Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nhân dịp ngành Công Thương cả nước kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951-14/5/2021).
Xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương được xem là nơi khởi phát của ngành Công Thương cách mạng, khi đây từng là nơi làm việc của Bộ Kinh tế Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà theo Sắc lệnh số 220/SL ngày 26/11/1946 của Chủ tịch Chính phủ. Cũng chính tại nơi đây, ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, đánh dấu sự ra đời của ngành Công Thương Việt Nam.
Tháng 3/1952, cán bộ nhân viên Bộ Công Thương đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, động viên và chỉ bảo tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh.
Phát biểu tại Lễ dâng hương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, 70 năm phát triển, cán bộ, công chức, người lao động các thế hệ của ngành Công Thương cả nước luôn ghi nhớ ơn nghĩa của nhân dân xã Minh Thanh cũng như khu ATK đã giúp đỡ, bao bọc những cán bộ ngành Công Thương từ những ngày gian khổ trong kháng chiến chống Pháp. Nhiều sự kiện quan trọng của ngành, nhiều chính sách, chủ trương lớn về công thương nghiệp giai đoạn kháng chiến chống Pháp đã được ra đời tại nơi đây dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra vào tháng 2/1951.
Do đó, nhớ về Đồng Đon, về Minh Thanh, tổ chức thăm và dâng hương tại Khu di tích đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống của ngành Công Thương mỗi khi tháng 5 về, để được nhớ lại những giai đoạn lịch sử gian khó và vinh quang của ngành, hoà trong lịch sử oai hùng của dân tộc.
70 năm xây dựng và phát triển cùng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, ngành Công Thương đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Công Thương cũng có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Để đến hôm nay, ngành Công Thương có thể tự hào báo cáo với Đảng, với Bác kính yêu: các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, đồng thời cũng là lực lượng tiên phong trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An xúc động chia sẻ.
Càng tự hào về sự lớn mạnh của ngành Công Thương, các cán bộ công nhân viên chức, người lao động càng ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ, ghi nhớ công lao của các thế hệ lãnh đạo, người lao động ngành Công Thương qua các thời kỳ đã không ngừng cống hiến, hy sinh để ngành Công Thương lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.
“Tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngày nay của ngành Công Thương nguyện đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hết mình để tiếp tục tô thắm truyền thống vẻ vang của ngành 70 năm qua”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng gửi lời cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đối với ngành Công Thương cả nước và ngành Công Thương tỉnh Tuyên Quang nói riêng trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, tri ân và cảm ơn sự bao bọc của bà con nhân dân thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh và nhân dân trong vùng đối với các thế hệ cán bộ ngành Công Thương và đã chăm nom, bảo vệ Khu di tích trong nhiều năm qua.
Để đảm bảo Khu di tích được quản lý, chăm sóc tốt trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đề nghị Sở Công Thương Tuyên Quang tiếp tục quan tâm, chăm sóc Khu di tích lịch sử Bộ Công Thương, tạo điều kiện cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương có địa chỉ thiêng liêng để tìm về lịch sử của ngành.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, khu di tích Bộ Công Thương hiện là nơi lưu giữ truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành Công Thương cũng như phục vụ bảo tồn, nghiên cứu, tham quan, học tập, truyền thống... của các thế hệ ngành Công Thương. Lễ dâng hương tại Khu di tích Bộ Công Thương chiều 7/5 đã thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và lao động toàn ngành đối với các vị tiền bối và nhân dân địa phương
Cùng với sự trưởng thành và phát triển của ngành Công Thương Việt Nam trong 70 năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đến nay, đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá. Tốc độ tăng GRDP của tỉnh bình quân đạt 5,24%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đều đạt và vượt dự toán được giao.
Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện chỉ đạo, điều hành vĩ mô về công nghiệp, thương mại của Bộ Công Thương, và sự đóng góp quan trọng của ngành Công Thương Tuyên Quang. Cụ thể, giai đoạn 2015-2020 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 16,3%, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 10,8%, đã thu hút được 37 dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 13.300 tỷ đồng trong đó có nhiều dự án đóng góp nhiều cho thu ngân sách và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
“Tôi tin tưởng, trong thời gian tới, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Tuyên Quang tiếp tục là điểm hẹn và nguồn hấp dẫn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Công Thương và nhân dân cả nước”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn bày tỏ.
Cũng tại buổi Lễ, lãnh đạo Bộ Công Thương, tỉnh Tuyên Quang và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã trồng cây phát động nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống ngành Công Thương.