Mô hình sử dụng máy phát điện khí sinh học cho hiệu quả cao

Lào Cai là một trong 5 tỉnh cùng với Bình Định, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Tiền Giang được Ban quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp Trung ương chọn thực hiện mô hình dùng máy phát điện khí sinh học.

Tỉnh Lào Cai là một trong 5 tỉnh cùng với Bình Định, Hà Tĩnh, Sóc Trăng và Tiền Giang được Ban quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp Trung ương lựa chọn thực hiện mô hình sử dụng máy phát điện khí sinh học.

Đối với các hộ chăn nuôi tại Lào Cai mô hình này không những sử dụng triệt để nguồn khí gas cho các hộ gia đình, tránh xả thải gây ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm tối đa chi phí tiền điện cho sản xuất và sinh hoạt, giúp người dân yên tâm sản xuất.

phát điện bằng khí sinh học biogas
Gia đình ông Vũ Văn Thính, thôn Thái Vôi, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, sử dụng biogas để đun nấu và thắp sáng thay thế nhiên liệu khác. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

 

Những năm gần đây do nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao, các hộ chăn nuôi tại Lào Cai phát triển tăng đàn gia súc, một số trang trại mở rộng quy mô chăn nuôi cho nên dư thừa khí gas. Trước tình hình đó, Ban quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã đề xuất Trung ương hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi quy mô vừa, có quy mô chăn nuôi từ trên 100 con, chạy máy phát điện phục vụ chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường.

Mô hình thực hiện thí điểm thuộc các huyện: Bảo Thắng, Mường Khương, thành phố Lào Cai, Văn Bàn và Bát Xát, các hộ tham gia mô hình phải đáp ứng yêu cầu có quy mô chăn nuôi từ 100 con lợn trở lên, có bể biogas trên 20m3. Kết quả là, 21 hộ được lựa chọn có bể biogas bình quân từ 50-70m3 và được cấp máy phát điện có công suất thiết kế từ 5,5-10kw/giờ.

Qua một năm triển khai, theo đánh giá của Ban quản lý dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Lào Cai, thực tế sử dụng tại các hộ này cho thấy việc sử dụng máy phát điện chạy bằng biogas. Điều này đã góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho con người và đàn vật nuôi, giúp người chăn nuôi chủ động và tiết kiệm được 50% chi phí điện.

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Hưởng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng có trên 400 con lợn thịt và 60 nái. Với bể biogas trên 60m3, trước đây ông cho cả xóm dùng chung khí gas hoặc đốt bỏ vì không dùng hết. Hưởng lợi từ dự án nông nghiệp các bon thấp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gia đình ông đã bắt đầu sử dụng mô hình máy phát điện bằng khí sinh học biogas từ tháng đầu tháng 11/2018.

Tuy mới thử nghiệm nhưng mô hình này đã cho thấy hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. Trước đây, khu vực chăn nuôi chưa có điện nên ông Hưởng dùng máy phát điện chạy bằng xăng, dầu. Theo tính toán của ông Hưởng, mỗi ngày chạy 8 giờ, công suất bình quân 4kw/h, mỗi ngày tiết kiệm 50.000 đồng tiền điện sinh hoạt, tiết kiệm được 1,5 triệu đồng/tháng tiền điện lưới dùng cho chăn nuôi và sinh hoạt. Trại chăn nuôi cũng không còn phải sử dụng điện tiết kiệm như trước nên đàn lợn con mới sinh có thể tránh được tác động xấu của thời tiết, giúp lợn phát triển nhanh, ít bệnh.

Máy phát điện chạy bằng khí biogas tại nhà ông Hưởng phục vụ thắp sáng, sử dụng máy điều hòa, máy giặt, tủ lạnh, máy quạt, moteur bơm nước… đến thắp sáng cho trang trại gần 1 ha, sử dụng điện trong chế biến thức ăn, dội rửa chuồng…

Khi sử dụng hệ thống biogas chạy máy phát điện, ông Hưởng còn tiết kiệm được các khoản đầu tư khắc phục và xử lý môi trường, hạn chế tối đa những tác động xấu đến sức khỏe con người.

Ông cho biết: "Trước đây, tất cả chất thải đều chứa trong hố ngay cạnh trại nuôi, người lao động phải hứng chịu mùi hôi thối, khó chịu, nay với 2 hầm biogas được che phủ kín nên mùi hôi không phát tán ra môi trường. Nước thải sau xử lý, hàng tuần, đều lấy bón cho cây trồng." Việc sử dụng khí biogas chạy máy phát điện thực sự là giải pháp hướng đến sản xuất bền vững cho người chăn nuôi.

Tương tự, trang trại tổng hợp của gia đình bà Đào Thị Vuông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai có 30 con lợn nái, hơn 300 con lợn thịt, nguồn điện từ máy chạy bằng biogas hiện sử dụng không hết, bà đang có ý định cho những hộ xung quanh dùng chung.

Bà Vuông cho biết, sau khi đưa vào sử dụng, máy này đã giúp cho gia đình giảm 50% chi phí tiền điện hằng tháng.

"Trước đây, gia đình đóng tôi tiền điện mỗi tháng khoảng 11 triệu đồng thì giờ đây chỉ còn hơn 6 triệu đồng. Sau thời gian đưa máy vào sử dụng, các đồ dùng bằng điện trong nhà cũng không thấy hư hỏng vì nguồn điện này khá ổn định," bà Vuông cho biết.

Mô hình sử dụng máy phát điện bằng khí sinh học biogas là một hợp phần của dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp được thực hiện trên cơ sở nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) của Chính phủ Việt Nam. Nhờ sự hỗ trợ từ dự án này, đến nay toàn tỉnh Lào Cai có khoảng 3.400 hộ chăn nuôi đã được ứng dụng phương thức xử lý chất thải trong chăn nuôi gia súc một cách tối ưu bằng khí sinh học biogas. Khí biogas được dùng trong sinh hoạt, làm nguyên liệu đun nấu trong gia đình rất có hiệu quả, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, giảm sức lao động…

Theo bà Phạm Thị Hoa, Phó Trưởng ban quản lý dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Lào Cai, dự án còn làm thay đổi rất lớn về nhận thức của người dân Lào Cai nói chung và người chăn nuôi nói riêng và của cả cán bộ, chính quyền địa phương về sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải chăn nuôi, vệ sinh môi trường, từ mô hình nông nghiệp mới như: nuôi cá bằng giun Nhật, giun Ấn Độ; mô hình tưới nhỏ giọt dùng nước thải sau biogas, ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sử lý chất thải… Dự án triển khai cũng rất quan tâm ưu tiên đến vấn đề giới, vai trò của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

"Đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định rằng việc thực hiện dự án đã có rất nhiều những tác động tích cực về kinh tế, môi trường và xã hội, nhất là trong việc góp phần quan trọng hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới," bà Hoa cho biết./.