Ngày 16/4/1966, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Nguyễn Côn trình bày Báo cáo của Hội đồng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế 2 năm 1966 - 1967134, có những nhiệm vụ sau:
- Ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp địa phương, tăng cường năng lực kinh tế do các địa phương quản lý, nâng cao mức tự cung, tự cấp, hết sức cố gắng giải quyết các nhu cầu về ăn, mặc, trang bị và sửa chữa, nhu cầu về một số nguyên liệu và các hàng tiêu dùng để đẩy mạnh sản xuất, chiến đấu, bảo đảm đời sống nhân dân ở từng tỉnh, từng vùng.
-Tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp do các Bộ quản lý, tận dụng công suất của các xí nghiệp, đẩy mạnh sản xuất để giải quyết nhu cầu thiết bị, nguyên liệu, vật liệu và hàng tiêu dùng mà trung ương phải phụ trách, tập trung sức giúp đỡ cho việc xây dựng, phát triển kinh tế địa phương.
Theo sách "Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010", thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, ngành Công Thương triển khai nhiệm vụ bảo vệ sản xuất kết hợp chặt chẽ với xây dựng nền công nghiệp đất nước theo hướng:
- Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, giữa sản xuất công nghiệp với sẵn sàng chiến đấu.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp trung ương với công nghiệp địa phương.
- Xây dựng cơ sở nguyên liệu vững chắc cho công nghiệp địa phương.
- Đẩy mạnh trang bị kỹ thuật cho công nghiệp địa phương.
- Chú trọng bổ sung và tích cực đào tạo cán bộ, thợ lành nghề cho công nghiệp địa phương.
Các bộ quản lý ngành Công Thương dành một nguồn lực quan trọng để hỗ trợ công nghiệp địa phương. Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Điện và Than chú trọng bảo đảm nguồn điện, mở rộng và nâng cao năng lực chế tạo, sửa chữa sản xuất cơ khí, tiến hành xây dựng điểm cơ khí huyện và các điểm cơ khí sửa chữa xã, kết hợp với xây các trạm phát điện diezel, trạm thủy điện nhỏ, trang bị máy hơi nước và khai thác than thủ công; tập trung đầu tư cho sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, các xưởng công nghiệp nhẹ về xẻ gỗ, đồ mộc, thủy tinh, đường mật, bánh kẹo; một số ngành chế tạo nông cụ cải tiến, máy bơm nước… Bên cạnh đó, hướng dẫn về kỹ thuật, đào tạo và cung cấp cán bộ, hướng dẫn làm kế hoạch, giúp đỡ kinh nghiệm quản lý cho công nghiệp địa phương.
Bộ Nội thương, Bộ Vật tư đẩy mạnh đặt hàng gia công và thu mua hàng công nghiệp địa phương, đặc biệt những mặt hàng cần thiết cho sản xuất, đời sống và chiến đấu; cung cấp hoặc hỗ trợ địa phương tự giải quyết phần lớn nhu cầu về tư liệu sản xuất, nhất là trang bị máy móc nhỏ, máy nông cụ, xăng dầu, phân bón…
Bộ Ngoại thương lập kế hoạch giảm nhập thiết bị toàn bộ để tăng nhập thiết bị lẻ trang bị cho công nghiệp địa phương; nghiên cứu các công nghệ thích hợp với trình độ của công nghiệp địa phương, để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của địa phương, gồm thủ công nghiệp, hàng mỹ nghệ, hàng nông sản chế biến, cây công nghiệp; duy trì hàng xuất có truyền thống vào thị trường các nước tư bản để tạo ngoại tệ cho nhập khẩu thiết bị lẻ như phương tiện vận tải, máy cơ khí nhỏ, các thiết bị cho công nghiệp địa phương mà trong nước chưa sản xuất được.
Với sự giúp đỡ của công nghiệp và thương nghiệp trung ương, công nghiệp địa phương đã phát huy được thế mạnh của mình, phục vụ trước hết cho 3 mục tiêu trong nông nghiệp lúc đó (mỗi lao động phấn đấu đạt 5 tấn thóc, 2 đầu lợn và 1 ha gieo trồng), đặc biệt, tập trung vào các khâu yếu là phân bón, thức ăn gia súc, nông cụ thường và cải tiến; riêng về sản xuất hàng hóa tiêu dùng, các địa phương đều có kế hoạch phấn đấu tự giải quyết 40 - 50% nhu cầu tại chỗ.
Vốn đầu tư vào công nghiệp địa phương trong 3 năm 1965 - 1967 tăng gấp 33 lần 3 năm trước chiến tranh phá hoại. Ngay tại các tỉnh bị đánh phá ác liệt nhất như các tỉnh thuộc Khu IV cũ, mỗi tỉnh cũng xây dựng thêm hàng chục xí nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Nếu năm 1965, toàn miền Bắc có 1.132 xí nghiệp, trong đó có 205 xí nghiệp trung ương, 927 xí nghiệp địa phương; đến năm 1969 toàn miền Bắc có 1.352 xí nghiệp, trong đó có 277 xí nghiệp trung ương, 1075 xí nghiệp địa phương135. Như vậy, trong cùng thời gian, xí nghiệp trung ương tăng 72 cơ sở, công nghiệp địa phương tăng 148 cơ sở.
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản công nghiệp địa phương tăng nhanh chóng, từ 8,1 triệu đồng năm 1960 tăng lên 40,3 triệu đồng năm 1965 và 150,5 triệu đồng năm 1975; chiếm tỷ trọng trong cơ cấu vốn đầu tư công nghiệp tương ứng là 3,2%, 6,7% và 20%.
Nhờ vậy, trong bối cảnh các cơ sở thuộc ngành công nghiệp trung ương như điện, than, cơ khí, luyện kim, vải vóc… là trọng điểm bắn phá trong chiến tranh phá hoại có sản lượng giảm sút, thì những sản phẩm điển hình của công nghiệp địa phương tăng mạnh. Từ năm 1965 đến năm 1970, máy phát diezel từ 1.113 cái tăng lên 1.170 cái; động cơ điện từ 5.712 cái tăng lên 10.206 cái; máy bơm thủy lợi từ 1.915 cái tăng lên 2.476 cái; cày, bừa cải tiến từ 214 nghìn cái tăng lên 366 nghìn cái; xe cải tiến từ 59.580 cái tăng lên 90.570 cái; mai, cuốc xẻng từ 1.250 nghìn cái tăng lên 1.998 ngàn cái; máy tuốt lúa từ 1.930 cái tăng lên
3.530 cái; máy xay xát gạo từ 1.150 cái tăng lên 2.480 cái; máy nghiền thức ăn gia súc từ 200 cái tăng lên 1.150 cái; phân bón hóa học từ 144 nghìn tấn tăng lên 182 nghìn tấn; thuốc trừ sâu từ 3.676 tấn tăng lên 7.314 tấn; vôi bón ruộng từ 580 ngàn tấn tăng lên 611 nghìn tấn; chiếu cói từ 2.638 nghìn đôi tăng lên 4.158 nghìn đôi; đồ thủy tinh từ 9.531 tấn lên 12.512 tấn; đồ sứ dân dụng từ 53,4 triệu cái tăng lên 60,2 triệu cái; vải màn từ 25,42 triệu mét tăng lên 50,61 triệu mét; nước chấm từ 4,24 triệu lít tăng lên 22,36 triệu lít; mì chính từ 21 tấn lên 67 tấn...
Giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương cũng tăng nhanh chóng. Lấy chỉ số giá trị năm 1960 là 100%, thì năm 1965 bằng 148%, năm 1975 là 287%.