Vừa qua tại Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Phan Xuân Thuỷ chủ trì Hội nghị tổng kết công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2022, triển khai biện pháp đảm bảo an toàn lao động năm 2023.
Năm 2022, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ), chú trọng đầu tư cơ giới hoá, tự động hoá nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đi lại cho CNLĐ, nhất là khối sản xuất hầm lò. Đồng thời, đầu tư dành nguồn lực cho công tác AT-VSLĐ, các đơn vị thành viên đã chi phí cho công tác an toàn với tổng số tiền là 1.293,47 tỷ đồng, bằng 100,75% kế hoạch.
Hàng năm các đơn vị sản xuất trong Tập đoàn đều chủ động đo kiểm tra các yếu tố có hại trong môi trường lao động, đã chú trọng quan tâm tới các vị trí phát sinh các yếu tố nguy hại (bụi, ồn, rung, hơi khí độc,...) để kịp thời phát hiện và xử lý nhằm đảm bảo môi trường lao động thông thoáng, sạch sẽ, an toàn. Thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Tập đoàn “Nhà máy sáng, xanh, sạch - Công viên trong nhà máy”, các đơn vị đã tích cực quan tâm đầu tư cải tạo cảnh quan môi trường, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường thường xuyên.
Công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn lao động được tăng cường, đặc biệt là tại đơn vị hầm lò nhằm phát hiện sớm các nguy cơ, xử lý khắc phục, triệt tiêu các nguy cơ, các hành vi vi phạm ATLĐ. Đã đổi mới công tác kiểm tra như kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề cơ điện vận tải; chuyên đề phòng chống mưa bão, quản lý sử dụng VLNCN, quản lý vận hành thiết bị cảnh báo khí mỏ tập trung tự động,…; thực hiện kiểm tra đột xuất không báo trước; kiểm tra ca2, ca3 tại các đơn vị hầm lò do cán bộ Ban AT phối hợp với Trung tâm Cấp cứu mỏ thực hiện hằng tháng.
Trong năm 2022, mặc dù SXKD của Tập đoàn còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, điều kiện địa chất biến động, thiên tai diễn biến bất thường nhưng nhiều đơn vị sản xuất trong Tập đoàn đã thực hiện có hiệu quả công tác AT-VSLĐ, không để xảy ra TNLĐ và sự cố nghiêm trọng như Công ty Than Hòn Gai (3 năm liền không xảy ra TNLĐ nghiêm trọng), Mạo Khê (2 năm liền), Hạ Long, Hà Lầm, Khe Chàm, Đèo Nai, Cao Sơn, Hà Tu; Nhôm Lâm Đồng, Nhôm Đắk Nông, các Tổng công ty: Hóa chất mỏ, Điện lực, ... và 1 số đơn vị sản xuất Sàng tuyển, Cơ khí.
Thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Tổng Giám đốc Tập đoàn, Công đoàn TKV và Đoàn TKV, Đoàn TQN về công tác AT-VSLĐ, các đơn vị đều xây dựng Nghị quyết liên tịch, phân định rõ trách nhiệm giữa chuyên môn, Công đoàn, Đoàn TN về công tác AT-VSLĐ và cụ thể hóa triển khai ở cấp phân xưởng; công tác kiểm điểm định kỳ hằng quý và cả năm được thực hiện có nề nếp. Một số đơn vị thực hiện tốt gồm: Mông Dương, Mạo Khê, Hà Lầm, Quang Hanh, Vàng Danh, Cọc Sáu, Núi Béo, Nam Mẫu…
Tại hội nghị, Ban AT đã đánh giá, phân tích kỹ các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra 6 tháng cuối năm 2022, nguyên nhân và các biện pháp nhằm không để xảy ra TNLĐ, nhất là TNLĐ, sự cố mang tính lặp lại.
Hội nghị đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn lao động năm 2023 với mục tiêu “An toàn - Phát triển - Hiệu quả”, giảm thiểu số vụ TNLĐ và sự cố do chủ quan gây nên; giảm số vụ sự cố loại 1, TNLĐ nghiêm trọng so với năm 2022..., đảm bảo ATLĐ, an toàn môi trường để phát triển bền vững.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh, với ngành sản xuất đặc thù, lao động nặng nhọc, độc hại, tiềm ẩn các nguyên cơ gây TNLĐ và sự cố. Do vậy, Tập đoàn và các đơn vị đã luôn quan tâm đặc biệt đến công tác AT-VSLĐ, xác định là nhiệm vụ hàng đầu; cả hệ thống chính trị từ Tập đoàn đến các đơn vị, công trường, phân xưởng vào cuộc thực hiện AT-VSLĐ, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác an toàn. Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn trong công tác AT-VSLĐ khi gia tăng sản lượng, điều kiện sản xuất ngày càng xuống sâu, đi xa, địa chất phức tạp… và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trong công tác AT-VSLĐ.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phan Xuân Thuỷ chỉ đạo, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất, nhất là các vị trí, khu vực có nguy cơ cao, phát hiện, phòng ngừa sớm nguy cơ; tăng cường đánh giá, quản trị rủi ro, nguy cơ tại nơi làm việc; đẩy mạnh đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện sản xuất để nâng cao mức độ an toàn, tăng năng suất, thay thế các công nghệ, thiết bị cũ không đảm bảo an toàn.
Công tác chỉ đạo, chỉ huy các công trường, phân xưởng phải nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý, điều hành; đặc biệt chú trọng công tác quản lý kỹ thuật, biện pháp thi công, quy trình sản xuất, nhận lệnh, bàn giao ca phải đầy đủ, đúng quy định; nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát an toàn từ Tập đoàn đến các đơn vị. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch về AT-VSLĐ, đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá an toàn, thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ, đảm an toàn trong sản xuất, góp phần hoàn thành toàn diện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023.