“Đừng hối thúc”
Với diện tích bằng 2/3 diện tích Việt Nam và dân số chỉ gần 7 triệu người trải đều khắp đất nước, người dân Lào có phong thái sống chậm rãi, khoan thai tận hưởng cuộc sống.
Có một câu nói vui mà người Việt sinh sống ở Lào thường truyền miệng nhau khi nói về người Lào: “Muốn nhanh thì phải từ từ”.
Một người Việt từng có thời gian sinh sống ở thủ đô Vientiane, kể một giai thoại thú vị để minh họa lối sống chậm rãi của người Lào.
“Lúc sống ở Lào, tôi nghe nhiều người truyền tai một giai thoại vui là chữ PDR trong “Laos PDR” (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) còn được hiểu là “Please Don't Rush” (Vui lòng đừng hối thúc). Nếu ai hối thúc người Lào, họ sẽ giận ngay” – người này cho hay.
Lại nhớ, có hôm chúng tôi vào một quán ăn. Vì đến sau không có chỗ đỗ xe nên đành miễn cưỡng đỗ sau đuôi một xe khác. Nghĩ bụng, chắc cũng không sao, vì nếu chủ xe bên trong mà đi ra họ sẽ phải gọi. Nhưng khi ăn uống cả tiếng đồng hồ, tịnh không thấy có ai gọi. Lúc về, tôi vẫn thấy chiếc xe đỗ bên trong. Hỏi ra mới biết, chủ xe đã ăn xong từ lâu, nhưng không muốn hỏi, hay giục nên cứ ngồi ở quán đợi. Tình huống này ở Việt Nam thì đúng là chuyện lạ.
Ấn tượng nhất là cung cách phục vụ trong quán ăn của người Lào. Có dịp lái xe từ Vientiane lên cố đô Luang Prabang, ghé một quán cơm ven đường. Cả nhóm đang đói bụng nhưng 10 phút trôi qua vẫn chưa thấy người phục vụ nào bước đến.
Nóng ruột, một khách lớn tuổi bước đến quầy có ông chủ quán người Lào để nhắc liền nhận được câu trả lời: “Anh cứ về chỗ ngồi, chút nữa sẽ có người đến”.
“Chút nữa” đó là 30 phút sau. Một nhân viên phục vụ đến bày lên bàn sáu cái đĩa. Và sau đó, từng món ăn đã gọi mới được đưa lên trong sự sốt ruột của thực khách dù lúc đó quán không đông khách lắm.
Người Lào sống chậm, sống kiểu “không hối thúc” là thế.
Không làm thêm, không có nhu cầu kiếm tiền
Tôi có cậu em tên là Tiến Anh sang Lào làm cho Công ty Viettel, rồi hết đợt công tác, xin nghỉ việc và ở lại đây luôn. Giờ, Tiến Anh đã là chủ của 3 khách sạn ở 3 tỉnh khác nhau của Lào.
Tiến Anh kể, người Lào lái xe chậm rãi, hầu như rất hiếm khi nghe thấy tiếng còi xe và người Lào tuân thủ luật lệ giao thông rất tốt.
Cũng theo Tiến Anh, vào hai ngày cuối tuần, đa số hàng quán đóng cửa để nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình. Tối đến, người Lào tụ tập uống bia, hát cho nhau nghe, để lại những xô bồ của cuộc sống ngoài cửa.
Vài lần đi mua hàng tại Vientiane, Tiến Anh đề nghị cho nhân viên giao hàng tận nhà và đồng ý trả thêm tiền như ở Việt Nam nhưng chủ cửa hàng nhất quyết bảo không, chỉ bán hàng tại chỗ.
Ngay như khách sạn của Tiến Anh. Dịp nào đông khách, có trả gấp đôi tiền để nhân viên ở lại làm thêm cũng không được. Nếu thoả thuận với họ làm việc đến 6h tối là kết thúc, thì đúng 6h tối họ bỏ việc đó, dắt xe đi về. Với Tiến Anh, bài toán lao động là cực kỳ đau đầu. Kéo người Việt sang phải lo chỗ ăn, ở, tốn kém hơn nhiều nhưng vẫn phải kéo, vì dùng lao động Lào đôi khi khách đông là bị "vỡ trận".
Một người bạn Lào của Tiến Anh chia sẻ: “Người Lào chúng tôi quan niệm rằng giàu mà làm việc vất vả quá thì cũng không hạnh phúc, thà ít tiền mà hạnh phúc còn hơn”. Anh tiết lộ rằng, ở Lào, công chức phải bắt đầu ngày làm việc lúc 8h sáng nhưng hầu hết công chức như anh đều vào công sở lúc... 8h30 vì còn bận ăn sáng, uống cà phê tán gẫu.
Năng suất lao động thấp
Lào duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong những năm gần đây nhờ xuất khẩu, trong đó xuất khẩu năng lượng đóng góp 1/3. Tuy nhiên, Lào đang gặp phải vấn đề năng suất lao động thấp.
Một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vào năm 2015 cho biết nếu không giải quyết được vấn đề năng suất lao động thấp, Lào sẽ không thể phát triển đầy đủ tiềm năng trong một thập niên tới.