Tại Hội nghị Người lao động, tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Phó Tổng Giám đốc BSR Nguyễn Văn Hội cho biết: Tính hết năm 2018, BSR sản xuất hơn 7 triệu tấn sản phẩm các loại, tổng doanh thu khoảng 113.493 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD); nộp ngân sách nhà nước 11.645 tỷ đồng. Tính từ khi nhà máy vận hành thương mại đến nay, BSR đã sản xuất 57,4 triệu tấn sản phẩm (chiếm tỷ lệ 40% nhu cầu xăng dầu cả nước); doanh thu đạt 994,67 nghìn tỷ đồng - tương đương hơn 40 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước khoảng 157,16 nghìn tỷ đồng - tương đương gần 7 tỷ USD.
Năm 2018, Nhà máy vận hành liên tục, ổn định ở công suất trung bình 105% công suất thiết kế. BSR tiếp tục hoàn thiện và áp dụng các hệ thống quản lý nhằm tăng cường hơn nữa công tác vận hành an toàn Nhà máy như: Triển khai các giải pháp năng lượng và công nghệ; rà soát danh mục công việc và lộ trình cắt giảm chi phí để tối ưu vận hành (OPEX). Công tác tối ưu hóa năng lượng tiếp tục được chú trọng và triển khai sâu rộng. Thực hiện các đề xuất cải thiện hiệu quả tiết kiệm năng lượng của Shell Global; Phân tích và lên phương án ngăn ngừa tương ứng các vấn đề tuổi thọ và hư hỏng của thiết bị; Nghiên cứu tìm giải pháp giảm chỉ số EII trong toàn nhà máy để đạt mục tiêu, triển khai và áp dụng hệ thống quản trị an toàn công nghệ PSM theo tiêu chuẩn OSHA và CCPS vào kiểm soát an toàn trong hoạt động sản xuất, góp phần đảm bảo NMLD Dung Quất vận hành an toàn, tin cậy và giảm thiểu sự cố/ tai nạn.
Về kế hoạch năm 2019, Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm: BSR tiếp tục phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2019 như công suất hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất duy trì ở 103% công suất thiết kế; làm chủ công nghệ, tối ưu năng lực hiện có, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác NCKH nhằm mang lại hiệu quả trực tiếp và thiết thực. Chủ động và quyết liệt thực hiện tái cơ cấu Doanh nghiệp theo định hướng chỉ đạo của Tập đoàn, trọng tâm là thực hiện thoái vốn của Tập đoàn tại BSR sau cổ phần hóa. Ngoài ra, Công ty thúc đẩy triển khai dự án NCMR NMLD Dung Quất theo đúng kế hoạch đề ra.
Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh: Đóng góp của các đơn vị khâu sau của Tập đoàn sẽ là tương lai của ngành Dầu khí. BSR phải phấn đấu mở rộng vị thế, thay thế dần tỷ trọng lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác. Hiện nay, lĩnh vực thăm dò, khai thác và dịch vụ dầu khí kỹ thuật cao đang chiếm khoảng 50% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn; lĩnh vực sản xuất điện, đạm và lọc hóa dầu chiếm 50% doanh thu và lợi nhuận còn lại. Trong khi khâu đầu đang đối diện với thách thức suy giảm sản lượng và giá dầu bấp bênh thì khâu sau, dư địa để phát triển còn rất lớn. Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn yêu cầu Công ty BSR đoàn kết nhất trí, vượt qua các khó khăn thời gian qua. Đặc biệt thị trường đang có xu hướng giá dầu thô giảm; Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động thương mại; BSR cần thay đổi để phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống kinh doanh cũng phải thay đổi. BSR trực tiếp đương đầu với các thách thức của kinh doanh. BSR cần có biện pháp kinh doanh sáng tạo để đảm bảo lợi nhuận cho BSR và lợi ích của Tập đoàn. Giải pháp tài chính để giảm thiểu rủi ro tỷ giá cũng được Tổng Giám đốc PVN lưu ý.
Chủ tịch HĐQT BSR Lê Xuân Huyên đã chỉ ra một số nhiệm vụ mà người tập thể người lao động BSR phải nhanh chóng thực hiện trong năm 2019, đó là: Tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược; thực hiện tái cơ cấu; chủ động tìm nguồn dầu thô; đánh giá lại chất lượng nguồn dầu thô Bạch Hổ; thực hiện phương án thu xếp vốn cho dự án nâng cấp mở rộng,…
Năm qua, Công ty BSR tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tối ưu hóa vận hành, tối đa hóa sản xuất xăng RON 95 nhằm tối đa hóa lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng. Tối ưu hóa năng lượng là hoạt động chiến lược nhằm tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty. Tính đến hết tháng 11/2018, chỉ số hiệu quả năng lượng EII tích lũy là 103,5%; đạt mục tiêu đề ra trong năm 2018; tiêu thụ năng lượng nội bộ giảm đáng kể xuống còn 7,04%. Đồng thời theo số liệu thực tế lượng dầu FO làm nhiên liệu tại nhà máy giảm 1.700 tấn/tháng (tương đương giảm 26%) so với năm 2017 đã giúp Công ty tiết kiệm được khoảng 7,0 triệu USD /năm (tính theo giá dầu thô hoặc tính theo giá FO trung bình 10 tháng đầu năm 2018). Ngoài ra, việc giảm sản lượng tiêu thụ FO nhiên liệu đã tiết giảm chi phí khoảng 21 tỷ đồng tiền thuế môi trường (900 đồng/lít FO) cho Công ty.