Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB - sàn HoSE) vừa thông báo về việc đổi tên và bổ nhiệm nhân sự đối với Ngân hàng Đại dương (OceanBank), sau gần một tháng nhận chuyển giao bắt buộc nhà băng 0 đồng này.
Cụ thể, OceanBank sẽ được đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam hiện đại (MBV) từ ngày 18/10.
Đồng thời, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Quân đội bổ nhiệm ông Vũ Thành Trung - Phó chủ tịch kiêm thành viên ban điều hành Ngân hàng Quân đội đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên OceanBank. Ông Vũ Thành Trung vẫn sẽ đồng thời là Phó Chủ tịch Ngân hàng Quân đội và phụ trách khối ngân hàng số của ngân hàng.
Theo giới thiệu của Ngân hàng Quân đội, ông Vũ Thành Trung sinh năm 1981, thạc sỹ quản trị kinh doanh trường International University of Japan (Nhật Bản). Ông đã có 14 năm công tác tại Tập đoàn MB, có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực đầu tư, bán lẻ, phụ trách các khối trọng yếu của Ngân hàng Quân đội, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngân hàng này.
Bên cạnh đó, HĐQT Ngân hàng Quân đội cũng bổ nhiệm ông Lê Xuân Vũ làm Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc OceanBank. Trước đây, ông Lê Xuân Vũ là Thành viên ban điều hành Ngân hàng Quân đội kiêm Phó tổng giám đốc Oceanbank.
Ông Lê Xuân Vũ sinh năm 1971, thạc sỹ trường NorthCentral University (Hoa Kỳ), có gần 30 năm kinh nghiệm và nhiều năm đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao tại các tổ chức tín dụng uy tín, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi, hiện đại hóa ngân hàng.
OceanBank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng. Sau khi được ông Hà Văn Thắm tham gia mua lại cổ phần, nhà băng này chuyển đổi mô hình sang ngân hàng đô thị, đổi tên thành Ngân hàng Đại Dương vào 2007. Sau sự kiện ông Hà Văn Thắm bị bắt, OceanBank được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng và Ngân hàng VietinBank hỗ trợ quản trị. Giữa tháng 10/2024, Ngân hàng Nhà nước quyết định chuyển giao bắt buộc OceanBank về Ngân hàng Quân đội.
Lãnh đạo Ngân hàng Quân đội cho biết việc được chọn để nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ về năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản trị, đồng thời sẽ mở ra không gian tăng trưởng mới, nhất là tăng trưởng tín dụng.
Theo phân tích của một số tổ chức tài chính, việc nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém hiện nay thực sự mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. Chưa kể, những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể được nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% lên 49%.
Để xử lý khoản lỗ lũy kế của ngân hàng 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu; không phải thực hiện các tỷ lệ an toàn hoạt động, không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm…
Nếu quá trình nhận chuyển giao bắt buộc diễn ra suôn sẻ, các ngân hàng yếu kém thoát lỗ sau 8-9 năm như ước tính thì các ngân hàng lớn nhận chuyển giao sẽ rút ngắn được quá trình mở rộng quy mô.
Nếu tái cơ cấu không thành công, ngân hàng nhận chuyển giao không thể trả lại ngân hàng 0 đồng cho Nhà nước, nhưng có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần, lãnh đạo Ngân hàng Quân đội chia sẻ.