THỂ LỆ VIẾT VÀ GỬI BÀI CÔNG BỐ CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRÊN TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
1. YÊU CẦU CHUNG
Bài báo khoa học gửi Tạp chí Công Thương phải là những bài viết mới, chưa từng được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Bài viết bằng tiếng Việt hoặc song ngữ tiếng Anh.
Dung lượng một bài báo thông thường khoảng 4.000 từ.
Các danh từ tiếng Việt nếu dịch từ tiếng nước ngoài phải viết kèm theo tiếng nước ngoài. Chữ viết tắt phải có chú thích từ gốc.
Bài báo gửi về Tòa soạn thông qua hộp thư điện tử, hoặc cổng nhận bài, được viết dưới dạng file Word; Font chữ Times New Roman.
Các công trình thuộc đề tài nghiên cứu có cơ quan quản lý, cần kèm theo giấy phép cho công bố của cơ quan (gồm: Tên đề tài, mã số, tên chủ nhiệm đề tài, cấp quản lý,…)
2. YÊU CẦU VỀ TRÌNH TỰ NỘI DUNG
Tên bài báo (Title): phản ánh được nội dung chính của bài báo, cần phải rõ ràng, không dài quá 20 từ (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh), chữ thường, đậm.
Thông tin tác giả (Author’s biology): bao gồm cả họ và tên, viết hoa chữ cái đầu, chữ thường, đậm.
Giữa tên các tác giả bài báo được đánh dấu phẩy (,), trường hợp bài báo có 3 tác giả trở lên, cần ghi tên 3 tác giả đầu và cộng sự (et al - tiếng Anh). Trường hợp các tác giả cùng đơn vị công tác thì đánh số mũ 1 giống nhau và nếu khác đơn vị công tác thì đánh số 2,3...
Ghi rõ học hàm, học vị, chức danh, đơn vị công tác, số điện thoại, email và địa chỉ nhận ấn phẩm.
Tóm tắt (Abstract): phản ánh khái quát những nội dung chính trong bài báo và thể hiện rõ những kết quả, đóng góp, điểm mới của bài báo, dài khoảng 100 từ (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh), chữ thường.
Từ khóa (Keywords): thể hiện chủ đề của bài viết, chọn khoảng 3 - 5 từ (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh), chữ thường.
Đặt vấn đề (Introduction): cần trình bày rõ lý do thực hiện nghiên cứu và tầm quan trọng của chủ đề nghiên cứu (có ý nghĩa như thế nào về mặt lý luận và thực tiễn); xác định rõ vấn đề nghiên cứu; nội dung chính mà bài báo sẽ tập trung giải quyết, chữ thường.
Tổng quan nghiên cứu và/hoặc Cơ sở lý thuyết (Literature review and/or Theoretical framework): trình bày khái quát và tổng hợp các công trình nghiên cứu có liên quan, qua đó chỉ ra khoảng trống nghiên cứu (research gap); cơ sở lý thuyết liên quan; khung lý thuyết hoặc khung phân tích sử dụng trong bài.
Phương pháp nghiên cứu (Methodology): có thể là phương pháp nghiên cứu định tính hoặc định lượng, hoặc cả hai tùy theo cách tiếp cận của tác giả. Trong đó, cần thể hiện mô hình và các giả thuyết nghiên cứu (nghiên cứu định lượng) và/hoặc thiết kế nghiên cứu định tính; đồng thời cần chỉ ra cách thức thu thập dữ liệu.
Kết quả và thảo luận (Results and discussion): trình bày, phân tích các kết quả phát hiện, thu được trong nghiên cứu; đồng thời thảo luận rút ra mối quan hệ chung, mối liên hệ giữa kết quả nghiên cứu của tác giả với những phát hiện khác trong các nghiên cứu trước đó; chữ thường.
Lưu ý: Chú thích bảng/hình được đánh số thứ tự tăng dần, không đánh theo thứ tự các tiểu mục. Mỗi bảng/hình cần phải có tên tương ứng mô tả chính xác nội dung của bảng/hình. Số thứ tự và tên bảng/hình được đặt ở vị trí phía trên cùng của bảng/hình đó theo phương chiều ngang, chữ in đậm. Các bảng/hình phải được dẫn nguồn. Nguồn được đặt dưới cùng của bảng/hình, chữ trình bày in nghiêng, không in đậm.
Kết luận hoặc/và giải pháp/khuyến nghị/hàm ý (Conclusions or/and solutions/suggestions/implications): xuất phát từ kết quả nghiên cứu và tùy theo mục tiêu nghiên cứu, cần có kết luận và đưa ra giải pháp hay khuyến nghị cho các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách,... có thể thêm quan điểm của nghiên cứu, chữ thường.
Lời cảm ơn (Acknowledgements): không bắt buộc, dành để cảm ơn các cơ quan, tổ chức tài trợ, các cá nhân có đóng góp, giúp đỡ cho việc viết và hoàn thiện bài báo, chữ thường, đậm, nghiêng.
Tài liệu tham khảo/trích dẫn (References): bao gồm các tài liệu đã trích dẫn/tham khảo trong bài báo; Được trình bày theo thứ tự: Tên tác giả/tên cơ quan chủ quản, năm xuất bản - được ghi trong dấu ngoặc đơn (…), tên bài viết/tên tài liệu/tên sách/tên kỷ yếu/tên hội nghị/tên diễn đàn, tên giáo trình, bài giảng/tên đề tài luận án, luận văn, tên đơn vị xuất bản/tên địa phương, tập/số, trang nếu có/ trích dẫn từ nguồn internet, báo mạng <đường dẫn để tiếp cận tài liệu đó> và link DOI (nếu có).
Lưu ý: Các tài liệu tham khảo được sắp xếp theo vần ABC chữ cái đầu tiên, tài liệu tiếng Việt trước và tiếng Anh sau, chữ thường.
Giữa tên các tác giả bài báo được đánh dấu phẩy (,), trường hợp bài báo có 3 tác giả trở lên, cần ghi tên 3 tác giả đầu và cộng sự (et al - tiếng Anh); Giữa tên các tác giả sách được sử dụng chữ và (hoặc chữ and); trường hợp có 3 tác giả trở lên thì ghi tên tác giả thứ nhất và cụm từ cộng sự (hoặc et al. - tiếng Anh).
Các nội dung tham khảo trong bài báo cần được ghi ở phía đầu/ hoặc cuối câu, cuối đoạn, gồm: Tên tác giả, năm xuất bản (đặt trong ngoặc đơn) tài liệu đó.
Các tài liệu trích dẫn cần được đặt theo thứ tự 1, 2, 3,… [trong ngoặc vuông] và phần nội dung trích dẫn trong bài báo cần được ghi ở phía cuối câu, cuối đoạn theo thứ tự tài liệu trích dẫn đó.