Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, chính quyền địa phương tiến hành khẩn trương rà soát biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất của 63 Chi cục Quản lý thị trường và bàn giao về Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường).
Cùng với công tác bàn giao, Bộ Công Thương thực hiện xây dựng các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, Cục và tương đương thuộc Tổng cục; các văn bản hướng dẫn thực hiện quy hoạch công chức lãnh đạo, quản lý của các đơn vị thuộc Tổng cục; hướng dẫn tạm thời quy trình bổ nhiệm lãnh đạo quản lý thị trường... làm cơ sở triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn lực lượng.
Đến nay, về công tác tổ chức cán bộ của lực lượng quản lý thị trường đã hoàn thành cơ bản và ổn định.
Đồng thời, hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn môn nghiệp vụ cho công chức quản lý thị trường được xác định là nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, hướng tới xây dựng lực lượng quản lý thị trường chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Riêng năm 2019, Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch đào tạo cho công chức toàn lực lượng quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức:
2 lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch Kiểm soát viên chính thị trường cho 330 công chức quản lý thị trường;
2 lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch Kiểm soát viên thị trường cho 270 công chức quản lý thị trường; 1 lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch Kiểm soát viên cao cấp thị trường;
1 lớp Thanh tra chuyên ngành Công Thương cho 166 công chức; 8 lớp tập huấn nghiệp vụ về kiến thức an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành phố với 777 học viên tham gia;
Cử công chức tham gia các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch Chuyên viên cao cấp; 24 công chức tham gia lớp cao cấp lý luận chính trị; 32 công chức tham gia lớp trung cấp lý luận chính trị; 12 công chức tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo quản lý cấp Vụ và tương đương, 4 công chức tham gia tập huấn ngắn hạn tại nước ngoài.
Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường.
Kết quả, sau 2 năm hoạt động, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý gần 150.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước ước trên 1.100 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2019 và 6 tháng năm 2020, lực lượng QLTT chuyển Cơ quan điều tra 176 vụ, đã khởi tố 23 vụ.
[Quảng cáo]