Ngành thép trước ngưỡng cửa phục hồi, bước vào chu kỳ mới
Với vị thế luôn chiếm hơn 50% sản lượng thép sản xuất hàng năm trên thế giới, hoạt động của ngành thép Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới ngành thép toàn cầu. Ngay cả giá thép tại thị trường nội địa Trung Quốc cũng có tác động lớn tới thị trường thép toàn cầu. Dữ liệu lịch sử cũng cho thấy, giá thép Việt Nam có biến động khá tương đồng, đôi khi là chậm hơn so với phản ứng của giá thép Trung Quốc.
Với việc giá thép Trung Quốc đã gần chạm ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2017 và bắt đầu có những tín hiệu phục hồi trong quý 3/2023 nhờ vào thị trường xuất khẩu thuận lợi và tồn kho thép xuống thấp. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc sẽ phát hành 139 tỷ USD trái phiếu để tái xây dựng các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Những điều này kỳ vọng sẽ có tác động tích cực tới mặt bằng giá thép chung trên thế giới và cũng báo hiệu nhu cầu tại thị trường thép lớn nhất có thể đang trở lại và các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam có thể hy vọng vào tính chu kỳ của ngành khi thị trường thép thế giới tăng trưởng trở lại.
Tại Việt Nam, nhu cầu thép kỳ vọng sẽ tăng mạnh mẽ trở lại khi đầu ra là thị trường bất động sản hồi phục từ năm 2024. Các dữ liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy mặc dù giao dịch căn hộ, chung cư, đất nền trong quý 3/2023 mới bằng khoảng 73% so với quý 3/2022 nhưng đã tăng 24,7% so với quý 2/2023. Bên cạnh đó, số lượng dự án xây dựng hoàn thành và đang xây dựng đều tăng lại so với cùng kỳ năm 2022.
Hãng nghiên cứu thị trường CBRE cũng nhận định, mặc dù tình hình bất động sản trên cả nước vẫn còn ảm đạm nhưng đã có một số tín hiệu tích cực khi từ quý 3/2023, lượng cung - cầu về căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã tăng lên. Đặc biệt, mức độ hấp thụ đã vượt trên tốc độ bán trong 2 quý gần đây, cho thấy nguồn cầu đang hồi phục từ đáy.
Đồng thời, Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Các dự án trọng điểm quốc gia hầu hết được khởi công trong năm nay, cho thấy giai đoạn 2024 - 2026 sẽ là giai đoạn có mật độ thi công dày đặc, tạo ra nhu cầu lớn về thép.
Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Cổ phiếu HPG liệu còn dư địa tăng trưởng so với kỳ vọng kinh doanh?
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, trong pha phục hồi của chu kỳ ngành thép tới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất và đầu tiên nhờ lợi thế về quy mô, chiếm thị phần chi phối tại nhiều phân khúc sản phẩm, cũng như lợi thế tiềm lực tài chính tốt.
Về thị phần, Tập đoàn Hoà Phát đang duy trị lợi thế “tuyệt đối” ở mảng thép xây dựng, ống thép và top 5 trong mảng tôn mạ. Về sức khoẻ tài chính, so với các doanh nghiệp niêm yết lớn trong ngành, với các chỉ số về áp lực nợ vay của Tập đoàn Hoà Phát đang thấp hơn đáng kể so với các đối thủ. Những yếu tố trên giúp Tập đoàn Hoà Phát có dư địa tận dụng đòn bẩy lớn để thực hiện các dự án, đơn hàng trong giai đoạn hồi phục ban đầu của chu kỳ ngành.
Bên cạnh đó, áp lực hàng tồn kho đối với Tập đoàn Hoà Phát đã giảm đáng kể từ đầu năm 2023, đi kèm với đó là giảm dự phòng hàng tồn kho, cho thấy áp lực về tồn kho giai đoạn giá thép cao đã được giải quyết phần lớn. Vòng quay hàng tồn kho của tập đoàn này cũng đã giảm về mức thông thường trong lịch sử. Áp lực hàng tồn kho giảm sẽ tạo tiền đề cho Tập đoàn Hoà Phát linh hoạt hơn trong sản xuất thời gian tới.
Trong dài hạn, “siêu” dự án Dung Quất 2 của Tập đoàn Hoà Phát được kỳ vọng tạo ra động lực tăng trưởng mới. Dự án này tập trung chủ yếu vào sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn là thép cuộn cán nóng (HRC), góp phần tăng sản lượng thêm tới 65,8% (so với tổng sản lượng gang thép hiện tại).
Dự án Dung Quất 2 có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu từ cho sản phẩm thương mại từ quý 1/2025 và chạy đủ công suất vào năm 2027, sẽ hiện thực hoá chiến lược kinh doanh thép phân khúc chất lượng cao của Tập đoàn Hoà Phát. Dự án này dự kiến sẽ tạo ra từ 80.000 - 10.000 tỷ đồng doanh thu/năm.
Về triển vọng cổ phiếu HPG, theo đánh giá mới nhất của hãng chứng khoán VPBank Securities, định giá P/B của cổ phiếu HPG hiện vào khoảng 1,56 lần, cao hơn 11,4% so với trung bình ngành nhưng thấp hơn 17,2% so với trung bình P/B lịch sử 10 năm. Mặc dù vậy, đối với P/B, cổ phiếu HPG luôn có được mức premium cao hơn khoảng 64% so với trung bình ngành theo dữ liệu lịch sử 10 năm.
Kết thúc ngày 01/12, thị giá cổ phiếu HPG đạt 26.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần 40% so với thời điểm đầu năm nay.