Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) cho biết mục tiêu doanh thu thuần năm nay dao động 45.200-50.000 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 18-31% so với năm trước. Con số này có thể bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố như biến động tỷ giá hối đoái, tốc độ tăng chi tiêu của người tiêu dùng, tình hình kinh tế trong nước và thế giới...
Theo ban lãnh đạo Masan, đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu năm nay vẫn đến từ Masan Consumer. Riêng công ty này có thể tăng thêm 20% doanh thu nhờ chiến lược cao cấp hóa sản phẩm cho ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, đồ uống... và việc mở rộng độ phủ các kênh phân phối sản phẩm nước tăng lực. Hai công ty con còn lại là Masan Nutri-science và Masan Resources cũng dự báo tăng trưởng hai chữ số nhờ giá bán thành phẩm phục hồi và sản lượng được cải thiện.
Trong trường hợp không bị tác động lớn bởi các rủi ro về tốc độ tiêu dùng, dịch bệnh... thì Masan dự kiến lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông có thể đạt 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với năm trước. Với diễn biến lạc quan thì lợi nhuận có thể tăng đến 58%, đạt khoảng 5.500 tỷ đồng.
Tăng trưởng lợi nhuận của Masan còn đến từ việc tiết kiệm chi phí lãi vay khoảng 1.000 tỷ đồng do trong giai đoạn cuối năm 2018, công ty đã thanh toán nợ phải trả hơn 12.500 tỷ đồng. Đây là một phần trong kế hoạch đạt tín nhiệm BB- do Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch công bố trong vòng 12 tháng tới.
Năm ngoái, Masan ghi nhận doanh thu hơn 38.200 tỷ đồng doanh thu và 5.622 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong đó có gần 3.500 tỷ đồng lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty. Tổng nợ của công ty giảm mạnh so với thời điểm đầu năm, còn hơn 22.200 tỷ đồng.