Nhu cầu toàn thị trường giảm 50%, nhiều doanh nghiệp nhỏ tạm dừng hoạt động
Hãng chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV) vừa công bố thông tin về cuộc họp giữa nhà đầu tư với Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã cổ phiếu BMP - sàn HoSE). Theo đó, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết kết quả kinh doanh trong quý 3/2023 sẽ suy giảm so với cùng kỳ năm 2022 do nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trên thị trường chung giảm từ 40% - 50% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, mùa mưa diễn ra trong quý 3/2023 tác động tiêu cực đến các hoạt động xây dựng.
Trong quý 2/2023 vừa qua, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.300 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng lên tới gần 300 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất kể từ khi doanh nghiệp nhựa này niêm yết giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2006.
Chia sẻ về diễn biến giá nguyên vật liệu đầu vào, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ đã buộc phải tạm dừng hoạt động trong bối cảnh giá PVC resin biến động mạnh trong quý 3/2023 vừa qua.
Tuy nhiên, Nhựa Bình Minh đang có lợi thế trong việc nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ - Tập đoàn SCG (Thái Lan). Ngoài ra, doanh nghiệp đã chủ động đa dạng hoá nguyên vật liệu từ kênh nội địa lẫn nhập khẩu theo tỷ lệ 70% nhập khẩu và 30% nội địa.
Nhựa Bình Minh định hướng sẽ gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu để tối ưu kết quả kinh doanh trong tương lai với kế hoạch có thể gia tăng nhập PVC từ Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC) khi dự án Đức Giang Nghi Sơn đi vào hoạt động.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra hồi tháng 4/2023, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh tự tin nhận định với các điều kiện thị trường hiện tại sẽ không có đối thủ mới gia nhập ngành nhựa Việt Nam trong 1 - 2 năm tới đây, nhiều nhà sản xuất nhỏ đang phải sản xuất gián đoạn, thậm chí muốn sang nhượng lại vì thị trường cạnh tranh gay gắt. Đồng thời, Nhựa Bình Minh đang có lợi thế vượt trội là sở hữu nguồn cung nguyên liệt đầu vào từ công ty mẹ, giúp giảm thiểu rủi ro biến động giá, giúp đảm bảo biên lợi nhuận gộp.
Nhựa Bình Minh thận trọng đối với triển vọng kinh doanh năm 2024.
Về triển vọng trong thời gian tới, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh hiện đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 theo hướng thận trọng với nhận định nhu cầu tiêu thụ ống nhựa sẽ duy trì ở mức thấp như các dự báo trước đây. Tuy nhiên, Nhựa Bình Minh cho biết chưa có kế hoạch giảm giá bán để cải thiện thị phần do những rủi ro liên quan tới tỷ giá.
Nhựa Bình Minh hiện kỳ vọng các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản sẽ có tác động khởi sắc hơn trong 2024, từ đó giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng.
Doanh nghiệp nhựa này cũng sẽ giữ công suất ổn định ở mức 70% - 80% công suất thiết kế. Trong đó, Nhà máy Bình Minh Long An hiện đang hoạt động với công suất 28.000 tấn/năm (70% công suất thiết kế hiện tại). Dự kiến sẽ mất từ 3 - 5 năm để khai thác 100% công suất thiết kế hiện nay. Nhà máy này có tổng diện tích 16 ha, đang hoạt động trên 10 ha với 03 dây chuyền và 01 nhà kho, Nhựa Bình Minh dự kiến sẽ xây dựng bổ sung 6 ha còn lại (01 dây chuyền và 01 nhà kho) trong giai đoạn 2028 - 2029.
Về kế hoạch chia cổ tức năm 2023, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết hiện chưa có kế hoạch cụ thể và cần đợi tới Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 để có quyết định chính thức cũng như tuỳ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của năm 2024.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 13/10, giá cổ phiếu BMP đạt 92.100 đồng/cổ phiếu, tăng gần 60% so với thời điểm đầu năm nay.