Giai đoạn 2016 - 2020, cơ sở vật chất và trang thiết bị trong ngành Y tế được đầu tư và phát triển mạnh, có bước đột phá nổi bật; cơ sở vật chất Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư hoàn chỉnh với 800 giường bệnh; Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi được xây dựng mới, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020. 100% huyện/thị đã sáp nhập Bệnh viện Đa khoa với Trung tâm Y tế theo mô hình tổ chức Trung tâm Y tế huyện với 2 chức năng là khám, chữa bệnh và phòng bệnh.
Ngoài những trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại được các đơn vị chủ động mua sắm, đầu tư, trong giai đoạn này còn được thụ hưởng thêm các trang thiết bị y tế khác từ các dự án hỗ trợ, như: Dự án hỗ trợ y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm các chủng loại, như: Máy X - quang; siêu âm; dụng cụ phẫu thuật nội soi; Monitor theo dõi bệnh nhân; các loại máy xét nghiệm máu, nước tiểu; nồi hấp tiệt trùng; máy tạo ô xy; máy điện tim. Dự án hỗ trợ y tế do Quỹ toàn cầu tài trợ đã đầu tư thêm trang thiết bị thiết yếu cho 4 Trung tâm Y tế huyện và 25 y tế xã… nhằm đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh của ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng đạt được nhiều thành tựu nhất định; các bác sỹ chuyên khoa sâu đã chuyển giao nhiều gói kỹ thuật cao theo Đề án 1816 với hình thức bệnh viện vệ tinh, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến…
Năm năm qua đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực khám, chữa bệnh của ngành Y tế Sóc Trăng nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng. Bệnh viện đã phát triển rất nhiều kỹ thuật mới chuyên sâu, hiện đại, như: Kỹ thuật thông tim can thiệp, can thiệp nội mạch thần kinh, trao đổi khí qua màng ngoài cơ thể (ECMO), thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp… Nhờ đó, đã giúp bệnh viện tận dụng được thời gian “vàng” để cứu sống nhiều bệnh nhân.
Phát triển sự nghiệp y tế với phương châm dự phòng là chính. Đây là giai đoạn thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng, nhất là các đơn vị làm công tác y tế dự phòng. Vì vậy, các dịch bệnh lưu hành trong tỉnh được khống chế và kiểm soát tốt; các bệnh lây truyền từ động vật sang người chưa ghi nhận; đã loại trừ bệnh phong và lập hồ sơ đề nghị loại trừ bệnh sốt rét trong năm 2020. Kết quả giai đoạn 2015 - 2019, so với giai đoạn 2010 - 2014 thì số mắc bệnh sốt xuất huyết trung bình giảm 23,6%; số mắc bệnh chân tay miệng giảm 18,4%; số mắc bệnh sởi giảm 26 lần; số mắc bệnh sốt rét giảm 70,6 lần.
Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch Covid-19, tính đến ngày 28/10/2020, tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh; đã tổ chức cách ly y tế tại các cơ sở y tế là 54 trường hợp nghi ngờ; 1.824 trường hợp cách ly y tế tại các cơ sở cách ly tập trung; 1.300 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú; lấy 2.105 mẫu xét nghiệm bằng công nghệ RT-PCR và tất cả đều âm tính với SARS-CoV-2.
Đến nay, toàn tỉnh có 05 Bệnh viện, 04 Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh; 11 Trung tâm Y tế tuyến huyện; 109 Trạm Y tế xã/phường/thị trấn; 755 nhân viên y tế khóm/ấp… đây sẽ là một nguồn lực to lớn để ngành Y tế Sóc Trăng đạt được những thành tựu nổi bật trong giai đoạn tiếp theo.