“Sống bám đá đánh giặc, chết hoá đá bất tử. Lời thề tuổi xuân, hào khí nước Nam vọng vang…”, tiếng hát của nhạc sĩ Trương Quý Hải cất lên trong lồng lộng gió, trong mây mù của đất trời biên ải. Nghe bài hát, nhiều người lính Vị Xuyên năm xưa và cả những cán bộ, người lao động Dầu khí đã không cầm được nước mắt! Từ nay, ở Đài hương 468 (Thanh Thuỷ, Vị Xuyên, Hà Giang) có một lá cờ Tổ quốc- Lá cờ ấy vừa trải qua hành trình rất đặc biệt từ công trình dầu khí xa đất liền nhất trên biển Đông, đến điểm cực Nam – Đất Mũi, Cà Mau, sau đó đi dọc chiều dài đất nước và kết thúc tại vùng đất thiêng Vị Xuyên thuộc Hà Giang – tỉnh cực Bắc của Tổ quốc.
Non sông liền một dải
Từ Quốc lộ 2 rẽ vào, chiếc xe Fortuner cài số 1 ì ạch bò lên con dốc đứng, vắt ngoằn ngoèo một bên sườn núi. Ở phía cao bên trên dải mây trắng kia là Nậm Ngặt, là cao điểm 468, nay trở thành Đài hương 468 – nơi được coi như “chốn hội quân” của các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên. Ở nơi đây, đầu tháng 3/1984, bà con Nậm Ngặt bỏ bản, bỏ cả đồ lễ chuẩn bị cúng thanh minh cho ông bà, bỏ cả nương lúa đang vào mùa gặt,… để đi sơ tán tránh những cơn mưa đạn pháo từ phía bên kia biên giới. Nậm Ngặt chỉ cách biên giới chừng nửa cây số.
Từ cao điểm 468, nhìn sang phía đối diện là cao điểm 772 và "lò vôi thế kỷ" 685. Sở dĩ gọi là “lò vôi thế kỷ” bởi lẽ nơi đây hứng chịu nhiều đạn pháo đến nỗi đá nung thành vôi; tiếng pháo qua đi, cả cao điểm này trơ một màu trắng xoá, như lò vôi khổng lồ. Ở những sườn núi, ở những thung sâu phía dưới kia, hàng ngàn người lính còn nằm lại, chưa được trở về với quê mẹ, với đồng đội. Thời đó, hàng ngàn thanh niên tuổi đôi mươi đi về phía mặt trận Hà Tuyên mà không hẹn ngày về. Họ đi để giữ gìn cương vực lãnh thổ ngàn đời cha ông để lại.
Cũng thời điểm đó, ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có những người lính không mang quân hàm đang bước vào một trận chiến với biển khơi, với đáy đại dương. Dầu khí thuở ban đầu, gắn chặt với những người lính. Sau thống nhất đất nước năm 1975, nhiều người lính buông tay súng phiên chế sang Tổng cục Dầu khí bước vào một trận địa khác: tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc.
Họ biết, phía dưới những tầng đá móng, ở phía dưới hàng trăm mét nước đại dương sâu thẳm là dầu, là khí. Và nếu khai thác được, dầu khí sẽ là nguồn lực kinh tế rất lớn phát triển đất nước. Thời điểm đầu thập niên 80, họ đã dựng lên những giàn khoan dầu khí, đồng thời là những cột mốc giữa biển khơi trùng điệp sóng. Qua thời gian, những giàn khoan mọc lên ngày càng nhiều, vừa khai thác, đóng góp kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền ở biên giới trên biển phía Nam Tổ quốc.
Xuân năm nay, những người cựu chiến binh Vị Xuyên và những người làm dầu khí hẹn gặp nhau tại Đài hương 468. Những cựu chiến binh đến thắp hương đồng đội và cùng nhau cất khúc tráng ca, lời thề “sống bám đá đánh giặc, chết hoá đá bất tử”. Còn những người dầu khí trân trọng dâng lên anh linh các Anh hùng liệt sĩ lá cờ rất đặc biệt được rước về từ thềm lục địa phía Nam; lá cờ thấm muối biển, thấm gió đại dương, thấm nắng mưa, thấm cả giọt mồ hôi của những người lao động Dầu khí, trải qua hành trình xúc cảm đi dọc chiều dài đất nước và kết thúc tại vùng đất thiêng này.
Lá cờ có một không hai ấy trải qua trọn một hành trình từ cương vực lãnh thổ phía Nam của Tổ quốc đến biên giới phía Bắc, như một lời khẳng định với các Anh hùng liệt sĩ rằng, nhờ có sự hy sinh của các anh, đất nước, non sông gấm hoa này được nối liền một dải.
Thấy cờ là thấy bóng hình Tổ quốc
Mặt trời sáng chói trên giàn khoan Hải Thạch lúc 6h30 sáng, chiếu những tia nắng sớm như dát vàng lên mặt biển. Ở phía sân đỗ trực thăng, khoảng 50 kỹ sư trên giàn tập trung để chào cờ. “Nghiêm. Chào cờ. Chào…”, tiếng giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh vang lên. Lá cờ đỏ sao vàng được giương cao trong tiếng hát Quốc ca, giữa lộng gió biển khơi.
Nghi thức chào cờ trên giàn Hải Thạch được Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) thực hiện từ tháng 7/2018. Lễ chào cờ này được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là lễ chào cờ xa đất liền nhất Việt Nam. Kể về lễ chào cờ đặc biệt này, giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh chia sẻ, nghi thức chào cờ Tổ quốc đầu tuần được tổ chức nhằm giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và biết ơn đối với thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; nhắc nhở toàn thể cán bộ, người lao động nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Nguyễn Thanh Tĩnh là giàn trưởng của cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh. Anh nhận chức giàn trưởng khi mới 33 tuổi, giàn trưởng trẻ nhất của Việt Nam khi ấy. Tĩnh là điển hình của những người lao động dầu khí, ăn nói nhỏ nhẹ, khúc chiết, có nét gì đó giống một người thầy giáo hơn là giàn trưởng quanh năm ở nơi biển sâu, sóng cả. Tĩnh gây ấn tượng đặc biệt đến nhạc sỹ Trương Quý Hải. Ở Đài hương 468, một bài hát khác được nhạc sĩ Trương Quý Hải hát lên. Đó là bài hát “Biển Đông tung bay quốc kỳ”, tác phẩm mới sáng tác ngay trong hành trình này của nhạc sỹ. Trong đó có đoạn “… đặt tay lên trái tim, cùng hướng lên quốc kỳ, để giàn khoan hùng thiêng nước non Việt Nam…”. Nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ, cảm hứng để sáng tác bài hát này là hình ảnh giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh hô anh em trên giàn nhìn lên quốc kỳ và tay đặt lên trái tim. “Thời điểm đó, thấy bóng hình Tổ quốc hiện lên trong lá cờ”, nhạc sĩ Trương Quý Hải nói.
Cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh cách Vũng Tàu 320km về phía Đông Nam, là cụm mỏ dầu khí tại khu vực nước sâu, xa bờ nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đây là cụm mỏ khai thác dầu khí thuộc dự án “Biển Đông 01” - cụm công trình xây dựng trên biển lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam do người Việt thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành. Sau lễ chào cờ hôm ấy, lá cờ được xếp lại gọn gàng, bắt đầu một hành trình dọc chiều dài đất nước.
Hành trình của lá cờ được bắt đầu trên đất liền từ thành phố công nghiệp dầu khí Vũng Tàu về TP Hồ Chí Minh, đến cực Nam đất Mũi Cà Mau, dừng chân ở 13 địa điểm gồm các công trình dầu khí tiêu biểu và địa danh lịch sử, kết thúc ở vùng đất thiêng Vị Xuyên thuộc tỉnh cực Bắc Hà Giang. Các địa danh tiêu biểu có thể kể đến là đất mũi Cà Mau, Tượng đài quân nhân Việt – Nga, Đài tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Hải Vân quan, Kỳ đài Huế, cầu Hiền Lương, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và Vị Xuyên (Hà Giang).
Sau lễ chào cờ ở Đài hương 468, trước khi trang trọng đặt lá cờ đem về từ giàn Hải Thạch vào ngôi đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, kỹ sư cơ khí Trần Hữu Đăng hai tay nâng lá cờ Tổ quốc, lưu luyến hôn lên ngôi sao vàng năm cánh. Lá cờ ấy đã gắn bó với anh và những người thợ dầu khí từ Biển Đông về đến biên giới phía Bắc. Kỹ sư Đăng chia sẻ: “Với những người ở ngoài biển hàng tháng trời như chúng tôi, nhìn thấy cờ là thấy bóng hình Tổ quốc, thấy đất liền nơi có cha mẹ, có vợ con ở đó. Mỗi lần nhắc đến lá cờ trên giàn và hành trình đặc biệt này, tôi đều thấy niềm tự hào dân tộc dâng lên. Bây giờ và có lẽ mãi sau này vẫn thế”!
“Mùa xuân từ những giếng dầu”
Người Dầu khí gọi hành trình dài 3.313km, đi đường bộ trong 13 ngày, rước Quốc kỳ dọc chiều dài đất nước là “Hành trình Mùa Xuân từ những giếng dầu”. Tại các điểm dừng chân đã có các hoạt động giáo dục truyền thống, tri ân các danh nhân văn hoá, Anh hùng dân tộc, báo công với Bác Hồ, tưởng nhớ các lãnh tụ tiền bối cách mạng, các Anh hùng liệt sỹ; tôn vinh thanh niên tiêu biểu, kết nạp Đảng viên mới; ôn lại truyền thống và khẳng định quyết tâm nỗ lực của người lao động dầu khí. Các hoạt động an sinh xã hội cũng đồng loạt diễn ra suốt dọc hành trình. Đại diện bà con giáo dân ở Vũng Áng- Hà Tĩnh rưng rưng xúc động: “Cảm ơn Đảng, cảm ơn Dầu khí đã san xẻ với đồng bào trong hoạt động Tết vì người nghèo”.
Có khoảng 13.000 cán bộ, đoàn viên, người lao động; thanh thiếu nhi, đồng bào, chiến sĩ các địa phương đã hân hoan chào đón và cùng tham gia hoạt động của hành trình. Con số 13 được lặp lại nhiều lần cùng với các hành động thiết thực như tình cảm của người dầu khí gửi tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong dịp mừng Đảng, mừng Xuân, Đoàn thanh niên Tập đoàn cũng đã phát động tuổi trẻ toàn Tập đoàn thi đua chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021) và hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2021).
Chợt nhớ, năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh nhiều tập đoàn dầu khí trên thế giới phá sản, thua lỗ, Petrovietnam vẫn đóng góp rất quan trọng cho ngân sách quốc gia, gần 10%, không như nhiều doanh nghiệp khác trông chờ vào sự giải cứu, Petrovietnam đã tự thân, nỗ lực vượt bậc, với sự đồng lòng, đoàn kết của 60.000 cán bộ, người lao động ngành Dầu khí để đạt “mục tiêu kép”, trong “khủng hoảng kép”!
Có lẽ vì vậy, chào 2021 “Hành trình Mùa xuân từ những giếng dầu” mang ý nghĩa là hành trình truyền cảm hứng sâu sắc về truyền thống ngành Dầu khí, niềm tự hào dân tộc của những người Dầu khí. “Mùa Xuân từ những giếng dầu” không chỉ giúp cho nhân dân hiểu hơn về những người làm dầu khí, mà quan trọng hơn là giúp cho những người dầu khí có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ và học hỏi nhân dân từ thực tế cuộc sống. Và từ đó, những người làm dầu khí cố gắng hơn để có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước, xứng đáng với những hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ, xứng đáng với Tổ quốc, với nhân dân.
Kết thúc hành trình, tiến sỹ Ngô Hữu Hải – người cầm lái BIENDONG POC, có thâm niên công tác trong ngành dầu khí, trưởng thành từ kỹ sư trên giàn khoan đã tâm sự: “Thật vinh dự và tự hào khi được tham gia “Hành trình Mùa xuân từ những giếng dầu”. Chúng ta được thừa hưởng những ngày yên bình, những ngày hạnh phúc như bây giờ thì không bao giờ được quên ơn những người Anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì đất nước. Chúng ta phải truyền đi thông điệp rằng, dưới bóng cờ, dù là ở cực Bắc, cực Nam hay là biển khơi, những người con Lạc cháu Hồng đều có chung trách nhiệm giữ gìn cương thổ đất nước, non sông gấm vóc Việt Nam”.
Thoạt nghĩ, những người làm dầu khí và những người lính như chẳng có gì giống hay liên quan đến nhau, nhưng nếu tìm hiểu kỹ hơn, họ tuy hai mà là một, gắn bó nhau như máu thịt, đều hiện diện ở những nơi xa xôi nhất, nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất, từ thềm lục địa phía Nam đến biên giới phía Bắc. Từ những nhà giàn DK1, những công trình dầu khí trên biển Đông, từ màu áo lính, đến màu áo dầu khí, khi còn sự hiện diện của những người con nước Việt, sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước vẫn mãi mãi trường tồn. Và những người lính, người dầu khí sẽ đều lặng người khi đặt tay lên ngực, hát quốc ca, mắt ngước nhìn lên cờ Tổ quốc, dù lá cờ ấy ở giữa Biển Đông, ở Đất Mũi, tại Quảng trường Ba Đình hay Vị Xuyên linh thiêng!
Một số hình ảnh ấn tượng của "Hành trình Mùa Xuân từ những giếng dầu":