Nghề mây tre đan Phú Vinh

Có mấy ai hiểu rằng, mỗi tác phẩm nghệ thuật mây tre đan ở làng nghề truyền thống Phú Vinh đều chứa trong nó sự tài hoa, nét tinh xảo và tấm lòng thuỷ chung với nghề của những nghệ nhân nơi đây. Họ yê

Giai thoại về làng nghề Phú Vinh

Về thăm làng nghề truyền thống Phú Vinh vào một ngày trời nắng tháng 6, cái nắng đổ lửa xuống đường bê tông làm cho người mệt lại càng thấm mệt hơn. Thế nhưng, được các nghệ nhân hồ hởi đón tiếp, họ mang những ngón nghề và những tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra trình diễn, làm chúng tôi quên đi cái mệt ấy, say sưa nhập cuộc, thưởng thức, ngắm nhìn những tác phẩm độc chiêu, trầm ngâm bên chén trà, nghe kể những giai thoại thăng trầm về làng nghề truyền thống hấp dẫn này.

Người xưa truyền miệng rằng, tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội), có một địa danh gọi là bãi Cò Đậu, vì nơi đây có rất nhiều cò tụ tập, sinh sôi nảy nở thành đàn.  Vì thế, người ta gọi luôn là làng Cò Đậu, nay gọi chệch thành làng Gò Đậu. Lông những chú cò rụng trắng xoá một vùng, có người đem nhặt về tết thành mũ, nón xinh xắn. Ban đầu người nhà dùng, thấy vừa bền, lại đẹp, họ đem làm quà, tặng người thân, dần dần sản phẩm mũ lông cò được nhiều người ưa chuộng, tìm mua… Từ đó, mũ lông cò trở thành hàng hoá, mang lại giá trị kinh tế và được người làng Gò Đậu phát triển nhân rộng nghề đan mũ lông cò.

Lâu dần, lông cò cũng có hạn, người đan mũ lại quay sang tìm thêm cỏ lau, cỏ lác, mọc ngoài đồng hoang để thay thế. Và rồi, cỏ lau cũng có hạn, con người lại phải vào rừng tìm nguyên liệu mây, tre, có nhiều tính năng ưu việt hơn để đan thành nhiều mặt hàng sản phẩm phong phú. Cũng như bây giờ, ngoài mây tre, người ta đã tìm tòi sáng tạo phát triển thêm cả nguyên liệu giang, nứa, bèo bồng, sắt, thép, gốm sứ…để đan, dệt thành sản phẩm ngày một hoàn thiện, sắc nét hơn. Và từ đó, thôn Phú Vinh đã hình thành làng nghề  mây tre đan nổi tiếng, sau lan dần ra cả xã Phú Nghĩa. Có những sản phẩm mây đan được làm từ làng nghề Phú Vinh, nay vẫn đang được người đời lưu giữ như một tác phẩm nghệ thuật cổ quý hiếm. Hiện, tại Bảo tàng cung đình Huế đang được lưu giữ một tác phẩm thư pháp chữ Hán đan bằng mây của các cố nghệ nhân thôn Phú Vinh vào năm 1712. Hay một số nhà chức vị giàu có ở Cộng hoà Chi Nê và một số nơi khác, vẫn đang cất giữ những bức hoành phi câu đối được đan dệt bằng mây từ những năm 1840. Theo tài liệu nghiên cứu của Câu lạc bộ nghệ nhân Phú Vinh cho biết: vào thời vua Thành Thái, làng nghề truyền thống Phú Vinh có 9 cụ nghệ nhân trong làng đã được nhà vua phong sắc.

Hiện xã Phú Nghĩa có 7/7 làng nghề được UBND tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) công nhận làng nghề, trong đó làng nghề Phú Vinh được công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2002. Theo thống kê của UBND Xã, hiện có khoảng 7.800 nhân khẩu sinh sống bằng nghề này, chiếm 90% số hộ trong toàn xã. Sản phẩm làng nghề Phú Vinh có đến 500 chủng loại mẫu mã, hàng hoá về mây tre đan, ngày ngày sản phẩm được xuất khẩu ra nhiều nước. Người dân Phú Vinh tự hào rằng, hàng hoá của họ đã có mặt  ở các châu lục trong hội nhập kinh tế thế giới. Đời sống nhân dân nơi đây ngày một khấm khá, số hộ có kinh tế khá, giầu đạt tới 45%, hộ trung bình, ổn định chiếm hơn 41%, chỉ còn 14% hộ nghèo và không có hộ đói.

 

Những tấm lòng nghệ nhân - tài hoa - chân thành - trăn trở…

Nghề mây đan ở Phú Vinh đã trải kiến bao khó khăn thăng trầm theo quy luật cung - cầu của thị trường, nhiều khi gặp cả nguy cơ giải nghệ. Nhớ thời điểm năm 1986, các nước Đông Âu sụp đổ, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam không còn thị trường tiêu thụ, Làng nghề Phú Vinh lâm cảnh lao đao, không lối thoát. Rồi mới đây thôi, từ đầu 2008 đến nay, người dân Phú Vinh lại một phen “sống mái” với những hợp đồng xuất khẩu bị phá vỡ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng với lòng yêu nghề, các lớp nghệ nhân vẫn một lòng tâm huyết, gồng mình chống chọi qua cơn “bão” để nối, giữ nghề truyền thống cha ông. Thời nào cũng vậy, lớp nghệ nhân cao tuổi, tài hoa, yêu nghề, bám trụ với nghề, đã truyền nghề lại cho con cháu họ, đưa thương hiệu nghề đan mây Phú Vinh phát triển lên tầm cao mới.

Đã là thợ làng nghề Phú Vinh, không ai là không biết đến tên tuổi của cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu (1905 – 1983). Cụ là người làng Phú Vinh, có đôi bàn tay khéo léo đến lạ kỳ. Cụ là nghệ nhân thành công đầu tiên đan ảnh chân dung Bác Hồ bằng chất liệu dây mây truyền thống. Con trai của Cụ là anh Nguyễn Văn Tĩnh cũng đang tiếp nối nghề truyền thống cha ông, vẫn hàng ngày lưu giữ những tinh nghệ, trải nghiệm tỷ mỷ của cha mình như một báu vật. Khi còn sống, cụ Khiếu vẫn từng nói: “ Nghề đan mây - một nghề cho ra nghề quả là khó.” Theo Cụ, nghề mây cũng như bao nghề thủ công mỹ nghệ khác, chỉ được gọi là thành công khi nào làm được ra những sản phẩm mỹ nghệ có hồn. Khi ta đang cầm sợi mấy đan, ta chợt thấy chim vỗ cánh bay, càng ngắm càng thấy chim bay cao dần. Tết hoa cũng vậy, làm sao để người ngắm mà thấy hoa nở tươi hơn, duyên dáng hơn.

Dùng sợi mây, nan tre, để làm được việc đó đã khó, nhưng còn khó hơn nhiều, khi dùng nó để tả phong cách, dáng điệu một chân dung con người. Nếu như các hoạ sỹ vẽ tranh được dùng tới 7 màu cơ bản để thể hiện tác phẩm thì với nghệ nhân đan mây chỉ có thể dùng 2 màu đen, trắng. Màu đen là màu của cật giang được nhuộm từ nước quả bàng, còn màu trắng là màu trắng ngà tự nhiên của dây mây. Với 2 màu ấy, nghệ nhân phải nghiên cứu, tính toán, đan làm sao cho toát lên cái hồn của tác phẩm. Tả phong cảnh có thể chấp nhận, nếu có sai sót kỹ thuật, còn tả chân dung một con người phải làm sao vừa đẹp vừa giống, là điều cực khó. Nếu đẹp mà không giống thì cũng bỏ đi, nếu giống mà lại không đẹp thì cũng vô ích.

Bên cạnh đó, sự góp công để tạo nên giá trị hoàn mỹ của tác phẩm không thể không nhắc đến chất lượng và mỹ thuật của những sợi mây. Người Phú Vinh có tay nghề cao nên họ thuộc được “tính nết” của từng cây mây và sợi mây. Qua nhiều khâu chế biến như, chẻ, phơi, sấy, hấp, luộc... mới ra được thành phẩm sợi mây. Để đạt được độ chuẩn của sợi mây, đòi hỏi kỹ thuật chẻ khá công phu, các loại nan phải được chẻ đều tay. Kỹ thuật sấy cũng không kém phần quan trọng, sấy mà nhiều khói quá, mây sẽ bị đỏ, mà ít khói quá mây cũng bị đỏ, phải làm sao vừa đủ độ thì mây mới đẹp. Khi phơi, gặp mưa thì sợi mây mất vẻ đẹp, mà nắng gắt thì sợi mây mất vẻ tươi. Sợi mây khi chưa khô tới thì nước da bị úa, mà khô kiệt quá thì nước da mất vẻ óng mềm. Đúng là “õng ẹo” như mây, thật khó chiều.

Nghề đan có khuôn mực của nó, ấy là phương pháp và kỹ thuật đan, cài. Dù là thợ hay nghệ nhân, không ai có thể vượt ra ngoài khuôn mực ấy. Chẳng hạn khi đan các loại dần, sàng, thúng, nia, lồng bàn,…đã đan long mốt là chỉ được bắt nan long mốt, nếu đan long đôi chỉ được bắt đều nan long đôi. Đan sai long là lỗi ngay. Trong nghề đan mây cũng thế, khi đan chân dung đã bắt năm thì phải đè năm, bắt sáu hoặc 4, đều lỗi. Chỉ có bắt năm đè năm và đan làm sao cho giống với chân dung từng người. Cụ Khiếu đã từng “giải mã” được “bí mật” kỹ thuật này trong quá trình hành nghệ. Khi còn sống, Cụ mong muốn nghề mây đan ở Phú Vinh sẽ được phát triển mãi, ngày một cao hơn, hoàn thiện hơn.

Sau hoà bình lập lại, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, các nghệ nhân Phú Vinh đã không quản ngại phân tán nghề, ra đi truyền nghề cho nhiều địa phương trong và ngoài Tỉnh. Ví như cụ Trần Văn Rắn đi truyền nghề ở Hà Nam, cụ Ngô Văn Phàn và Trần Thị Chuyện đi truyền nghề cho tỉnh Thái Bình và nhiều cụ khác đi truyền cho nhiều địa phương các tỉnh bạn. Tính đến nay, các lớp nghệ nhân ở Làng nghề Phú Vinh đã nhân cấy nghề cho tất cả 12 tỉnh, thành phố trên cả nước, học và duy trì nghề mây tre đan. Hiện nay nhiều thế hệ nghệ nhân như: Nguyễn Văn Khiếu Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Kiệu, Hoàng Văn Khu…tuy họ đã ra đi, nhưng sự nổi tiếng với đôi bàn tay vàng được nghi nhận qua những tác phẩm đạt giải quốc tế vẫn còn lưu danh tên tuổi các cụ.

Nói đến truyền nghề ra nước ngoài, năm 1982,  Bộ Ngoại  giao Cu Ba cũng đã từng đề nghị Chính phủ Việt Nam cho phép nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người làng Phú Vinh sang trực tiếp giúp đỡ nhân dân Cu Ba học nghề mây tre đan của Việt Nam. Trong 4 năm nhận nhiệm vụ (1982 – 1987), ông Trung đã xây dựng và đào tạo được một xưởng nghề cho nước Bạn, giải quyết việc làm cho 300 công nhân.

Thông tin từ các bạn Cu Ba cho ông hay, xưởng nghề do ông tạo dựng, nay đã đã phát triển thêm 3.000 lao động. Cái khóm tre ông trồng trên nước bạn, từ ngày ấy, nay đã phát triển rộng thêm đường kính chu vi 3m. Người dân Cu Ba bây giờ gọi xưởng nghề đó là xưởng nghề Trung Cu Ba. Và bây giờ người làng nghề Phú Vinh cũng gọi ông là nghệ nhân Trung Cu Ba. Cái tên Trung Cu Ba như một món quà nặng nghĩa của người dân Cu Ba dành tặng riêng cho ông vậy. Và có lẽ nhiều nhiều năm nữa, người dân Cu Ba cũng sẽ lục tìm ông tổ làng nghề đan mỹ nghệ của họ là ai. Có phải là của một nghệ nhân người làng nghề truyền thống  Phú Vinh, Việt Nam?

Tính ra thâm niên nghề của nghệ nhân Trung đã có 50 năm, ông nối nghiệp cha từ năm lên 10, hiện ông là nghệ nhân xuất sắc về đan mây chân dung các vị lãnh tụ nổi tiếng thế giới. Chân dung Bác Hồ kính yêu cũng được ông thể hiện qua hàng trăm tác phẩm nghệ thuật các loại. Một điều đặc biệt là, ông không bao giờ bán ảnh Bác Hồ. Ông chỉ sáng tác cho riêng mình, hoặc để tặng, hoặc là tham gia triển lãm, hội chợ…

Được công tác tại nước ngoài một vài năm, lại là người may mắn đi thăm nhiều nước trên thế giới như: Liên Xô, Angola, Mỹ, Đức, Pháp, Bỉ, Trung Quốc,…trong các chuyến công tác, ông giữ vai trò là chuyên gia giới thiệu nghề mây tre đan ở Việt Nam. Hơn ai hết ông thấm hiểu sự thua thiệt của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thương trường Quốc tế. Lối làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát tại các làng nghề, cộng thêm sự quy hoạch thiếu tầm vĩ mô, các hợp đồng kinh tế lớn  thiếu quy mô tổ chức, điều hành và bảo lãnh từ phía Nhà nước, sản phẩm mỹ nghệ của các làng nghề Việt Nam nói chung và làng nghề mây tre đan Phú Vinh nói riêng, mặc dù chất lượng tốt, mẫu mẽ đẹp, khách nước ngoài đặc biệt ưa chuộng, nhưng vì  không xây dựng được thương hiệu Quốc tế, nên rất khó cạnh tranh tại các châu lục. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, muốn ký kết được hợp đồng,  phải “lóp ngóp, trật trầy” tìm kiếm, thuyết phục đối tác. Sản phẩm của làng nghề Việt Nam không có nguồn ra là vậy. Ông Trung kể rằng, năm 2006, ông đã từng thổi sáo tại các phố phường nước Bỉ, và ngồi đánh đàn bầu ở chân cầu Béc lin (Thủ đô nước Đức), để bán hàng rong mây tre đan do doanh nghiệp ông sản xuất. Ông nhớ là đã đánh cả một contenner 70 khối với 40 mặt hàng mây tre đan các loại, bằng phương pháp thổi sáo và đánh đàn bầu, ông đã bán sạch hết số hàng đó. Ông cảm nhận rằng,  khách nước ngoài tỏ ra ưa thích mặt hàng của mình, chỉ khổ nỗi, hàng Madein Việt Nam chưa dành được thương hiệu Quốc tế, nên phải “bán rong ” cực lắm!

Nhắc lại chuyện về cố nghệ nhân Khiếu, Cụ đã thành công trong nghề đan mây tả phong cảnh và tả chân dung người, đến đời con trai là nghệ nhận Nguyễn Văn Tĩnh, năm nay 45 tuổi rất thành công trong lĩnh vực nội thất mây tre đan. Cháu nội của Cụ nhập ngũ năm 2004, những tưởng, em sẽ xa rời cái nghiệp nhọc nhằn của ông cha mình, nhưng không, 3 năm trong quân ngũ, chưa khi nào em quên cái nghề đan mây, hình như nó đã ngấm sâu vào máu thịt em lúc nào không hay. Đầu năm 2007, em rời quân ngũ về nối nghiệp cha ông. Hôm chúng tôi đến, em e dè khoe tác phẩm đầu tay của mình, một cái lọ lục bình cao 4,1m, đang đan đến thành cổ, trên mặt thành lục bình ấy được tả 4 điểm nhấn gồm Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Rùa Hà Nội và Rồng thời Lý đang bay lên. Em bảo công trình sáng tạo này do em thiết kế, cả gia đình khởi công đan từ ngày 10/10/2007 (đúng vào ngày em rời quân ngũ). Còn bố em thì bảo, công trình này phải mất 1.000 ngày mới đan xong, và phải hơn 3 năm, sản phẩm mới được hoàn thiện. Tôi hỏi, trị giá công trình, kinh phí quy ra tiền?  Nghệ nhân Tĩnh cười bảo, hơn cả trị giá, không thể quy đổi thành tiền. Đây là tác phẩm đầu tay tác giả là cháu nội cố nghệ nhân Khiếu, dành dâng tặng đại Lễ ngàn năm Thăng Long.

Liếc qua căn nhà của gia đình anh, đồ đạc chỉ toàn mây, cái gì cũng làm bằng mây, một góc phòng trưng bày nhiều tác tác phẩm nội thất mỹ nghệ mây, một chiếc trao đèn đạt giải nhất cuộc thi Golden V2006, một chiếc lồng bàn mây với hoạ tiết hoa văn độc đáo, giá thành 2 triệu đồng, nếu khách đặt phải sau 2 tháng mới đến tay, và rất nhiều các loại sản phẩm nội thất mây độc đáo khác. Ấy vậy mà, một dàn máy vi tính thôi, đối với gia đình anh vẫn được cho là tài sản lớn, anh chưa có điều kiện sắm cho con mình. Thế mới biết tấm lòng của gia đình nghệ nhân với ngày Đại Lễ mới lớn lao chân thành, làm sao! Còn cậu con trai anh thì bảo, em muốn có nhiều du  khách trong nước và quốc tế biết nhiều hơn đến thương hiệu nghề mây đan Phú Vinh. Lúc chia tay, em vướng lòng một tâm sự: Nghề mây đan khó lắm, để thành công, ngoài năng lực tay nghề, rất cần một trình độ am hiểu về văn hoá và thẩm mỹ nhất định, em muốn tìm học một lớp thiết kế mỹ thuật công nghiệp. Nơi nào dạy, chị mách dùm em nhé!

Yếu tố cần đủ cho làng nghề Phú Vinh

Hiện nay trên địa bàn xã Phú Nghĩa đã hình thành 16 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, trong đó có 9 doanh nghiệp kinh doanh tập trung tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa đã được quy hoạch. Số còn lại là những doang nghiệp, tổ hợp sản xuất nhỏ nằm trong các hộ dân. Câu lạc bộ Nghệ nhân Phú Vinh cũng đã được thành lập năm 2007, tập hợp được 19 nghệ nhân, và thợ giỏi tham gia, trong đó người nhiều tuổi nhất 85 tuổi và trẻ  nhất là 25 tuổi. Câu lạc bộ này với mục đích chính là tập hợp những nghệ nhân, thợ giỏi đoàn kết sát cánh, cùng phát huy những tài năng, tài nghệ của mình để giữ gìn, bảo vệ nghề truyền thống, sáng tạo ra nhiều mẫu mã đẹp, nhiều tác phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới trong hội nhập hiện nay.

Tuy nhiên, để làng nghề Việt Nam nói chung và làng nghề truyền thống Phú Vinh nói riêng, phát triển bền vững, quy mô tầm cỡ, mối quan hệ ảnh hưởng giữa nghệ nhân với doanh nghiệp cần phải được quan tâm thoả đáng. Các doanh nghiệp nên tận dụng khai thác các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp từ các nghệ nhân, đổi lại, các nghệ nhân cũng lại rất cần một sự đầu tư thoả đáng để tái lại sản xuất. Người nghệ nhân không thể một lúc làm cả hai việc vừa giỏi nghệ lại vừa giỏi “buôn” và ngược lại, doanh nghiệp không phải ai cũng đã từng là nghệ nhân để có thể sáng tạo các tác phẩm mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu cao, cạnh tranh với thương hiệu quốc tế.

Thêm nữa, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho làng nghề hiện nay mới chỉ là nguồn trôi nổi, tự phát, tự tìm. Để sản phẩm hoàn thiện đẹp, ngoài nguyên liệu mây, tre, giang nứa, gỗ, gốm sứ, sắt thép… các làng nghề đang  cần phải dùng đến 5% nguyên liệu gồm sơn và các hoá chất khác để  xử lý, bảo quản sản phẩm. Tâm lý người dân tại các làng nghề thường ngại tập trung vào nơi quy hoạch, khó bỏ thói quen sản xuất tại gia. Điều này rất cần một chính sách chỉ đạo quy hoạch đồng thuận từ cấp Nhà nước, đến các cấp chính quyền huyện, xã và làng nghề để bảo vệ môi trường, an toàn cho người sản thợ sản xuất. Vấn đề quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu nếu không có người nhạc trưởng đứng đầu chỉ đạo thì vùng nguyên liệu khó thành hiện thực. Bên cạnh đó, hướng đầu tư xây dựng Phú Vinh thành điểm du lịch làng nghề cũng lại rất cần một tầm tổ chức vĩ mô phù hợp với văn hoá làng nghề truyền thông mây tre đan để thu hút du khách, phát triển bền vững./.