Giá than nhiệt lượng cao rơi xuống thấp xuất phát từ: nhu cầu sử dụng than nhiệt lượng cao trong giai đoạn vừa qua yếu nhưng nguồn cung lại gia tăng. Theo đánh giá của tập đoàn Macquarie Capital, lượng than nhiệt lượng cao được xuất đi qua đường biển từ 3 quốc gia khai thác than lớn nhất thế giới: Australia, Nga và Mỹ - đã tăng 13% trong nửa đầu năm 2013.
Trên thị trường than, các nhà khai thác đến từ Australia, quốc gia cung cấp than nhiệt lượng cao lớn thứ 2 thế giới, được cho là chịu trách nhiệm chính trong việc khiến giá than sụt giảm. Các nhà khai thác tại Australia đã vừa tiến hành giảm giá đồng thời gia tăng công suất khai thác nhằm giảm chi phí đơn vị sản phẩm. Theo Macquarie Capital, trong 6 tháng đầu năm 2013, lượng than nhiệt lượng cao được Australia xuất khẩu đã đạt 88,2 triệu tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng than tại Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia tiêu thụ than nhiệt lượng cao nhiều nhất thế giới, vẫn chưa có dấu hiệu gia tăng. Ông Stefan Ljubisavljecvic, chuyên gia phân tích tại Macquarie Capital cho biết, trong nửa đầu năm nay, việc Ấn Độ nhập khẩu than đã giúp giá than nhiệt lượng cao đứng vững phần nào. Tuy nhiên, trước sự mất giá nhanh của đồng Rupee và các nhà máy nhiệt điện tại Ấn Độ hiện có mức dự trữ than cao. Cùng với một số dấu hiệu cũng cho thấy sản lượng khai thác than nội địa Ấn Độ cũng đã tăng cao hơn. Điều này đã khiến lượng than nhiệt lượng cao được Ấn Độ mua vào giảm xuống, mất chỗ dựa cho giá than nhiệt lượng cao trên thị trường.
Ông Stefan Ljubisavljecvic dự báo giá than nhiệt lượng cao từ này đến cuối năm có thể phục hồi nhẹ. Nguyên nhân do nguồn cung có thể giảm do chi phí khai thác tăng cao trong bối cảnh nhu cầu thấp.
Ông Heath Jansen, chuyên gia phân tích tại tập đoàn Citigroup, việc các nhà khai thác than Trung Quốc giảm giá trong tuần này đã cho thấy nhu cầu than nhiệt lượng cao trên thị trường hiện ở mức thấp. Theo đó, việc cắt giảm giá than nhiệt lượng cao của các nhà khai thác Trung Quốc sẽ có khả năng kích thích việc tiêu thụ than nội địa Trung Quốc và làm giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu.
Tập đoàn Citigroup dự báo nhu cầu sử dụng than nhiệt lương cao của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất năng lượng có thể đạt đỉnh trước năm 2020 do các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế thông qua việc nâng cao tiêu thụ nội địa. Sự gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân cùng với nguồn cung khí gas thiên nhiên tăng sẽ ảnh tác động đến nhu cầu sử dụng than nhiệt lượng cao của Trung Quốc.