Châu Á hiện đã vượt châu Âu để trở thành thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga. Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc là hai điểm đến chính của dầu thô Nga trong bối cảnh nhiều quốc gia phương Tây hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Liên minh châu Âu (EU) hiện đang thảo luận một kế hoạch cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga trong thời gian tới. Trước đó, EU đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn than đá từ Nga, dự kiến biện pháp này sẽ có hiệu lực từ tháng 8 tới đây.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jane Xie của hãng Kpler nhận định “Thay vì phải lựa chọn lợi ích chính trị, một số quốc gia châu Á lựa chọn lợi ích kinh tế để nhập khẩu dầu thô từ Nga”.
Gần đây, Nga đã giảm giá bán các sản phẩm dầu của mình đến 25%. Giới quan sát cho biết Ấn Độ và Trung Quốc đang âm thầm thu mua lượng lớn dầu thô có giá rẻ của Nga trong những tuần gần đây khi giá dầu thô thế giới đang tăng trở lại. Đặc biệt, Trung Quốc tăng cường thu mua dầu thô từ Nga cho dù nhu cầu sử dụng dầu thô ở Trung Quốc trong tháng 4 đã giảm tới 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái vì các đợt phong toả kiểm soát dịch Covid-19.
Trong ngày 19/5, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga sẽ chuyển tất cả các lô dầu của nước này mà bị EU từ chối nhập khẩu đến châu Á hoặc các khu vực thị trường khác. Hiện tại EU đang nhập khẩu khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga.
Ông Alexander Novak cũng khẳng định hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga đang dần hồi phục và nước này có thể tìm được các thị trường thay thế thị trường EU do dầu thô của Nga có mức giá cạnh tranh trên thị trường.
Tính chung cả tuần vừa qua, giá dầu thô Brent đã tăng tới 6% và vượt mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây, tiệm cận mức 120 USD/thùng. Đà tăng của giá dầu thô hiện nay chủ yếu do nhu cầu sử dụng nhiên liệu và các sản phẩm chế xuất từ dầu thô trên toàn cầu đang tăng mạnh.
Đồng thời, nhiều nhà đầu tư nhận định nếu EU đạt đồng thuận trong việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga thì nhu cầu của EU đối với các nguồn dầu thô khác từ Nga sẽ tăng vọt; qua đó, đẩy giá dầu thô tăng mạnh hơn nữa.