Nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, người dân

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, Bộ Công Thương đưa ra nhiều giải pháp theo hướng nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, người dân; nỗ lực ở mức cao nhất, phấn đấu đ

Hai yếu tố bất lợi

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 2 tháng 8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2016.

Theo đó, kịch bản thứ nhất, GDP 6 tháng cuối năm tăng 6,83%, thì tốc độ tăng trưởng của cả năm là 6,27%. Trong đó, khu vực I (nông, lâm nghiệp) tăng trưởng 1,18%, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng trưởng 7,99%, còn khu vực 3 (dịch vụ) là 6,79%.

Ở kịch bản thứ hai, GDP 6 tháng cuối năm tăng 7,23%, thì tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 6,5%. Mức tăng trưởng của 3 khu vực kinh tế tương ứng sẽ là 2,04%; 8,13% và 6,78%.

Trong khi đó, với kịch bản thứ ba, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm đạt 7,57%, thì cả năm sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như đã đặt ra. Cả 3 khu vực của nền kinh tế đều có mức tăng trưởng khá cao, với khu vực I là 2,25%; khu vực II là 8,44%, còn khu vực III là 7%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kịch bản thứ nhất là mức tăng trưởng mà nền kinh tế “hoàn toàn đạt được”; kịch bản thứ hai thuộc loại “có khả năng đạt được”; và kịch bản thứ ba được coi là “lạc quan nhất”.

Các tổ chức quốc tế cũng cũng đưa ra dự báo về khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Ngày 19 tháng 7, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2016 là 6,0% thay vì mức 6,2% và 6,6% như các dự báo trước đó, do tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn gần đây lên nông nghiệp.

HSBC thì cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới suy yếu, nhưng nhu cầu nội địa nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm nên giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2016 ở mức 6,3%. Cùng con số 6,3% này là dự báo của IMF tại Việt Nam. Tổ chức quốc tế này cho rằng đây là mức tăng trưởng dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á.

Lạc quan hơn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,7%, bằng với mức tăng của 2015. Tuy nhiên, đây là con số được đưa ra vào tháng 6. Nhiều khả năng, tổ chức quốc tế này sẽ điều chỉnh dự báo trong thời gian tới.

Các kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như dự báo của các tổ chức quốc tế cùng chung một điểm là, mặc dù triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn là tích cực, song năm 2016 có nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại, với 2 yếu tố khách quan, bao gồm thời tiết trong nước bất lợi và nhu cầu, giá cả thị trường thế giới suy giảm.

Nỗ lực ở mức cao nhất

Trong bối cảnh đó, để nỗ lực phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 của toàn ngành Công Thương; trên cơ sở quán triệt và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của ngành, Bộ Công Thương đã yêu cầu giám đốc Sở Công Thương; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như sau.

Thời gian tới phát triển công nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Thứ nhất, bám sát và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những nhiệm vụ cụ thể được giao tại các Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tái cơ cấu ngành Công Thương.

Thứ hai, nêu cao tinh thần trách nhiệm làm việc vì doanh nghiệp, vì người dân; đổi mới thực chất và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Thứ ba, tiếp tục cải cách thể chế, cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn theo hướng:

- Tạo thuận lợi hơn nữa cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa

- Thay đổi cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, chấm dứt cơ chế “xin-cho”; không bao cấp cho sự yếu kém

- Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

- Thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; kết nối tốt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Thứ tư, xây dựng Quy chế làm việc của Bộ Công Thương trong tình hình mới theo hướng nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, người dân.

Thứ năm, thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm rà soát cơ cấu tổ chức, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn; thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu; mở rộng thị trường trong nước; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp; tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án gia tăng năng lực sản xuất có khả năng hoàn thành trong năm 2016…

Đây là những giải pháp căn cơ giúp toàn ngành có thể nỗ lực ở mức cao nhất để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành Công Thương bằng hoặc cao hơn năm 2015, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% theo mục tiêu chung của Chính phủ.