Danh mục cho vay bán lẻ tăng nhanh và ghi nhận khoản phí từ Dai-ichi Life
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Ngân hàng LPBank, mã cổ phiếu LPB – sàn HoSE) ghi nhận lợi trước thuế đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do ngân hàng này ghi nhận tăng trưởng tín dụng chậm, chỉ đạt 7,6% trong nửa đầu năm; NIM bị thu hẹp, chỉ đạt 3% trong quý 2/2022 trước áp lực của chi phí vốn; và thu nhập ngoài lãi trong nửa đầu năm nay giảm tới 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá mới đây của Vietcombank Securities (VCBS), lợi nhuận của Ngân hàng LPBank có thể sẽ phục hồi tích cực trong nửa cuối năm nay nhờ kỳ vọng danh mục cho vay bán lẻ tăng trưởng nhanh trở lại, và ghi nhận một phần khoản phí trả trước từ hợp đồng hợp tác với hãng bảo hiểm Dai-ichi Life.
Cụ thể, theo dữ liệu của VCBS, danh mục cho vay bán lẻ của Ngân hàng LPBank có tốc độ tăng trưởng nhanh với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 5 năm gần đây đạt tới 25%/năm. Danh mục cho vay cá nhân của ngân hàng này hiện chiếm khoảng 50% tổng dư nợ. Với việc mặt bằng lãi suất đầu vào và đầu ra đã giảm xuống, nhu cầu vay của nhóm bán lẻ có thể sẽ tăng nhanh trong nửa cuối năm nay, giúp Ngân hàng LPBank cải thiện tỷ suất sinh lời, NIM, cũng như phân tán rủi ro danh mục.
Bên cạnh đó, Ngân hàng LPBank đang là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam với 556 chi nhánh, phòng giao dịch và 585 phòng giao dịch Bưu điện (thông qua việc nâng cấp các điểm giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng). Do đó, ngân hàng này sẽ tận dụng triệt để lợi thế mạng lưới để tiếp cận khách hàng.
Về việc hợp tác với hãng bảo hiểm Dai-ichi Life, hãng bảo hiểm này và Ngân hàng LPBank đã chính thức ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm (bancassurance) độc quyền trong 15 năm. Mặc dù Ngân hàng LPBank không tiết lộ mức phí phí trả trước trong thương vụ này, VCBS ước tính khoản phí này có thể đạt trên 2.000 tỷ đồng, được ghi nhận trong 1-2 năm tới nhờ lợi thế về mạng lưới của ngân hàng này, cùng với doanh số bán bảo hiểm nằm trong top 10 ngân hàng có doanh số cao nhất.
Do đó, Ngân hàng LPBank được kỳ vọng sẽ ghi nhận một phần khoản phí trả trước trong năm nay và doanh thu từ hoa hồng bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức trên 15%/năm trong các năm tới.
Kỳ vọng từ thương vụ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài
Ngân hàng LPBank có kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 15,5% từ mức 5% hiện tại. VCBS nhận định mức giá phát hành thêm sẽ ở mức cao hơn so với thị giá của cổ phiếu LPB ở thời điểm hiện tại. Thương vụ phát hành nếu thành công sẽ giúp chỉ tiêu giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của Ngân hàng LPBank tăng lên, tạo đà tăng cho thị giá cổ phiếu LPB trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, sự gia nhập của cổ đông chiến lược được kỳ vọng không chỉ mang lại sự hỗ trợ về tài chính, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị, thúc đẩy tính minh bạch, cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, cũng như mang lại hệ thống phân phối, khách hàng mới cho Ngân hàng LPBank trong trung và dài hạn.
Hiện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), cổ đông nắm giữ 8,13% vốn cổ phần của Ngân hàng LPBank (tương đương 140,5 triệu cổ phiếu LPB) vẫn duy trì kế hoạch thoái toàn bộ vốn.
Đợt đấu giá cổ phiếu LPB của VNPost hồi tháng 4/2023 đã diễn ra không thành công do mức giá khởi điểm là 22.908 đồng/cổ phiếu, cao hơn 1,5 lần so với thị giá của cổ phiếu LPB tại thời điểm đó. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, thị giá cổ phiếu LPB đã tăng thêm 19%, lên mức 14.400 đồng/cổ phiếu (ngày 22/9). Thậm chí, đã có lúc giá cổ phiếu này chạm mức hơn 16.500 đồng/cổ phiếu. Do đó, VCBS nhận định VNPost sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn và khả năng thành công cao hơn khi giá cổ phiếu LPB đã tăng tích cực trong thời gian qua.
Sau khi thoái vốn, VNPost và Ngân hàng LPBank sẽ tiếp tục hợp tác thông qua thoả thuận hợp tác toàn diện trong 50 năm. VCBS lưu ý, ngân hàng này có thể mất lợi thế phòng giao dịch bưu điện do các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn từ phía Ngân hàng Nhà nước, phần nào ảnh hưởng đến độ phủ thương hiệu và hoạt động huy động vốn. Hiện số dư tiết kiệm bưu điện chiếm khoảng 36% tiền gửi khách hàng.
Tuy nhiên, việc không còn sở hữu nhà nước có thể sẽ mang đến những thay đổi về mặt quản trị, chiến lược, kèm theo quá trình tái cấu trúc các đơn vị trong mạng lưới nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và tăng năng lực quản trị rủi ro của Ngân hàng LPBank.