng là Hiệp định có tỷ lệ các doanh nghiệp biết rõ cao nhất.
So với các khảo sát tương tự đã thực hiện năm 2016 và 2020, có thể thấy qua thời gian, mức độ quan tâm và tìm hiểu về các FTA của doanh nghiệp đã được cải thiện theo hướng tích cực.
Trong khi tỷ lệ doanh nghiệp chỉ biết sơ qua về các hiệp định giảm dần, tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ hoặc rất rõ về các cam kết FTA có liên quan đến mình tăng lên rõ rệt từ mức 12,6% năm 2016 lên mức 26,1% trong khảo sát năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực, tạo cơ sở cho doanh nghiệp có thể tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các FTA.
Trong so sánh với kết quả các Khảo sát của VCCI năm 2020, kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy trong đánh giá chủ quan của chính các doanh nghiệp, qua thời gian, hội nhập FTA đang mang lại các tác động ngày càng tích cực hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, tỷ lệ các doanh nghiệp cho rằng các FTA nói chung đã mang lại tác động tích cực (một chút hoặc đáng kể) cho hoạt động kinh doanh của mình đã tăng từ 46,8% trong Khảo sát năm 2020 lên tới 85,8% trong Khảo sát năm 2022. Cùng với đó, tỷ lệ các doanh nghiệp phải chịu các tác động tiêu cực từ các FTA cũng giảm từ 3,8% theo Khảo sát năm 2020 xuống chỉ còn 1,5% năm 2022.
Thực tế thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến về các FTA đã được các Bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai. Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương, hiệp hội tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến về các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… Nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức xoay quanh các hiệp định thương mại tự do và cập nhật diễn biến tổng quát tình hình thị trường thành viên của các hiệp định thương mại tự do… cũng được tổ chức.
Tuy nhiên, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, số lượng các hội nghị, hội thảo được tổ chức rất nhiều nhưng nhiều khi bị chồng chéo, trùng lặp nội dung, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Theo thống kê sơ bộ, riêng trong năm 2022, số lượng các hội nghị, hội thảo hoặc tập huấn về Hiệp định CTPPP, EVFTA và UKVFTA khoảng 347 sự kiện, tức là 1 ngày diễn ra 1 sự kiện. Có những trường hợp cùng một nơi diễn ra 2 - 3 hội nghị, hội thảo cùng một nội dung do các cơ quan khác nhau tổ chức.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng
Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương
Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa quan tâm đến việc tham gia các hội nghị, hội thảo về các FTA, đặc biệt còn tình trạng nhiều sự kiện tổ chức về FTA có số doanh nghiệp tham dự chỉ đạt 1/3 - 1/2 doanh nghiệp được mời.
Thông tin phổ biến, tuyên truyền về các FTA phần lớn còn mang tính chất chung chung, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có bề dày hoạt động đã nắm được thông tin nên chưa thực sự quan tâm đến các hoạt động tuyên truyền.
Một thách thức khác trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn các FTA, đó là nội dung các hiệp định, nhất là các FTA thế hệ mới thường bao trùm rất nhiều vấn đề, lĩnh vực, nhiều điều khoản cam kết mới, phức tạp và được thể hiện bằng ngôn ngữ nước ngoài. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm thực tiễn tiếp cận với các hiệp định và chưa có bộ phận chuyên trách công tác này.
Ví dụ như các quy định liên quan đến hàng rào phi thuế quan ở các nước đối tác FTA trong bối cảnh mới họ ban hành rất nhiều quy định mới. Tuy nhiên, các cơ quan Việt Nam vẫn gặp khó về việc truyền tải các quy định mới này, bởi vì chi phí để dịch các tài liệu này không đơn giản.
Bên cạnh đó, để dịch đúng được các thuật ngữ từ các văn bản theo cách mà doanh nghiệp hiểu được cũng không đơn giản. Đấy là còn chưa kể có những văn bản không phải bằng tiếng Anh thông dụng mà bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha, tiếng Arab sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian, nguồn lực.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Thực hiện vai trò đầu mối triển khai công tác thực thi các FTA, thời gian qua Bộ Công Thương đã nhận được và giải đáp nhiều câu hỏi, yêu cầu của doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ nắm bắt, vận dụng những nội dung cam kết của các FTA vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đặc biệt là những nội dung phức tạp.
Có thể thấy, nhu cầu hiểu biết để tận dụng các FTA của các doanh nghiệp rất lớn, tuy nhiên do đặc thù lĩnh vực, ngành hàng hoạt động khác nhau nên ở đôi khi những sự kiện hội thảo, hội nghị chung về FTA chưa đáp ứng đúng, trúng nhu cầu tìm hiểu của doanh nghiệp.
Từ thực tiễn triển khai các FTA cộng với ứng dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 thì việc hình thành Cổng thông tin điện tử về hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) là một trong những giải pháp hữu hiệu, một cách thức mới nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến các FTA.
Cổng FTAP (địa chỉ: https://fta.gov.vn/) được thiết kế và xây dựng với 5 tính năng, nội dung chính, được hiển thị dưới dạng song ngữ Việt - Anh.
Thứ nhất là tra cứu trực tuyến các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư theo các FTA với các đối tác để hưởng ưu đãi.
Thứ hai là thông tin về số liệu, đặc điểm thị trường có FTA với Việt Nam, các thủ tục cần thực hiện cho hoạt động xuất - nhập khẩu, cấp phép.
Thứ ba là cập nhật kế hoạch hành động, thực thi các FTA của Việt Nam từ phía các cơ quan quản lý.
Thứ tư là cập nhật văn bản pháp luật thực hiện các FTA do cơ quan quản lý ban hành.
Thứ năm là cập nhật các hoạt động phổ biến, tuyên truyền hỗ trợ doanh nghiệp.
Với các mục được thiết kế thông minh, dễ truy cập cho phép doanh nghiệp chỉ cần ngồi một chỗ có thể tra cứu tất cả những thông tin cần thiết về các FTA, đặc biệt là các cam kết liên quan đến thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư... hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và giao thương với các thị trường FTA. Nội dung cam kết của mỗi hiệp định mà Việt Nam đã tham gia đều được truyền tải một cách cụ thể, phân tách theo từng lĩnh vực, vấn đề.
Đặc biệt, nhằm tối ưu hóa tính thuận tiện, dễ hiểu và dễ vận dụng cho doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm, khai thác các FTA, những thông tin, nội dung trên Cổng FTAP được thể hiện theo xu hướng hiện đại, hiệu quả thông qua đa dạng các loại hình: bài viết, video clip, sơ đồ, hình ảnh minh họa… và đều có thể lưu trữ, truy cập nhanh.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao tính tương tác hai chiều giữa Cổng thông tin như một kênh tuyên truyền về các FTA tới người dân, doanh nghiệp, Cổng FTAP thiết kế riêng các mục: Trợ giúp, Các câu hỏi thường gặp và Liên hệ. Tại đây, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu tư vấn, giải thích các vấn đề liên quan đến các FTA và các thị trường FTA có thể tham khảo những câu hỏi - trả lời thường gặp hoặc gửi yêu cầu tư vấn tới Ban biên tập Cổng FTAP để được giải đáp, hướng dẫn….
Trong giai đoạn 2022-2025, Cổng FTAP tiếp tục tập trung phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết, tham gia là thành viên. Các đơn vị vận hành Cổng FTAP tiếp tục tập trung hoàn thiện, nâng cấp và xử lý các vấn đề tồn tại về mặt kỹ thuật, nâng cấp khả năng bảo mật, an ninh hệ thống và cập nhật thông tin, số liệu liên tục với mục tiêu các doanh nghiệp và người dân đều có thể truy cập, tìm kiếm thông tin của tất cả các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Về lộ trình thực hiện, các FTA thế hệ mới và các FTA đa phương (bao gồm các FTA giữa ASEAN và các đối tác) sẽ được triển khai trước, sau đó là các FTA song phương mà Việt Nam là thành viên.
Cổng FTAP cũng sẽ được nâng cấp, cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của Bộ, ngành khác thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp Bộ (LGSP), có tích hợp khả năng gọi và kết nối dữ liệu (API) trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, bộ dữ liệu liên quan đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được phân tích, xây dựng và đăng tải để có tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân có sự so sánh, đánh giá.
Giai đoạn sau 2025, Cổng FTAP sẽ tiếp tục được nâng cấp, cập nhật và phát triển các tính năng mới để nâng cao chất lượng trải nghiệm người dùng, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến về các FTA và hỗ trợ tận dụng các FTA hiệu quả hơn.
Bài: Hoàng Phương
Ảnh bìa và Thiết kế: Duy Kiên - Maika