Đặt mục tiêu lợi nhuận niên độ 2023/2024 tăng 167%
Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã cổ phiếu LSS - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023/2024 với nhiều thông tin đáng chú ý. Dự kiến Đại hội sẽ diễn ra vào ngày 25/10 tới đây, tại thị trấn Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Ban lãnh đạo Mía đường Lam Sơn đánh giá niên độ 2022/2023 (kết thúc vào ngày 30/06/2023) là niên độ có nhiều thuận lợi cho ngành mía đường khi giá đường trong nước cũng như thế giới tăng cao do tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tổng lượng đường tiêu thụ của Mía đường Lam Sơn đạt 73.000 tấn đường các loại và giá bán đường các loại bình quân tăng 5% - 10% so với niên độ trước.
Bên cạnh đó, công ty đã nâng công suất nhà máy đường phèn từ 30 tấn lên 50 tấn/ngày, đưa vào vận hành từ đầu tháng 9/2022. Mía đường Lam Sơn hiện có quy mô sản xuất đứng thứ 3 cả nước và chiếm khoảng 10% thị phần đường nội địa.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Mía đường Lam Sơn lại gặp nhiều khó khăn riêng, đặc biệt vùng nguyên liệu sụt giảm, giá đường thế giới tăng, cùng với tỷ giá cao cũng ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đường thô nhập về... Do đó, trong niên độ 2022/2023, Mía đường Lam Sơn chỉ ghi nhận doanh thu 1.807 tỷ đồng (doanh thu ngành đường chiếm 81%) và lợi nhuận trước thuế 39,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,4% và giảm 20,4% so với niên độ 2021/2022.
Bước sang niên độ 2023/2024, ban lãnh đạo Mía đường Lam Sơn dự kiến trình cổ đông xem xét, thông qua mục tiêu doanh thu 2.202 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 106 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,8% và tăng 167% so với niên độ trước.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, ban lãnh đạo Mía đường Lam Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục các khó khăn. Cụ thể, đối với nguồn mía nguyên liệu, công ty sẽ nỗ lực duy trì diện tích vùng nguyên liệu ở mức trên 9.000 ha, đẩy mạnh công tác chăm sóc mía trong vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo cung cấp cho nhà máy 500.000 tấn mía.
Đối với nguồn đường nguyên liệu, công ty sẽ bám sát thị trường và có phương án cụ thể để đạt được mục tiêu nhập trên 40.000 tấn đường thô đưa vào chế luyện, tích cực kinh doanh thương mại. Ban lãnh đạo Mía đường Lam Sơn đánh giá, đây là yếu tố then chốt để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh niên độ 2023/2024.
Bên cạnh đó, Mía đường Lam Sơn cho biết sẽ xây dựng lại hệ thống phân phối sản phẩm đường, tập trung vào nhóm khách hàng công nghiệp và khách hàng bán lẻ tiêu dùng trực tiếp, và đẩy mạnh công tác xuất khẩu đối với sản phẩm đường AFF, đường phèn... Đối với các sản phẩm đồ uống (thương hiệu Lavina), công ty sẽ tiếp tục triển khai phương án giao khoán đến nhà phân phối để tiết kiệm chi phí.
Lùi thời gian thực hiện đợt chào bán 30 triệu cổ phiếu LSS
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ 2021/2022, cổ đông Mía đường Lam Sơn đã thông qua phương án phát hành 30 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian phát hành trong năm 2022; qua đó, dự kiến huy động 300 tỷ đồng.
Hội đồng Quản trị Mía đường Lam Sơn cho biết, ngay sau khi được đại hội phê duyệt phương án phát hành, công ty đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương để triển khai các bước công việc phát hành cổ phiếu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam biến động trong năm 2022, chỉ số VN-Index đã có thời gian giảm xuống thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Giá cổ phiếu LSS của công ty cũng bị ảnh hưởng, trong những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 (từ tháng 07/2022 đến tháng 4/2023) ở mức thấp. Do đó, HĐQT Mía đường Lam Sơn đánh giá tính khả thi và khả năng thành công của đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là không cao.
Vì vậy, HĐQT Mía đường Lam Sơn sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp và có phương án trình Đại hội đồng cổ đông, đảm bảo đợt chào bán tăng vốn điều lệ hiệu quả và thành công.
Về việc chia cổ tức, HĐQT Mía đường Lam Sơn dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua mức cổ tức niên độ 2023/2024 với tỷ lệ từ 10% - 15%.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 4/10, cổ phiếu LSS đạt 12.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 88% so với thời điểm đầu năm nay.