Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tình trạng đứt gãy nguồn cung từ Belarus và Nga dưới tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, cũng như việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu là nguyên nhân chính đẩy giá phân bón quốc tế tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Tính từ đầu năm đến nay giá phân bón thế giới đã tăng gần 30%; trong năm 2021, giá mặt hàng này đã tăng tới 80%. Dữ liệu của WB cho thấy giá urea hiện đã vượt đỉnh năm 2008, giá phosphate và kali đang tiệm cận mức đỉnh hồi năm 2008. Tình trạng căng thẳng trên thị trường phân bón toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine khó có thể kết thúc sớm.
Về phía nguồn cung, các chuyên gia phân tích của WB cảnh báo sản lượng của các nhà máy sản xuất phân bón trên toàn cầu có thể bị suy giảm khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Cụ thể, việc giá khí tự nhiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là ở châu Âu, đang khiến nguồn cung amoniac suy giảm trên diện rộng. Amoniac là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất các loại phân đạm urea. Tại Trung Quốc, giá than tăng vọt cũng khiến hoạt động sản xuất amoniac gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá amoniac và giá lưu huỳnh tăng cao cũng đẩy giá các loại phân lân tăng lên.
Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài đang khiến thị trường phân bón toàn cầu chịu tác động tiêu cực. Nga chiếm khoảng 16% tổng lượng xuất khẩu phân đạm urea, 12% tổng lượng xuất khẩu phân bón DAP và MAP trên toàn cầu. Nga và Belarus hiện chiếm khoảng 40% tổng lượng xuất khẩu phân bón MOP toàn cầu.
Lithuania, một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), vừa ngưng cho phép Belarus vận chuyển potash bằng đường sắt đến cảng Klaipeda của nước này để xuất khẩu. Khoảng 90% lượng phân bón xuất khẩu của Belarus là được chuyển đi từ cảng Klaipeda. Potash đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các loại phân bón có chứa kali.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang tạm ngưng xuất khẩu hàng loạt loại phân bón quan trọng cho đến ít nhất là tháng 6/2022 để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Về phía nhu cầu sử dụng, WB cho biết mức tiêu thụ phân bón trên toàn cầu vẫn ở mức cao trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra. Tại Brazil và Hoa Kỳ, diện tích canh tác đậu tương, loại cây cần dùng nhiều phân bón, đã tăng lên mức cao kỷ lục, kéo theo đó là nhu cầu về phân bón tăng mạnh. Nhu cầu sử dụng phân bón tại Trung Quốc cũng tăng vọt để mở rộng diện tích canh tác ngô, đậu tương nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi gia súc khi nước này đang tái đàn lợn trở lại.
Các chuyên gia của WB nhận định mặc dù giá các loại nông sản đã tăng lên nhưng giá phân bón hiện đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008, điều này có thể khiến nông dân phải tiết giảm việc sử dụng phân bón, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng cây trồng.
WB cũng cảnh báo giá phân đạm urea sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao lịch sử nếu như giá khí tự nhiên và giá than vẫn ở mức cao. Tương tự, giá phân bón DAP sẽ chỉ hạ nhiệt khi giá amoniac và lưu huỳnh giảm xuống. Bên cạnh các yếu tố về nguyên vật liệu đầu vào, thị trường phân bón thế giới còn đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cung phân đạm urea và phân bón DAP từ Trung Quốc khi chưa rõ nước này có nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu sau tháng 6 hay không. Đối với phân bón kali, WB dự báo giá mặt hàng này sẽ vẫn neo ở mức cao lịch sử trong năm nay và thậm chí trong năm 2023 trừ khi nguồn cung từ Nga và Belarus được phục hồi.