Thông tin chung đề tài
Lĩnh vực: Công nghiệp Tiêu dùng
Tác giả: Hoàng Ngọc Hải, Trần Duy Hưng, Huỳnh Đức Nhân, Hà Văn Huy,
Nguyễn Tuấn Anh, Hà Ngọc Anh, Triệu Hoàng Sơn,
Trần Hữu Chiến, Nguyễn Văn Chinh
Đơn vị: Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy
Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu:
- Năm 2016: Thu thập các nguồn vật liệu để tạo cây trồng khảo nghiệm;
- Năm 2017 đến năm 2019: Thiết lập các khảo nghiệm, hàng năm đánh giá sinh trưởng, phát triển và chất lượng của các dòng (giống). Năm 2020: Đánh giá, tuyển chọn một số dòng (giống) có năng suất cao, kháng sâu, bệnh phục vụ trồng rừng nguyên liệu giấy.
- Đề tài đã tiến hành trồng khảo nghiệm ở 3 vùng sinh thái: Vùng Đông Bắc Bộ (tại Vĩnh Ninh, Lục Nam, Bắc Giang, năm 2017); Đông Nam Bộ (tại Lạc An, Bắc Tân Uyên, Bình Dương, năm 2018); Bắc Trung Bộ (tại Cam Hiếu, Cam Lộ, Quảng Trị, năm 2019).
Trồng rừng bằng cây con tạo từ giâm hom và nuôi cấy mô. Mật độ trồng 1667 cây/ha (cây cách cây 2 m, hàng cách hàng 3 m). Xử lý thực bì toàn diện. Kích thước hố: 40 cm x 40 cm x 40 cm, hố được cuốc theo phương pháp thủ công. Phân bón NPK 10.5.5: 500 g/cây (bón lót 300 g, bón thúc 200 g) ở Bắc Giang. Chăm sóc: Năm đầu chăm sóc 3 lần/năm, năm 2 chăm sóc 2 lần, năm 3 chăm sóc 1 lần.
Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu
Chọn được 3 dòng Bạch đàn E28, E15 và TC2 sinh trưởng và phát triển tốt, hình thái thân cây đẹp, không bị sâu, bệnh, năng suất bình quân đạt 20 - 26 m3/ha/năm, vượt trội so với giống đối chứng đang trồng sản xuất đại trà hiện nay (PNCTIV, PNCT3) từ 12 - 52%.
Kết quả nghiên cứu/giải pháp
Sau trồng 45 tháng tuổi, tỷ lệ sống bình quân >83%. Với rừng trồng sang năm thứ 4, tỷ lệ sống như vậy là khá cao. Chứng tỏ các dòng bạch đàn được chọn lọc có khả năng thích nghi tại Bắc Giang.
Mặc dù điểm thí nghiệm tại Bắc Giang đã qua nhiều chu kỳ kinh doanh bạch đàn, đất ở đây đã bị thoái hóa mạnh, nhưng mới chỉ 45 tháng tuổi, nhận thấy dòng E15, E28 và TC2 đã đạt năng suất từ 20-26 m3/ha/năm, vượt hơn đối chứng PNCT3, PNCTIV (trung bình 3 dòng vượt từ 28-33%, riêng dòng TC2 vượt đối chứng 46 – 52%). Hiện tại cây sinh trưởng khỏe mạnh, không bị sâu, bệnh.
Bạch đàn trong khảo nghiệm này 100% cây đều rất thẳng, xanh tốt, dòng E28, E15, TC2 cho chất lượng thân cây tốt, hình thái đẹp, cành nhánh nhỏ, tán cân đối hình tháp, sinh trưởng đồng đều, đẹp hơn đối chứng PNCTIV và PNCT3. Trong quá trình theo dõi đến năm 2021, chưa phát hiện sâu, bệnh hại đối với những dòng này.
Giá trị ứng dụng
Dòng Bạch đàn TC2, E15 và E28 do Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy chọn tạo, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống cây trồng lâm nghiệp mới tại Quyết định số 1734/QĐ-BNN-TCLN ngày 23/4/2021.
Đây là các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, cần được phát triển nhanh để phục vụ cho trồng rừng sản xuất nói chung, rừng nguyên liệu giấy nói riêng, góp phần đa dạng giống cây trồng rừng.