Theo Engadget, cuộc chiến siêu máy tính exascale (có khả năng tính toán một triệu tỉ phép tính mỗi giây) trên toàn cầu bắt đầu được nhen nhóm, vì vậy không ngạc nhiên khi Chính phủ Mỹ muốn góp mặt trong "cuộc chiến" này. Siêu máy tính exascale đầu tiên của họ sẽ mang tên Aurora, và Intel đang hướng đến việc cung cấp nó cho Phòng Thí nghiệm quốc gia Argonne của Bộ Năng lượng Mỹ đặt ở khu vực Chicago vào năm 2021.
Bộ trưởng Perry cho biết, đạt được hiệu suất tính toán exascale cho siêu máy tính không chỉ giúp ích cho cộng đồng khoa học mà còn cải thiện cuộc sống của người Mỹ hằng ngày. Theo ông, Aurora và siêu máy tính exascale tiếp theo sẽ giúp áp dụng điện toán hiệu năng cao và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho các lĩnh vực như nghiên cứu ung thư, mô hình khí hậu và phương pháp điều trị sức khỏe cho các cựu chiến binh.
Không chỉ có vậy, các nhà nghiên cứu cũng hy vọng siêu máy tính Aurora sẽ hỗ trợ họ khám phá ra các vật liệu mới nhằm tạo ra các pin mặt trời hiệu quả hơn và phát triển mô phỏng vũ trụ quy mô cực lớn.
Ở thời điểm hiện tại, các đội ngũ phát triển dự án vẫn chưa sẵn sàng chia sẻ thông số kỹ thuật cụ thể của Aurora, bao gồm cả mức tiêu thụ năng lượng ước tính. Tuy nhiên, gần như chắc chắn nó sẽ sử dụng bộ vi xử lý Intel Xeon thế hệ mới, bộ nhớ Intel Optane DC, kiến trúc tính toán X và ONE API của Intel.
Quay trở lại năm 2011, Intel từng đặt mục tiêu biến siêu máy tính exascale thành hiện thực vào năm 2018, nhưng điều đó đã không xảy ra. Hãy tưởng tượng, mọi người trên Trái đất cần thực hiện một phép tính mỗi giây mỗi ngày trong hơn 4 năm thì cỗ máy exascale chỉ cần làm điều đó trong nháy mắt.
Được biết, sau nhiều năm để Trung Quốc vượt mặt trên bảng xếp hạng siêu máy tính mạnh nhất thế giới, Mỹ đã giành lại ngôi vương vào tháng 6.2018. Trung Quốc cũng tuyên bố đã tạo ra siêu máy tính exascale, và Trung tâm Siêu máy tính quốc gia nước này dự kiến sẽ xây dựng một hệ thống như vậy vào nửa cuối năm 2020 hoặc nửa đầu năm 2021.
Trong khi đó, Nhật Bản hy vọng sẽ có một siêu máy tính exascale hoạt động vào năm 2021, trong khi châu Âu lên kế hoạch xây dựng hệ thống tương tự trong khoảng thời gian 2022-2023.