Cụ thể, trong lĩnh vực cải cách hành chính đã có hiệu quả rõ rệt, từ việc ứng dụng văn phòng điện tử D-Office đã rút ngắn thời gian ký và gửi văn bản điện tử, lập hồ sơ công việc điện tử; việc tra cứu tài liệu nhanh chóng và chính xác, đảm bảo công việc thông suốt và kịp thời, giảm nhân lực; tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, chi phí chuyển phát nhanh và chi phí lưu trữ hồ sơ tài liệu, tiết kiệm không gian lưu trữ.
Phần lớn các cuộc họp cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến thông qua cầu truyền hình, phần mềm Zoom, Teams, Meet, Zalo…tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, chi phí lưu trú. Các văn bản, báo cáo hội họp được tích hợp qua mã QR tiết kiệm giấy tờ, in ấn…
Chuyển đổi số đã mang lại nhiều hiều quả trong công tác quản trị, ứng dụng phần mềm quản lý nguồn nhân lực (HRMS) vào việc số hóa dữ liệu nhân sự đã tạo môi trường thuận lợi cho việc tra cứu, khai thác thông tin cá nhân về trình độ đào tạo, bằng cấp, hợp đồng, mức lương, chế độ bảo hiểm; thực hiện đăng ký học viên tham dự, đánh giá kết quả các khóa đào tạo trực tuyến thông qua hệ thống HRMS nhanh chóng và chính xác, giảm khối lượng công việc nhưng vẫn đảm bảo an toàn và bảo mật về mặt lưu trữ.
Lĩnh vực đào tạo tập trung đào tạo trực tuyến (E-Learning), do đó phần lớn cán bộ công nhân viên Công ty đều có cơ hội tiếp cận tri thức (thư viện số), tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia học mọi lúc mọi nơi.
Thông qua đào tạo trực tuyến có thể thống kê chính xác số lượng học viên tham gia và đánh trực tiếp kết quả, chất lượng đào tạo của của các học viên tham gia.
Trong lĩnh vực thị trường điện, các báo cáo và chào giá thực hiện theo quy trình nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của các cấp điều độ vận hành và thực tế của các tổ máy.
Báo cáo thị trường điện, xác nhận sự kiện, bảng kê thanh toán và sản lượng đều thực hiện sử dụng chữ ký số để xác nhận đáp ứng tính kịp thời và thuận lợi. Các số liệu đo đếm tự động cập nhật hàng ngày đảm bảo tính chính xác và liên tục phục vụ công tác báo cáo, cung cấp số liệu.
Trong lĩnh vực quản lý kỹ thuật, vận hành và sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, ứng dụng công nghệ trên “Website tổng hợp các khiếm khuyết của tổ máy https://thkk.nhietdienuongbi.com.vn/” được nhóm phòng kỹ thuật Công ty phát triển và được công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tích hợp nhiều tính năng như: Cung cấp hình ảnh hiện trạng của thiết bị trước và sau khi sửa chữa, biên bản hiện trạng, phương án kỹ thuật, ghi nhật ký công việc, số người tham gia, số ngày hoàn thành, đánh giá tiến độ sửa chữa, tổng hợp các khiếm khuyết bị chậm tiến độ…
Có thể kết nối được bằng mạng nội bộ Công ty Nhiệt điện Uông Bí cũng như mạng internet. Ứng dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp lãnh đạo Công ty và bộ phận chức năng dễ dàng giám sát các khiếm khuyết của tổ máy cũng như theo dõi chính xác và nhanh chóng tiến độ sửa chữa, tiến độ cấp vật tư, các khiếm khuyết bị chậm tiến độ, giảm thiểu thủ tục giấy tờ, tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí.
Ứng dụng “Nhật ký vận hành điện tử” có chức năng ghi lại diễn biến trong quá trình vận hành trên hệ thống điện tử như: cập nhật thông số vận hành, tình trạng thiết bị của các hệ thống lò hơi, tua-bin và các hệ thống khác trong nhà máy (thay thế cho việc ghi chép bằng tay trên sổ giấy) giúp ích cho việc lưu trữ và tra cứu thông tin nhanh chóng, chính xác. Từ đó, có thể phân tích, chẩn đoán các lỗi có thể xảy ra đối với các thiết bị, đề ra các giải pháp để phòng ngừa sự cố, nâng cao hiệu suất thiết bị.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo phương pháp RCM trên phần mềm PMIS thay cho quy trình truyền thống đã mang lại hiệu quả cao cho việc lập phương án sửa chữa các hệ thống thiết bị, cập nhật đầy đủ danh mục hệ thống cần phân tích, từ đó hàng năm sẽ theo dõi và thực hiện phân loại, lựa chọn để áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng phù hợp, giúp giảm suất sự cố thấp nhất và tăng hệ số khả dụng các tổ máy tại Công ty Nhiệt điện Uông Bí.
Từ những lợi ích thực tế của chuyển đổi số, Công ty tiếp tục nghiên cứu ứng dụng AI, Big data để khai thác dữ liệu trong PMIS phục vụ sửa chữa, tối ưu hệ thống, nâng cấp hệ thống PMIS với kiến trúc mới đáp ứng yêu cầu quản lý, trong đó tập trung khai thác dữ liệu các hệ thống điều khiển, giám sát, vận hành như SCADA/EMS và các phần mềm điều khiển tại trạm/nhà máy điện.
Việc tích hợp thông tin và liên thông với hệ thống phần mềm khác giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số được giao.