Trong ngày 24/1, CEO Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco ông Amin H. Nasser cho biết nhu cầu sử dụng dầu mỏ trên toàn cầu đang phục hồi mạnh về gần mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và sẽ đạt ngưỡng này vào cuối năm nay. Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco thuộc sự quản lý của chính phủ Ả-rập Xê-út và là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới. Nguồn cung dầu mỏ từ Ả-rập Xê-út hiện chiếm khoảng 10% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
Ông Amin H. Nasser cũng bày tỏ sự lạc quan về nhu cầu sử dụng nhiên liệu như xăng và dầu diesel đang được cải thiện đáng kể. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu máy bay hiện vẫn ở mức yếu do các hoạt động hàng không hiện vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn tại nhiều quốc gia.
Hiện nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới cũng nhận định nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn đáng kể so với các dự báo trước đây trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến chủng Covid-19 Omicron dường như ít có tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới như các đợt bùng phát dịch trước đây.
Tuy nhiên, thị trường đang đối mặt rủi ro thiếu hụt nguồn cung khi ngành công nghiệp dầu mỏ trên toàn cầu rơi vào tình trạng thiếu hụt đầu tư, gây ảnh hưởng đến các hoạt động duy tu, bảo dưỡng tại các mỏ dầu hiện nay cũng như việc mở rộng quy mô khai thác. Ông Amin H. Nasser cảnh báo nếu không gia tăng đầu tư cho lĩnh vực dầu mỏ thì nguồn cung khó có thể theo kịp được đà gia tăng nhu cầu sử dụng.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện đặt mục tiêu nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng dầu/tháng. Dữ liệu cho thấy một số quốc gia như Nga, Nigeria và Angola gặp khó khăn trong việc thực thi mục tiêu này.
Giá dầu thô được dự báo có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay do tình trạng căng thẳng nguồn cung. Bên cạnh đó, rủi ro leo thang xung đột giữa Nga – Ukraine và giữa phiến quân Houthi (Yemen) với liên minh quân sự do Ả-rập Xê-út lãnh đạo tại khu vực Trung Đông có thể khiến nguồn cung dầu thô của nhiều quốc gia suy giảm. Một số nhà quan sát cảnh báo bất kỳ xung đột nào bùng phát cũng có thể đẩy giá dầu thô vượt mốc 100 USD/thùng, thậm chí lên đến 150 USD/thùng.