Ngành bao bì Việt Nam: Doanh nghiệp FDI tăng tốc đầu tư

Các doanh nghiệp FDI tăng cường thâm nhập ngành bao bì Việt Nam dưới nhiều hình thức, tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn với các doanh nghiệp bao bì Việt Nam.

Doanh nghiệp ngoại tăng tốc đầu tư

Việt Nam được coi là điểm đến hứa hẹn của nhiều doanh nghiệp bao bì nước ngoài với tiềm năng tăng trưởng cao, bình quân từ 15 - 20%/năm (theo dự báo của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam).

Các doanh nghiệp ngoại hiện đang tăng cường thâm nhập ngành bao bì Việt Nam dưới nhiều hình thức từ đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất đến thâu tóm các doanh nghiệp nội địa lớn nhằm đón đầu các ưu đãi khi nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Cuối tháng 12/2014, Tập đoàn Inataba (Nhật Bản) đã khánh thành Nhà máy sản xuất bao bì, màng bọc plastic trị giá 10 triệu USD tại Đà Nẵng. Cuối quý I/2015, Công ty TNHH Giấy Vina Kraft (liên doanh Thái Lan - Nhật Bản) công bố sẽ chi khoảng 130 triệu USD để nhân đôi năng lực sản xuất bao bì (công suất hiện tại là 243.500 tấn/năm). Đầu tháng 6/2015, một nhà máy sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học trị giá 10 triệu USD của liên doanh giữa Công ty Nhà Nhựa Việt Nam (Việt Nam) với Công ty Nhựa phân hủy sinh học Quảng Châu (Trung Quốc) được khởi công. Gần đây nhất, việc Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã chi ra tới 44 triệu USD để mua lại 80% cổ phần của Công ty Bao bì Tín Thành - doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp hàng đầu của Việt Nam đã gây xôn xao toàn ngành bao bì trong nước.

Không chỉ đầu tư sản xuất bao bì thành phẩm, các doanh nghiệp nước ngoài cũng tranh thủ cơ hội trong mọi mắt xích dây chuyền sản xuất, từ cung ứng nguyên liệu đến máy móc, thiết bị và thậm chí là hoạt động tái chế. Trong năm 2015, Tập đoàn Nine Dragons Paper (Trung Quốc) - chuyên sản xuất giấy tái chế cho bao bì giấy sẽ nâng công suất nhà máy tại Việt Nam từ mức 100.000 tấn/năm lên 500.000 tấn/năm. Tập đoàn Reifenhauser (Đức) - nhà sản xuất thiết bị trong lĩnh vực bao bì nhựa đa lớp cũng đã chính thức tham gia lĩnh vực thiết bị bao bì tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng âm thầm cải tổ...

Số lượng doanh nghiệp lớn, sản phẩm trùng lặp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đang bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam

Để duy trì thị phần, việc nhanh chóng cải tổ và nâng cao sức cạnh tranh là yêu cầu cấp bách đối với ngành. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả của bộ máy sản xuất, kinh doanh và đầu tư cho công nghệ để đương đầu tốt hơn với doanh nghiệp ngoại vốn có lợi thế hơn về công nghệ, vốn và sự chủ động trong nguyên liệu đầu vào.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Đơn cử như trường hợp Nhựa Tân Tiến và Nhựa Rạng Đông - hai doanh nghiệp đứng đầu ngành bao bì nhựa mềm Việt Nam - đã có những động thái tái cơ cấu vốn và chiến lược kinh doanh. Công ty Nhựa Rạng Đông hiện đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, với mục tiêu tăng doanh thu xuất khẩu từ 7% lên mức 9% tổng doanh thu trong năm 2015 (hiện sản phẩm bao bì của Công ty này chủ yếu phục vụ thị trường nội địa). Công ty cũng đang có chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng và tiết giảm hao phí. Trong khi đó, Công ty Nhựa Tân Tiến chấp nhận tự nguyện hủy niêm yết để tái cơ cấu; chú trọng duy trì mối quan hệ lâu dài với những khách hàng lớn; tăng cường công tác hậu mãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng để khai thác tốt thị trường, điều chỉnh giá bán hợp lý nhằm duy trì thị trường mà vẫn đảm bảo lợi nhuận. Bên cạnh đó, Công ty cũng chi ra khoảng 2,2 triệu EUR và 1,24 triệu USD để đầu tư máy móc thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát - doanh nghiệp sản xuất bao bì mỏng hàng đầu Việt Nam - đang tích cực xây dựng Nhà máy số 5 chuyên sản xuất túi nhựa tự hủy với dây chuyền hiện đại nhằm đón đầu xu hướng sử dụng tại các thị trường xuất khẩu lớn như: Nhật Bản, EU...

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, các chiến lược kinh doanh đa dạng được đưa ra nhằm khắc phục khó khăn về vốn và nguyên liệu đầu vào mà vẫn giữ chân được khách hàng. Chiến lược cạnh tranh về giá vẫn được sử dụng phổ biến nhưng vận dụng sáng tạo hơn, như cam kết không tăng giá nhưng yêu cầu khách hàng rút ngắn thời gian thanh toán để tăng số vòng quay vốn; các công ty cũng yêu cầu khách hàng thông báo trước kế hoạch đơn hàng để chủ động hơn về nguyên liệu sản xuất.

Mặc dù chưa tạo ra được ngay các chuyển biến lớn, những nỗ lực ban đầu nằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bao bì nội địa cho thấy ngành nhựa Việt Nam đang từng bước chuyển mình, chuẩn bị tốt hơn quá trình hội nhập.
Đặng Quang