Trong một động thái cho thấy sự thừa nhận đầu tiên của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách thương mại bảo hộ đang đe dọa người dân trong nước, ngày 24/7, chính phủ nước này thông báo hỗ trợ 12 tỷ USD cho những nông dân chịu ảnh hưởng của các biện pháp trả đũa từ các đối tác nước ngoài.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho biết chương trình này sẽ hỗ trợ những người nông dân vốn gánh chịu thiệt hại ước tính lên tới 11 tỷ USD do các hành động áp thuế trả đũa của các đối tác thương mại của Mỹ.
Theo ông Perdue, đây là giải pháp "ngắn hạn" nhằm trợ giúp nông dân Mỹ, đồng thời cho phép Tổng thống Trump có thêm thời gian để đàm phán về thỏa thuận thương mại dài hơi hơn nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp và các lĩnh vực khác bị tổn hại do "các hành động thương mại bất bình đẳng của các nước khác".
Theo 3 chương trình cứu trợ của Bộ Nông nghiệp Mỹ, những người nông dân hoặc sẽ được nhận các khoản tiền hỗ trợ trực tiếp, hoặc được bán lượng hàng hóa dư thừa cho chính phủ để sử dụng cho ngân hàng lương thực và các chương trình viện trợ lương thực khác. Ngoài ra, chính phủ sẽ tiến hành mở cửa các thị trường mới.
Theo ông Perdue, điều này sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất đỗ tương, lúa miến, ngô, lúa mì, thịt lớn, bơ sữa, trái cây, gạo và các loại hạt, cùng tất cả các sản phẩm chịu tác động từ các biểu thuế mà các đối tác thương mại áp đặt nhằm trả đũa các hành động thương mại của Mỹ.
Bộ trưởng Perdue nhấn mạnh chương trình hỗ trợ này là "một tuyên bố cứng rắn" rằng các nước khác sẽ không thể "ức hiếp" các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ nhằm buộc nước này phải nhượng bộ.
Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch trên, gọi đây là hình thức trợ cấp cho người nông dân. Trong khi đó, các nhóm nông dân lại kêu gọi chính phủ cần đưa ra một giải pháp lâu dài hơn.
Thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng mà khởi đầu là biện pháp áp thuế nhôm, thép nhập khẩu lần lượt là 10% và 25% mà Mỹ đưa ra nhằm điều chỉnh cán cân thương mại giữa quốc gia này và các đối tác trên thế giới, tạo ra một chuỗi liên hoàn các biện pháp đối kháng.
Đáng chú ý, Mỹ liên tiếp quyết định áp thuế nhập khẩu và đe dọa áp thuế với nhiều mặt hàng có tổng trị giá hàng chục tỷ USD nhập từ Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó cũng đã tung ra các biện pháp trả đũa nhằm vào các mặt hàng nông sản chủ lực của Mỹ như đỗ tương và thịt lợn./.