Mỹ kết luận chống bán phá giá với thép tiền chế, doanh nghiệp Việt cũng cần đề phòng

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu có kế hoạch xuất khẩu thép tiền chế đi Hoa Kỳ cần theo dõi, cập nhật thông tin thị trường xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm này.

Vừa qua, Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép tiền chế nhập khẩu từ Ca-na-đa, Trung Quốc và Mê-hi-cô. Theo đó, DOC sơ bộ cho rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc và Mê-hi-cô đã bán phá giá sản phẩm thép tiền chế tại Hoa Kỳ, biên độ phá giá tương ứng từ 0% đến 141,38% và từ 0% đến 30,58%. Trong khi đó, DOC sơ bộ kết luận các nhà xuất khẩu thép Ca-na-đa không bán phá giá.

thép tiền chế bị Mỹ áp thuế phá giá
DOC sơ bộ cho rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc và Mê-hi-cô đã bán phá giá sản phẩm thép tiền chế tại Hoa Kỳ

 

Căn cứ vào kết luận này, DOC sẽ thông báo Cơ quan hải quan và bảo vệ biên phòng Hoa Kỳ thu đặt cọc tiền mặt từ các nhà nhập khẩu thép tiền chế dựng từ Trung Quốc và Mê-hi-cô với mức tương ứng với biên độ phá giá.

Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu, có kế hoạch xuất khẩu thép tiền chế đi Hoa Kỳ cần theo dõi, cập nhật thông tin thị trường xuất, nhập khẩu sản phẩm này, thông tin và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan để đề phòng khả năng xảy ra hiện tượng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ để xuất khẩu đi Hoa Kỳ.

Trước đó, ngày 08 tháng 7 năm 2019, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm này, theo đó biên độ trợ cấp sơ bộ đối với sản phẩm của Trung Quốc là 30,30% đến 177,83% và Mê-hi-cô là 0,01% đến 74,01%. Các nhà xuất khẩu Ca-na-da nhận trợ cấp không đáng kể.

thép tiền chế
Hoa Kỳ nhập khẩu lần lượt là 722,5 triệu USD, 897,5 triệu USD, 622,4 triệu USD thép tiền chế từ Ca-na-đa, Trung Quốc, Mê-hi-cô.

 

Vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép tiền chế nhập từ ba nước trên được khởi xướng vào ngày 26 tháng 2 năm 2019. Các sản phẩm bị điều tra thuộc các mã HS: 7308.90.3000, 7308.90.6000, 7308.90.9590, 7216.91.0010, 7216.91.0090, 7216.99.0010, 7216.99.0090, 7222.40.6000, 7228.70.6000, 7301.10.0000, 7301.20.1000, 7301.20.5000, 7308.40.0000, 7308.90.9530, 9406.90.0030.

Năm 2018, Hoa Kỳ nhập khẩu lần lượt là 722,5 triệu USD, 897,5 triệu USD, 622,4 triệu USD thép tiền chế từ Ca-na-đa, Trung Quốc, Mê-hi-cô.

DOC dự kiến sẽ công bố kết luận cuối cùng vào ngày 24 tháng 01 năm 2020. Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại vào ngày 9 tháng 3 năm 2020. Nếu cả DOC và ITC đều có kết luận khẳng định, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế. Nếu một trong hai cơ quan ban hành kết luận phủ định, cuộc điều tra sẽ kết thúc mà không có lệnh áp thuế. 

Theo DOC, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, DOC đã khởi xướng 182 vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp mới – tăng 231% so với thời kỳ chính quyền Tổng thống Obama trước đó. Vấn đề thực thi chặt chẽ luật thương mại Hoa Kỳ là một ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump. Hiện nay, DOC đang duy trì 492 lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để bảo vệ các doanh nghiệp và ngành công nghiệp Hoa Kỳ trước các hành vi thương mại không công bằng.

 

Tuấn Hưng