Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Phương Đông (Ngân hàng OCB, mã cổ phiếu OCB - sàn HoSE) vừa quyết định dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ.
Trước đó, hai phương án này đã được cổ đông ngân hàng thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Phương án tăng vốn của Ngân hàng OCB gồm 3 cấu phần: (1) Trả cổ tức cho công đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:20, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận được 20 cổ phiếu mới; (2) Phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP; và (3) Phát hành gần 900.000 cổ phiếu riêng lẻ.
Vào cuối quý 3/2024, Ngân hàng OCB đã hoàn tất việc trả cổ tức bằng cổ phiếu theo kế hoạch, qua đó nâng vốn điều lệ lên mức 24.658 tỷ đồng, tương ứng tăng 20%.
Nếu hoàn tất nốt 2 phương án tăng vốn còn lại thì vốn điều lệ của Ngân hàng OCB sẽ đạt mức tối đa 24.717 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, HĐQT Ngân hàng OCB đã phê duyệt phương án chào bán 13.200 trái phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, ngân hàng này có thể huy động tối đa 13.200 tỷ đồng.
Các trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có hoặc không có tài sản bảo đảm/bảo lãnh thanh toán. Ngân hàng OCB dự kiến sẽ phát hành khối lượng trái phiếu trên thành 13 đợt, thực hiện trong quý 4/2024. Thời gian phân phối từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán.
Xét về kết quả kinh doanh quý, kết thúc quý 3/2024, Ngân hàng OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 440 tỷ đồng, giảm 67,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận 2.553 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 34,8% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Ngân hàng OCB đạt 265.501 tỷ đồng, tăng 10,57% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 7,25%, đạt 157.877 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 8,41%, đạt 136.535 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng này hiện lên tới 115,6%.
Để đáp ứng nhu cầu tín dụng, Ngân hàng OCB đã tăng cường vay mượn qua hệ thống liên ngân hàng, với tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác tăng tới 60,5%, đạt 47.841 tỷ đồng. Vay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng tăng mạnh từ mức 94 tỷ đồng lên 1.521 tỷ đồng.