Thankdy được phát triển với các công nghệ như Angular.JS và PHP và được đặt trên nền tảng điện toán đám mây của AWS. Ngoài ra, sản phẩm được tích hợp cổng thanh toán điện tử của Bảo Kim với các hình thức thanh toán đa dạng như thẻ tín dụng, ví điện tử (Momo/VNPay…). Thankdy hiện đang có phiên bản dùng trên máy tính, còn với điện thoại, người dùng có thể truy cập app qua trình duyệt. Giá mỗi lần gửi thiệp trên Thankdy là 69,000 VNĐ.
Tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị quốc tế tại đại học Ritsumeikan Asia Pacific University (Nhật Bản), Phạm Minh Tú - Đồng sáng lập cho biết, cơ duyên khởi nghiệp của mình bắt đầu một cách hết sức tình cờ.
Khi dịch Covid-19 ập đến, Minh Tú khi đó đang là chuyên viên tuyển dụng nhân sự IT tại Tokyo, Nhật Bản phải chuyển sang làm việc tại nhà. Ngay sau đó ít lâu, Pierre, vị quản lý của Tú quyết định chuyển việc. Để bày tỏ lòng biết ơn, cả team quyết định sẽ tặng ông một món quà thật ý nghĩa. Ban đầu, ý tưởng chỉ gói gọn trong những món quà điển hình như chai rượu, cây bút hoặc cuốn sổ.
Tuy nhiên, để tặng những thứ như vậy thì lại có phần nhàm chán. Vì vậy, cả công ty đã thống nhất sẽ tặng Pierre một tấm thiệp thật lớn có lời chúc của tất cả mọi người. Do ai cũng làm việc ở nhà, tấm thiệp được gửi qua nhà các thành viên để viết lời nhắn. Người này làm xong gửi sang qua nhà người khác để viết tiếp, cứ như một cuộc chạy tiếp sức. Khi món quà đến tay vị sếp, ông đã phải thốt lên: “Tôi chưa bao giờ được nhận một món quà ý nghĩa và độc đáo như thế này trong suốt cả sự nghiệp của mình!”
Trong đại dịch Covid-19, rất khó để làm một tấm thiệp với việc thu thập lời nhắn của từng người, chưa kể vấn đề về thời gian và chi phí gửi chuyển. Đặc biệt những lời nhắn, kỷ niệm đó chỉ một người giữ được. Chính vì vậy, Minh Tú đã nảy ra một ý tưởng “vì sao mình không làm một nền tảng thiệp nhóm online có thể thu thập lời nhắn ở mọi lúc một nơi? Vừa đỡ mất công sức luân chuyển mà ai cũng có thể truy cập xem được những kỷ niệm, lời nhắn đó”. Và như thế, nền tảng thiệp nhóm điện tử đầu tiên tại Việt Nam - Thankdy, chính thức được ra đời.
Ngay sau khi có ý tưởng, Phạm Minh Tú đã cùng đồng sáng lập còn lại là Trần Trung Khương (Tốt nghiệp thạc sỹ quản trị kinh doanh tại đại học Josai, hiện đang làm kỹ sư thiết kế tại Tokyo) bắt tay vào phát triển sản phẩm. Với một ý tưởng mới mẻ tại Việt Nam như thiệp nhóm điện tử, khó khăn nhất là kiểm chứng liệu sản phẩm có phù hợp với thị trường hay không. Đội ngũ Thankdy tin rằng với thói quen tiêu dùng của người trẻ dần hướng tới những phương thức giao tiếp tiện lợi và nhu cầu được kết nối, thiệp nhóm điện tử sẽ có chỗ đứng trong thị trường Việt Nam.
Với một sản phẩm công nghệ cần nhiều thời gian và công sức phát triển như Thankdy, việc có được một nguồn vốn ổn định từ nhà đầu tư là một điều rất quan trọng. Để làm điều này, xuất phát điểm là một nhà tuyển dụng với network sâu rộng trong giới công nghệ trong và ngoài nước, Minh Tú đã thuyết phục được một nhà đầu tư thiên thần rót vốn vào dự án sau nhiều lần thuyết phục. Hiện tại, cổ phần công ty được chia đều cho ban điều hành gồm 2 đồng sáng lập và nhà đầu tư theo tỉ lệ thoả thuận với công sức và vốn tương đương bỏ ra.
Theo khảo sát của Anphabe, một công ty đang làm việc tại lĩnh vực tuyển dụng, trên 26.000 nhân viên tại các công ty ở Việt Nam, chỉ có 13,8% nhân viên thực sự gắn kết với công ty, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết. Theo các chuyên gia nhân sự, bên cạnh việc giữ chân nhân sự bằng chế độ lương thưởng tốt, môi trường văn hoá doanh nghiệp phù hợp, doanh nghiệp cũng cần nhiều hoạt động gắn kết để giữ chân nhân sự và thu hút nhân tài. Điều này có thể giúp giảm đáng kể tỉ lệ nghỉ việc.
Đội ngũ Thankdy mong muốn sử dụng sản phẩm của mình để góp phần đóng góp vào việc xây dựng văn hoá làm việc cho các doanh nghiệp, với mục tiêu tăng sự gắn kết nội bộ cho tổ chức, qua đó giảm tỷ lệ nghỉ việc và giúp doanh nghiệp xây dựng và duy trì hình ảnh là một nhà tuyển dụng thân thiện. Doanh nghiệp Việt có thể dùng nền tảng thiệp nhóm Thankdy cho nhiều mục đích nội bộ như onboarding nhân viên mới, tri ân nhân sự đạt thành tích tốt, chúc mừng thăng chức, và rất nhiều trường hợp khác nữa.
Trong một xã hội đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đội ngũ phát triển Thankdy hy vọng sản phẩm có thể giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Sứ mệnh của Thankdy là trở thành nơi giúp truyền tải lời cảm ơn của người Việt cho nhau và phát triển hệ sinh thái về quà tặng dạng dịch vụ trong tương lai.
Xem thêm thông tin về Thankdy tại: www.thankdy.com
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.
Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg