Ấm dần con số
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 11 tháng năm 2015 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 20,5% (do chủ trương của Thành phố quyết liệt ngăn chặn, cấm khai thác cát bừa bãi gây ảnh hưởng đến dòng chảy và an toàn đê điều); Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,3%; Sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 7,2%. Trong đó, những ngành sản xuất chiếm tỉ trọng lớn có tốc độ tăng khá so với mức tăng bình quân chung như: sản xuất trang phục (tăng 23%), sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy (tăng 26,8%), sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 25,1%), sản xuất xe có động cơ (tăng 33%), sản xuất giường tủ bàn ghế (tăng 38,2%) đây là những nhân tố chủ yếu tác động đến mức tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo, do một số ngành chiếm tỉ trọng lớn và là ngành sản xuất chủ lực của Thành phố. Ngoài những con số này, ngành Công Thương Hà Nội vẫn tiếp tục vai trò đầu tầu tham mưu cho Thủ đô trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Trên địa bàn Thành phố đã và đang triển khai xây dựng 107 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 3.192,9ha. Trong đó có 42 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định. Thực hiện Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, trong năm 2014 - 2015 đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại 16 cụm công nghiệp. Duy trì công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp; Đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của các cụm công nghiệp đang xây dựng để tạo mặt bằng quỹ đất sạch có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu thuê đất sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ gia đình.
Kiểm soát tốt thị trường và an toàn thực phẩm
Để thực hiện tốt chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong năm 2015; ban hành 60 văn bản chỉ đạo các Đội QLTT kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm. Xây dựng và triển khai 9 Kế hoạch và chuyên đề về kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử; kiểm tra, kiểm soát hoạt động khuyến mại; kiểm tra, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hoá vi phạm sở hữu trí tuệ; kiểm tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính về chất lượng an toàn thực phẩm; kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá và công tác bình ổn giá đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường trên địa bàn Thành phố;...
Đối với công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm… để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hà Nội đặc biệt chú trọng. Thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 389/TP của Thành phố, thực hiện tốt công tác tổng hợp thông tin, kịp thời phát hiện những vẫn đề nổi cộm trên thị trường để đề xuất phương án giải quyết kịp thời. Kết quả 10 tháng đầu năm 2015, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra 7.295 vụ, xử lý 6.908 vụ. Tổng số tiền thu nộp gần 102,4 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính gần 39,3 tỷđồng; trị giá hàng tịch thu hơn 18,6 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy hơn 35,8 tỷ đồng; trị giá hàng tái xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm hơn 8,7 tỷ đồng.
Tập trung kích cầu
Năm 2015 cũng là một năm được xem là thành công của ngành Công Thương Hà Nội trong lĩnh vực liên kết Công Thương giữa Thành phố với các tỉnh, như: đã tổ chức chương trình kết nối giao thương với các tỉnh Tây Bắc; Kết nối giao thương của Thành phố Hà Nội tại khu vực Nam bộ với sự tham gia của 8 doanh nghiệp, chợ đầu mối; Tham dự Hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung, Tây Nguyên với sự tham gia của 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại; Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội chợ triển lãm Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam tại Hà Nội; Tổ chức Hội nghị "Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía bắc năm 2015" tại Hà Nội; Phối hợp với các Sở Công Thương các tỉnh Sóc Trăng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Giang...
Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ và tổ chức bán ra đúng lượng hàng hóa đã cam kết tương ứng với số vốn 276,75 tỷ đồng; nguồn vốn huy động khác, các doanh nghiệp đã chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu được giao dự trữ với số tiền lên đến 500 tỷ đồng và chủ động bình ổn giá đối với 2 nhóm hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Tổng công ty Thương mại Hà Nội tổ chức 3 phiên chợ Tết trên địa bàn các huyện trong thời điểm giáp Tết; các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức được 150 chuyến bán hàng lưu động về các huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân; cung cấp thông tin 100 điểm bán hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hà Nội đã tổ chức 26/30 phiên chợ Việt và 360/500 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố; Tổ chức 22/23 tuần hàng Việt trên địa bàn các quận, huyện.
Năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai việc rà soát, xác định cụ thể vị trí, hiện trạng sử dụng đất, quy mô diện tích trên địa bàn các quận, huyện, thị xã dành cho phát triển công nghiệp, xây dựng các công trình hạ tầng thương mại để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch ngành Công Thương đến năm 2020 có hiệu quả. Tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, những khó khăn vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn. Trong công tác quản lý thương mại, tiếp tục phối hợp tốt với UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ; công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ và công tác giải tỏa tụ điểm chợ cóc trên địa bàn thành phố, đồng thời duy trì lực lượng đảm bảo không để tụ điểm chợ cóc, chợ tạm tái họp trở lại, không để phát sinh các tụ điểm mới. Về quản lý điện năng, tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện đầu tư xây dựng các công trình điện theo các Quy hoạch phát triển và theo pháp luật hiện hành.