Các yếu tố tiêu cực vẫn kéo dài trong nửa cuối năm nay
Môi trường lãi suất thấp hơn hiện được kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của VNDirect Research, thu nhập lãi ròng (NIM) của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Ngân hàng Techcombank, mã cổ phiếu TCB - sàn HoSE) sẽ phải đối mặt với áp lực thu hẹp và phục hồi chậm hơn so với các ngân hàng khác trong nửa cuối năm 2023 khi các yếu tố tiêu cực vẫn hiện hữu, gồm: lợi suất tài sản ở mức thấp, áp lực tỷ giá, và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Cụ thể:
Lợi suất tài sản của Ngân hàng Techcombank dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp khi ngân hàng này giảm lãi suất theo tỷ lệ thỏa thuận trước trong hợp đồng đối với một số khách hàng bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế.
Tuy nhiên, chính sách chiết khấu này chỉ mang tính tạm thời, nghĩa là những khách hàng này sẽ vẫn phải trả nợ trong tương lai. Những khách hàng được hưởng chính sách này phần nhiều là các khách hàng doanh nghiệp lớn; trong đó, 70% là các doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực bất động sản (chiếm 41% tổng dư nợ). Vì vậy, lãi suất chiết khấu có thể sẽ không được hồi tố trong các quý tới do lĩnh vực bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, theo VNDirect Research.
Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND và lãi suất USD tăng cao sẽ tạo áp lực lên chi phí vốn (CoF) của Ngân hàng Techcombank. Do 50% nguồn vốn liên ngân hàng của ngân hàng này là từ vay bằng ngoại tệ (chủ yếu bằng USD), cũng chiếm 13% tổng cơ cấu huy động.
Theo VNDirect Research, chỉ số US Dollar Index (DXY) vẫn đang neo ở mức cao trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay do dữ liệu kinh tế tốt hơn; và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ tăng cao hơn khi Chính phủ Mỹ đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách.
DXY mạnh hơn sẽ gây thêm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Đồng thời, việc Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất điều hành đối với Việt Nam Đồng dẫn đến tình trạng lãi suất USD cao hơn nhiều lãi suất Việt Nam Đồng trên thị trường liên ngân hàng, qua đó, đã và đang gây áp lực lớn lên tỷ giá USD/VND. Tính đến ngày 27/9/2023, Việt Nam Đồng đã mất giá khoảng 3,5% so với cuối năm 2022.
Cuối cùng, theo Thông tư số 08/2020/TT-NHNN, từ đầu tháng 10/2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tiếp tục được hạ từ mức tối đa 34% xuống còn 30%. Vào cuối quý 2/2023, tỷ lệ này tại Ngân hàng Techcombank là 31,6%. Do đó, VNDirect Research nhận định thu nhập lãi ròng (NIM) của ngân hàng này sẽ chịu áp lực nhằm đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024
Trái ngược với bức tranh kém tích cực trong nửa cuối năm 2023, VNDirect Research nhận định hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Techcombank sẽ “phục hồi mạnh mẽ” trong năm sau khi các yếu tố tiêu cực giảm dần. Dự kiến, lợi nhuận ròng năm 2024 của ngân hàng này có thể tăng tới 55,1% so với mức ước tính của năm 2023.
Theo VNDirect Research, lợi suất tài sản của Ngân hàng Techcombank sẽ tăng mạnh trở lại nhờ: lợi suất cho vay quay trở lại mức bình thường và hưởng lãi suất hồi tố. Với 41% dư nợ có liên quan đến đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, thời điểm ngân hàng này được hưởng lãi suất hồi tố và lãi suất bình thường hóa sẽ phụ thuộc vào sự hồi phục của thị trường bất động sản.
Hiện tại, lĩnh vực bất động sản nhà ở đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung (nguồn cung căn hộ mới dự kiến sẽ giảm hơn 20% vào năm 2023) do các vấn đề pháp lý trong bối cảnh nhu cầu cao.
Về phía cầu, đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể khi tỷ lệ hấp thụ tăng vọt lên hơn 100% ở cả TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội trong quý 2/2023 nhờ môi trường lãi suất thấp hơn. VNDirect Research hiện nhận định môi trường lãi suất thấp sẽ được duy trì đến năm 2024 và dần dần làm ấm thị trường bất động sản khi lãi suất thế chấp duy trì ở mức khoảng 10 - 11%.
Về phía cung, các cơ quan quản lý cho thấy nhiều nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề pháp lý bằng việc ban hành hàng loạt chính sách nhằm hâm nóng thị trường bất động sản. Dự kiến chính sách nhà ở quan trọng nhất sẽ là Luật Đất Đai 2023 sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 10 này và sẽ có hiệu lực vào nửa cuối năm 2024. Điều này sẽ đánh dấu một bước ngoặt đối với lĩnh vực bất động sản khi các vướng mắc trong việc phê duyệt các dự án nhà ở mới được giải quyết, giúp nguồn cung nhà ở phục hồi dần dần trong giai đoạn 2024 - 2025.
Về vấn đề chi phí sử dụng vốn, CoF của Ngân hàng Techcombank có thể giảm 1,3 điểm phần trăm trong năm 2024 nhờ môi trường lãi suất trong nước thấp. VNDirect Research hiện cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ đến năm 2024 để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm 2023 có thể sẽ ở mức thấp hơn so với thông thường.
Hơn nữa, nhiều tổ chức uy tín trên thế giới dự đoán Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 5/2024, giúp giảm áp lực lên chi phí vay USD của Ngân hàng Techcombank.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 10/10, cổ phiếu TCB đạt 32.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 20% so với thời điểm đầu năm nay.