Toàn cầu hóa với các mặt tích cực như mở rộng giao lưu hợp tác, tạo thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, khơi thông các nguồn lực trong nước, thúc đẩy hoàn thiện các thể chế kinh tế; song cũng dẫn đến nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước công nghiệp phát triển, nếu không có các chính sách và phương thức quản lý vĩ mô hiệu quả.
Xuất phát từ tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta có các chủ trương, chính sách thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, đó là là (i) Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; (ii) Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Văn kiện các Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996), lần thứ IX (năm 2001) và lần thứ X (năm 2006) đã thể hiện khá rõ về nội hàm của khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nêu bật các mục tiêu, nội dung, con đường, cũng như mô hình công nghiệp hóa nước ta. Cụ thể:
Về mô hình công nghiệp hóa như là quá trình cải biến các yếu tố vật chất - kỹ thuật, gồm các nội dung:
- Thực hiện công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa.
- Kết hợp phát triển các ngành có lợi thế và một số ngành công nghiệp nặng, một số ngành công nghệ cao có chọn lọc.
- Tri thức là một trong những động lực cải biến các yếu tố vật chất - kỹ thuật.
Về mô hình công nghiệp hóa như là quá trình cải biến cơ chế, chính sách, gồm các nội dung:
- Phát triển kinh tế nhiều thành phần.
- Phát triển kinh tế thị trường mang tính toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.
- Khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Trên cơ sở đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu thể chế hóa chủ trương của Đảng. Các Bộ quản lý ngành Công Thương đã tham mưu và tổ chức xây dựng nhiều văn bản pháp quy, các chương trình, kế hoạch. Có thể kể đến: tham mưu, xây dựng Luật Thương mại năm 1997 (sửa đổi năm 2005), Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2001, Luật Dầu khí sửa đổi (các năm 2000, 2008), Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam năm 2002, Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004, Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004, Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Điện lực năm 2004, Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, Luật Hóa chất năm 2007, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010…; các quyết định liên quan đến quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển các ngành: Năng lượng, Công nghiệp, Công nghiệp mũi nhọn, Công nghiệp hỗ trợ, Cơ khí, Điện lực, khai thác Than, Hóa chất, Dệt may, Da - giày, Ô tô, Công nghiệp Giấy, Thuốc lá, Khuyến công, phát triển Cụm công nghiệp, Vật liệu nổ công nghiệp,…
Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã mang lại sức sống cho các ngành công nghiệp nước ta. Trong suốt 15 năm (1996 - 2010), trải qua những cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997 - 1998, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009… nhưng sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh. Tính theo giá cố định năm 1994, giá trị sản xuất công nghiệp năm 1995 đạt 103,4 nghìn tỷ đồng, năm 2000 đạt 198,3 nghìn tỷ đồng, năm 2005 đạt 415,9 nghìn nghìn tỷ đồng, năm 2010 đạt 809,8 nghìn tỷ đồng. Trong 16 năm (1995 - 2010), giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 8 lần, cứ mỗi 5 năm tăng gấp khoảng 2 lần. Đóng góp của công nghiệp trong tổng sản phẩm trong nước ngày càng cao. Bình quân 5 năm (1996 - 2000) tăng 13,9%/năm; 5 năm (2001
- 2006) tăng 16,0%/năm; 5 năm (2006 - 2010) tăng 14,3%/năm.
Bảng trên cho thấy, giai đoạn 2000 - 2010, trong khi đóng góp của khu vực nông, lâm, thủy sản thu hẹp từ 1/4 giảm dần xuống dưới 1/5, thì công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ tiếp tục là những khu vực đóng góp chủ yếu vào tổng sản phẩm quốc dân, duy trì ở mức trên dưới 40% mỗi khu vực.